"Giải mã cuộc sống": "Ông Sấm" chùa Bà Tấm

Hà Linh (Theo Ban Khoa Giáo) |

Trong dân gian lưu truyền nhiều truyền thuyết về sư tử nhưng được gọi dưới cái tên "Ông Sấm".

Đến thăm các ngôi chùa cổ, chúng ta có thể dễ dàng quan sát thấy khá nhiều hình tượng linh thú khác nhau bên cạnh hình tượng tứ linh: long, ly, quy, phượng. Đặc biệt, tại các ngôi chùa được xây dựng từ thời Lý, hình tượng sư tử xuất hiện khá nhiều với những hình thức, thao tác khá đa dạng.

Phật giáo xem sư tử gắn bó với biểu tượng Phật pháp và một phần gắn bó với chư vị Bồ Tát vốn thực hiện Phật pháp qua thực hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ.

Chùa Bà Tấm được xây dựng từ thời Lý. Sự ra đời của ngôi chùa gắn với Nguyên phi Hoàng Thái hậu Ỷ Lan - một nhân vật nổi tiếng của vương triều nhà Lý. Nhân dân sùng Phật đã tôn bà làm Phật bà Quan âm. Bà được dân gian gọi là Bà Tấm, là hiện thân của lòng bao dung, đức độ và những điều tốt lành.

Giải mã cuộc sống: Ông Sấm chùa Bà Tấm - Ảnh 1.

Hiện nay tại ngôi chùa vẫn còn lưu giữ nhiều di vật quý mang ý nghĩa lịch sử, văn hoá như hai tượng sư tử. Hai tượng này có kích thích rất lớn, tạc bằng đá liền khối, cao 1,2m, rộng 1,36m trong tư thế phủ phục. Những đường nét điêu khắc đặc biệt mềm mại. Sư tử ở đền Ỷ Lan ngậm ngọc, trên trán có trổ chữ Vương, khẳng định vị trí chúa tể muôn loài. Trong dân gian cũng có nhiều truyền thuyết về sư tử, nhưng được gọi dưới cái tên "Ông Sấm".

Cái tên này được lý giải theo nhiều góc độ khác nhau nhưng xét về góc độ tạo hình, Ông Sấm ở nước ta có nhiều điểm độc đáo.

Đôi sư tử đá ở đền Ỷ Lan là hiện vật gốc gắn liền với ngôi chùa từ khi khởi dựng cho tới ngày nay. Tượng đôi sư tử đá hiện được đặt trong toà Tam bảo của chùa. Đây là bệ đặt tượng Phật tạo hình hai sư tử được nghệ nhân chú trọng diễn tả bộ mặt với thần thái uy nghi, sống động mà không quan tâm tới hình thể, tạo nên một sự khác biệt với sự pha trộn giữa tượng tròn và phù điêu.

Giải mã cuộc sống: Ông Sấm chùa Bà Tấm - Ảnh 2.

Đôi sư tử đá tại chùa Bà Tấm.

Cả hai tượng sư tử được tạo tác theo thế nằm phủ phục, mang vẻ đẹp vừa uyển chuyển vừa mạnh mẽ. Các hình khối trên mặt sư tử được nhấn mạnh qua những nét đục vừa uyển chuyển vừa khoẻ khoắn. Trán sư tử ngắn tựa như trán lạc đà, giữa trán chạm chữ Vương - biểu hiện quyền năng tối thượng của linh vật. Đôi mắt của cặp sư tử được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là vô cùng có hồn, thể hiện sự tinh anh. Không những thế, hai Ông Sấm còn có hàng mi cong, đôi mắt vuốt dài với những chi tiết tinh xảo khiến khuôn mặt thanh thoát. Miệng sư tử mở rộng, để lộ hàm răng và lưỡi đỡ viên ngọc. Mỗi đường nét tạo hình trang trí hay hoa văn đều mang theo đó những ẩn ý của những người thợ tài ba từ xa xưa.

Giải mã cuộc sống: Ông Sấm chùa Bà Tấm - Ảnh 3.

Bệ đặt tượng Phật tạo hình hai sư tử.

Theo các nhà nghiên cứu mĩ thuật dân gian, việc tạo hình linh vật sư tử không chỉ có ở chùa Bà Tấm (Gia Lâm, Hà Nội) mà còn được thấy tại chùa Hương Lãng (Hưng Yên). Việc tạo hình sư tử tại hai chùa có nhiều nét tương đồng với nhau, đó chính là việc trên trán sư tử đều khắc chữ Vương và miệng ngậm một viên ngọc.

Đến đền chùa Bà Tấm, chúng ta có thể thấy phía trên bệ đỡ tượng hai sử tử là ba pho tượng Phật tạo nên một không gian thờ cúng trầm mặc, trang nghiêm. Dựa theo các tài liệu lịch sử, trên thực tế, chùa Bà Tấm đã được tu bổ nhiều lần trong nhiều giai đoạn trong lịch sử.

Có thể thấy rằng, trong cả quá trình lịch sử dân tộc, bên cạnh việc tiếp thu tinh hoa của những nền văn hoá khác nhau, ông cha ta đã tạo nên những giá trị văn hoá mà mang thuần đặc tính của dân tộc Việt Nam. Đó chính là điều tạo ra sự độc đáo và khác biệt với những giá trị văn hoá của những quốc gia khác tại phương Đông. Chúng ta có quyền tự hào về những gì cha ông ta để lại từ hàng ngàn năm trước và đây chính là nền tảng để phát huy một nền văn hoá đậm đà bản sắc Việt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại