"Giải mã cuộc sống": Kì diệu guồng nước xứ Thanh

Hà Linh (Theo Ban Khoa Giáo) |

Guồng nước xứ Thanh được ví như những cỗ máy kì diệu bắt dòng nước chảy ngược lên những thửa ruộng bậc thang trải dài theo sườn núi.

Trong quá trình lao động sản xuất và chinh phục thiên nhiên, ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm hàng ngàn năm ấy thành kho tri thức đồ sộ, sáng tạo ra nhiều công cụ lao động hữu ích phục vụ cho cuộc sống của mình. Trong đó, nhiều sản phẩm không chỉ giúp ích trong việc rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu suất và giải phóng sức lao động mà còn góp phần tô điểm cho khung cảnh làng quê bởi những hình ảnh đẹp, kết cấu độc đáo và kiến trục kì vĩ, trong đó có guồng nước xứ Thanh.

Miền núi xứ Thanh những ngày cuối đông vào mùa lấy nước lên ruộng, chuẩn bị cho mùa canh tác nông nghiệp mới. Những chiếc guồng lấy nước của người Thái ở xã Ban Công, huyện Bá Thước hoạt động suốt ngày đêm, đưa dòng nước mát lên nương rẫy. Chúng được ví như những cỗ máy kì diệu bắt dòng nước chảy ngược lên những thửa ruộng bậc thang trải dài theo sườn núi.

Giải mã cuộc sống: Kì diệu guồng nước xứ Thanh - Ảnh 1.

Bằng đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo của người dân đã quen ruộng đồng và thông thạo điều kiện tự nhiên, những chiếc cọ nước là công cụ phục vụ sản xuất đặc biệt phù hợp với thực tế, địa hình và được dựng lên trên suối ngày càng hoàn thiện, phát huy hết công năng đưa nước vào đồng phục vụ sản xuất.

Nhìn qua, nước chứa trong ống nứa đưa vào ruộng không nhiều nhưng trên thực tế, những chiếc cọ nước chuyển động đều đặn, liên tục suốt 24 giờ. Lượng nước đưa lên ruộng hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho những thửa ruộng nơi vùng cao này. Có thể nói, guồng lấy nước hay còn gọi là cọ nước, bánh xe nước của người Thái vùng níu Bá Thước xứ Thanh nói riêng và đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao nói chung là rất độc đáo và vô cùng hữu ích.

Những chiếc guồng lấy nước như những bánh xe khổng lồ chậm rãi quay đều bên dòng suối không chỉ giúp mang đến mùa vàng ấm no, điểm tô thêm vẻ trù phú và nhịp sống bình yêu cho bản làng mà còn gắn bó với đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây từ đời này qua đời khác, trở thành nét văn hóa đặc sắc của bản làng vùng cao.

Giải mã cuộc sống: Kì diệu guồng nước xứ Thanh - Ảnh 2.

Theo nhà nghiên cứu Hà Nam Ninh, cấu tạo hình tròn và việc xoay quanh trục của những chiếc cọ nước còn ẩn chứa nhiều điều huyền bí gắn liền với quan niệm và tín ngưỡng văn hóa của đồng bào dân tộc Thái nói riêng và cộng đồng người Việt nói chung.

Mặc dù nhìn qua thì những chiếc guồng nước này khá đơn giản, chỉ làm bằng những vật liệu thông dụng trong đời sống và sẵn có ở vùng núi cao như tre, nứa, gỗ... nhưng trên thực tế, nó vận dụng những nguyên lý khoa học khá phức tạp trong vật lý. Thậm chí, những nguyên lý này rất phổ biến trong đời sống hàng ngày của chúng ta.

Chiếc guồng nước hoạt động được nhờ nước chảy của dòng suối. Bí quyết quan trọng nhất trong việc sáng chế ra cọ nước của người xưa chính là việc tạo ra độ nghiêng của các ống đựng nước tại các vành cọ. Nếu không có độ nghiêng thích hợp thì không những không thể đưa nước lên cao mà cũng có khi vì cân bằng khiến cọ nước không thể hoạt động được.

Theo người dân xã Ban Công, dường như bất kì ai ở đây cũng biết những nguyên vật liệu cần thiết và cách thức để làm ra một cái cọ nước. Tuy vậy, để làm ra một cái cọ nước hoàn chỉnh và có thể quay đều, đưa được nhiều nước lên cao thì không hề đơn giản. Nó không chỉ đòi hỏi đôi bàn tay khéo léo, kĩ thuật chính xác mà những quy trình cũng rất chặt chẽ và có những bí quyết riêng.

Giải mã cuộc sống: Kì diệu guồng nước xứ Thanh - Ảnh 3.

Cùng với trục quay, làm nan cọ cũng được coi là xương sống của chiếc cọ nước. Để cọ nước có độ tròn đều, khi xoay không bị lệch trục thì điều quan trọng nhất là các nan cọ phải bằng nhau và được gắn đều đặn lên trục.

Công đoạn quan trọng nhất với mỗi chiếc cọ nước là việc đặt và bố trí những ống đựng nước trên thân cọ. Thông thường, mỗi ống đựng nước thường được gắn buộc chéo theo mỗi cánh quạt nước và phải buộc tất cả các ống cùng một độ nghiêng nhất định với khoảng cách đều nhau thì mới khiến cọ không bị lỡ nhịp khi guồng nước.

Những chiếc guồng nước ở xã Ban Công ngày đêm âm thầm lấy nước với tiếng róc rách vui tai nay đã trở thành biểu tượng của sự chịu thương, chịu khó, cần cù và sức sáng tạo không mệt mỏi của người dân miền núi. Không những thế, hệ thống còn khiến cảnh quan nơi đây thêm phần tươi đẹp, gợi lên nét xưa cũ của bản làng, níu chân du khách đến chiêm ngưỡng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại