Trong thế giới tự nhiên có rất nhiều điều kì lạ xảy ra khiến chúng ta khó mà hình dung được chúng thực sự có thật. Điển hình như những tảng đá với khả năng tự cân bằng trong trạng thái chênh vênh chỉ trên 1 điểm tựa nhỏ.
Những tảng đá này không chỉ có ở một nơi mà chúng được tìm thấy ở rất nhiều nơi trên thế giới. Ví dụ như tảng đá Idol Rock ở Anh, đá Nấm ở Mỹ, đá Vaaniral Kal ở Ấn Độ, đá Devils Marbles ở Úc, đá Vàng Myanmar, khối đá ở Trùng Khánh - Trung Quốc…
Và sự vào cuộc của các nhà khoa học về trường hợp khối đá tại Trùng Khánh đã giải mã phần nào hiện tượng phổ biến này trên thế giới.
Hiện nay, khu rừng đá ở An Miêu trại thuộc huyện Bành Thủy, Trùng Khánh, Trung Quốc là nơi có tảng đá kỳ lạ kiểu như trên. Vì thế, đây cũng là một điểm du lịch thu hút được nhiều du khách mỗi ngày.
Tảng đá nặng hàng chục tấn chênh vênh trên 1 tảng đá nhỏ xíu ở Trùng Khánh. (Ảnh: Xinhuanet)
Đúng như tên gọi, rừng đá An Miêu Trại là một nơi chỉ toàn là đá dựng ngang dọc. Thoạt nhìn, những tảng đá ở đây trông như những ngọn núi khổng lồ. Theo phân tích của các nhà khoa học, điểm đặc trưng của rừng đá An Miêu Trại là địa hình karst (đây là hiện tượng phong hóa đặc trưng của những miền núi đá vôi bị nước chảy xói mòn).
Các chuyển động liên tục của thạch quyển (lớp vỏ cứng ngoài cùng của Trái đất) đã khiến cho nước biển bao phủ khu vực này rút đi, tạo cơ hội cho những vách núi đá vôi phát triển. Trong giai đoạn lịch sử đầu tiên của khu vực này, nơi đây được bao phủ bởi đất bazan và trầm tích.
Trải qua rất nhiều những biến cố thăng trầm của lịch sử cùng với sự tác động ngoại cảnh của thiên nhiên cùng với khí hậu thủy văn đặc biệt, rừng đá An Miêu trại mới được phân tầng phát triển và mang lại những giá trị lớn như hiện giờ.
Những tảng đá ở đây mang đặc trưng địa hình karst điển hình. (Ảnh: Xinhuanet)
Những tảng đá ở đây có cảm giác như được phân cấp rõ rệt. Ngoài ra, do địa hình karst nên chỗ nào cũng xuất hiện những tảng đá vôi màu trắng xám. Mặc dù ở đây có rất nhiều tảng đá khổng lồ nhưng tảng đá có thể tự cân bằng hình thành tự nhiên chỉ có một. Tảng đá này có hình dáng khá lạ mắt với phần đáy và bề mặt bằng phẳng. Nó có chiều dài khoảng 7m, chiều rộng khoảng 3m, độ dày trung bình khoảng 1m và trọng lượng khoảng mấy chục tấn.
Phần bệ đỡ tảng đá này thực chất là một tảng đá nhỏ. Tảng đá này chỉ dày khoảng 30 cm, đường kính chỉ trên dưới 50 cm.
Các nhà khoa học đã tiến hành phân tích thành phần cả 2 tảng đá và xác định rằng chúng đều là đá vôi. Đá vôi là một loại đá trầm tích, về thành phần hóa học chủ yếu là khoáng vật calcit và aragonit (các dạng kết tinh khác nhau của CaCO3). Đá vôi thường kèm theo các hàm lượng cao các tạp chất hóa học như dolomit (magie cacbonat), silica (silic); và đất sét (argillaceous) với tỷ lệ khác nhau.
Tảng đá kỳ lạ này đã thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến An Miêu trại. (Ảnh: Xinhuanet)
Chúng thường được hình thành ở vùng nước biển không sâu, ấm áp, và nước trong. Chúng là một loại đá trầm tích sinh học hữu cơ có thể hình thành từ sự tích tụ của vô số các mảnh vụn vỏ sò; tảo; san hô và phân của chúng. Nó cũng có thể là một loại đá trầm tích hóa học được hình thành do sự kết tủa của CaC03 từ nước hồ hoặc đại dương. Hay nói một cách khác là tảng đá tự cân bằng này có từ thời cổ đại khi nơi này vẫn còn là đại dương.
Trải qua hàng trăm triệu năm, cùng với sự thay đổi của tự nhiên, nước biển ở An Miêu trại dần cạn kiệt, đáy biển thành đất liền. Trải qua bao mưa gió, rừng đá như hiện tại mới dần hình thành. Tuy nhiên, theo quan sát của các nhà khoa học, loại địa hình địa mạo như rừng đá An Miêu trại cũng vẫn là rất hiếm gặp.