Campuchia có tới 7 nhà mạng vào thời điểm Metfone (Viettel tại Campuchia) khai trương. Dù là “người thứ 8”, nhưng Metfone nhanh chóng tăng trưởng với chiến lược “bình dân hóa dịch vụ viễn thông”, đưa viễn thông, CNTT đến với 96% dân số Campuchia, kể cả vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Chỉ sau 2 năm khai trương dịch vụ, Metfone đã vươn lên vị trí số 1 tại Campuchia – một điều cực kỳ khó tin nếu biết rằng số vốn đầu tư ban đầu chỉ là 1 triệu USD.
Chiến lược “bình dân hoá dịch vụ viễn thông” cũng giúp Viettel nhanh chóng nắm vị trí số 1 về thị phần tại Lào, Đông Timor.
Với phương châm “Mạng lưới đi trước, kinh doanh đi sau”, Unitel ( Viettel tại Lào) cũng nhanh chóng xây dựng hạ tầng kỹ thuật vượt trội so với 3 nhà mạng đã kinh doanh tại đây 10-15 năm trước. Và cũng chỉ sau 2 năm, Unitel đã vươn lên vị trí số 1 về thị phần di động tại “đất nước triệu voi”.
Với Telemor (Viettel tại Đông Timor), hành trình vươn lên số 1 toàn diện cả về thuê bao, hạ tầng mạng lưới lẫn kênh phân phối còn rút ngắn hơn nữa, chỉ sau 1 năm kinh doanh. Chiến lược “bình dân hóa viễn thông” được thực hiện bằng cách xây dựng hạ tầng phủ sóng 96% dân số, đến cả những vùng xa xôi, cách trở nhất; cung cấp máy đầu cuối giá rẻ; tổ chức 2.500 điểm bán hàng; tiết kiệm tối đa chi phí để đưa ra giá cước khác biệt rẻ hơn đối thủ; phát sim di động miễn phí cho học sinh, sinh viên, giáo viên, cảnh sát…
Chiến lược bình dân hóa viễn thông đã giúp tất cả các công ty của Viettel trên thế giới đều nhận được sự ủng hộ của người dân sở tại vì đã góp phần xoá bỏ khoảng cách công nghệ giữa người giàu và người nghèo, giữa vùng nông thôn và thành thị. Đến ngày hôm nay, mọi người dân nước bạn đều được hưởng những công nghệ hàng đầu thế giới.
Điểm chung của Lumitel (Viettel tại Burundi) vươn lên vị trí số 1 nhanh nhất trong lịch sử, chỉ sau 6 tháng kinh doanh và Natcom (Viettel tại Haiti) mất 12 năm mới lên số 1 là cả hai đều nhìn thấy cơ hội trong khó khăn.
Khi Viettel đến Burundi, quốc gia 10 triệu dân này chỉ có 1 đài truyền hình và radio, gần 80% hộ gia đình không có tivi và 98% dân số chưa từng sử dụng Internet. Thế nhưng, Lumitel đến và đã phủ sóng 18/18 tỉnh thành. Cơ hội xuất hiện khi các nhà mạng đang kinh doanh tại đây đều tạm ngưng hoạt động vì bất ổn chính trị, riêng Lumitel - nhà mạng vừa mới thành lập, quyết định ở lại và đảm bảo liên lạc thông suốt cho người dân Burundi. Lumitel đã vươn lên vị trí số 1 về thị phần chỉ sau 6 tháng kinh doanh.
Với Natcom (thương hiệu Viettel ở Haiti), thành công không đến sớm, bởi không thể xây dựng nhanh chóng hạ tầng kỹ thuật vượt đối thủ. Tuy nhiên, Natcom vượt lên đối thủ ở việc khắc phục sự cố mạng lưới sau thiên tai, bất ổn chính trị nhanh hơn và tìm ra cách vận hành hạ tầng kỹ thuật ngay trong tình hình xã hội còn chưa ổn định. Ở một quốc gia liên tiếp xảy ra nhiều thiên tai, bất ổn chính trị, sự dũng cảm, khát vọng và tinh thần đoàn kết vượt khó khăn là lợi thế cạnh tranh chiến lược của Natcom. 2023 là một năm nhiều biến động tại Haiti với bất ổn chính trị và bệnh dịch, nhưng lại là thời điểm Natcom vượt lên khó khăn và chiếm vị trí số 1 về thị phần.
Tương tự Natcom, 2023 cũng đánh dấu cột mốc vươn lên số 1 của Mytel (Viettel tại Myanmar) sau 5 năm kinh doanh trong bối cảnh khó khăn không kém. Khi lệnh thiết quân luật được áp dụng trên nhiều tỉnh, thành phố tại Myanmar, các nhà mạng khác đều chững lại hoặc tìm cách rút khỏi thị trường thì Mytel lại lập kế hoạch tăng trưởng mạnh. Nhờ chiến lược đầu tư mạng lưới rộng khắp và cách triển khai quyết liệt chiến lược bán hàng, marketing trên các nền tảng số ngay trong đại dịch, bất ổn chính trị… Mytel đã có được cơ hội vượt lên vị trí số 1 về viễn thông vào giữa năm 2023.
Mozambique là quốc gia châu Phi đầu tiên mà Viettel đầu tư (khai trương dịch vụ năm 2012) và nhanh chóng đem lại những thay đổi khó tin về viễn thông tại các vùng quê nghèo và được coi là “điều kỳ diệu của châu Phi”. Thế nhưng, phải đến năm 2019 thì Movitel (Viettel tại Mozambique) mới có những quyết định chiến lược mang tính bước ngoặt. Đó là năm Movitel mua băng tần 4G và thay đổi công nghệ lõi cho ví điện tử e-Mola.
Cùng trong năm đó, Movitel tạo ra một dấu ấn cực kỳ mạnh mẽ trong lòng người dân Mozambique trong cơn bão IDAI – còn được gọi là “thảm hoạ tồi tệ nhất lịch sử ở nam bán cầu”, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hơn 1,5 triệu người. Chỉ sau 5 ngày từ khi bão tan, nhà mạng này đã khôi phục được liên lạc cho phần lớn người dùng di động ở 4 tỉnh chịu thiệt hại nặng nhất, trong khi các nhà mạng khác phải mất thời gian 3 tháng.
Cùng với việc đầu tư mạnh cho mạng 4G, Movitel bắt đầu “cất cánh” từ năm 2019 với tốc độ tăng trưởng trên 20% và lên tới trên 30% mỗi năm sau đó. Ví điện tử sau khi đổi công nghệ lõi cũng “thăng hoa” với bước nhảy vọt lên 5,4 triệu khách hàng vào năm 2023. Đến giữa tháng 5/2024, Movitel tiến thêm một cột mốc mới khi số thuê bao di động đạt 11,7 triệu, đứng số 1 về thị phần tại quốc gia châu Phi.
Với kết quả này, Mozambique đã trở thành thị trường quốc tế thứ 7 trong tổng số 10 thị trường vươn lên vị trí số 1 về thị phần, điều mà chưa tập đoàn viễn thông nào trên thế giới có thể làm được. Thực tế, chính nhờ những thành tựu về đầu tư ra quốc tế, thương hiệu Viettel nói chung đã được Brand Finance xếp thứ 2 thế giới về sức mạnh thương hiệu trong lĩnh vực viễn thông, với mức xếp hạng cao nhất AAA cho năm 2024.