Trong thế giới tự nhiên, không ít loài sinh vật được thiên phú những giác quan cực kì nhạy bén, có khả năng nhận biết trước những biến đổi rất nhỏ về môi trường: sự thay đổi về áp suất, biến đổi không khí. Nhờ những radar siêu nhạy này, chúng có khả năng dự đoán trước về thời tiết như trời mưa hay nắng, gió bão hay lũ lụt, động đất hay núi lửa sắp hoạt động...
Con người đã quan sát sự thay đổi của động vật để đưa ra những dự báo về sự biến đổi của thời tiết. Theo các nhà nghiên cứu về sinh vật học, các loài động vật khác nhau sẽ có khả năng đưa ra các tín hiệu khác nhau giúp con người cảm nhận và đưa ra các dự báo về sự thay đổi của thời tiết.
Đối với người nông dân xưa, quạ và sáo là hai loài chim quen thuộc và xuất hiện khá nhiều trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ, ca dao được lưu truyền đến nay. Hai loài chim này cùng rất nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết. Trong dân gian thường lưu truyền câu thành ngữ: "Quạ tắm thì ráo, sáo tắm thì mưa". Theo một số nghiên cứu về thói quen của các loài điểu học, khi thực hiện hành động tắm này, loài quạ và sáo lại thể hiện phản ứng khác nhau về sự thay đổi giữa mưa và nắng.
Hay như cây cau và cây lúa - biểu trưng cho nông thôn Việt Nam - cùng câu thành ngữ, tục ngữ "Được mùa cau, đau mùa lúa/ Được mùa lúa, úa mùa cau". Nếu như cây lúa gắn với sự no ấm, phồn vinh thì cây cau tượng trưng cho hạnh phúc lứa đôi của người dân đất Việt. Thế nhưng theo kinh nghiệm dân gian, hễ năm nào lúa tươi tốt, được mùa thì cau non sẽ bị rụng và ngược lại.
Theo các nhà nghiên cứu thực vật học, do đặc tính sinh trưởng, quá trình thụ phấn, ra hoa, kết trái của cây cau và cây lúa đòi hỏi gần như trái ngược nhau về độ ẩm, không khí, nhiệt độ môi trường và ánh sáng mặt trời. Điều này dẫn tới việc nếu môi trường phù hợp với cây này thì sẽ bất lợi cho cây kia.
Các nhà sinh vật cho rằng có khoảng hơn 10 loài động vật đặc biệt nhạy cảm với những biến đổi của thời tiết, trong đó tiêu biểu là các loài côn trùng như kiến, mối, chuồn chuồn..., hoặc loài lưỡng cư, lưỡng thê như cóc, nhái, ếch... Về thực vật, cũng có hàng chục loài thực vật có khả năng dự báo chính xác sự thay đổi của mưa, nắng như cây si, cỏ gà...
Sự tiến hóa của sinh vật đã trải qua lịch sử thích ứng, tiến hóa lâu dài. Trong quá trình đấu tranh với biến đổi của thiên nhiên, nếu loài nào không thích ứng sẽ bị đào thải. Một số loài được rèn luyện nên sẽ có những giác quan nào đó ngày càng hoàn thiện hơn. Do vậy, sinh vật đối với sự biến đổi của môi trường thể hiện ra những phản ứng khác thường, dần dần phát triển thành bản năng, tìm đến cái lợi và tránh cái hại để bảo vệ chính mình.
Như vậy, có thể nói chính sự thay đổi dù rất nhỏ về nhiệt độ, áp suất hay độ ẩm của không khí trước khi diễn ra sự biến động của thời tiết đã được giác quan nhạy cảm của một số loài sinh vật nhận biết từ rất sớm. Điều này khiến chúng trở thành những sứ giả đặc biệt cung cấp những thông tin và căn cứ chính xác giúp con người dự đoán được những biến đổi của thời tiết.
Ngày nay, con người đã có nhiều công cụ giúp công việc dự báo thời tiết trở nên dễ dàng hơn.
Ngày nay, dự báo thời tiết đã phát triển với những tiến bộ to lớn về công nghệ, phục vụ ngày một hiệu quả các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Trong thực tế tác nghiệp, việc chuẩn bị một bản tin dự báo thời tiết bao gồm nhiều hoạt động: quan trắc, trao đổi số liệu, phân tích, dự báo và phân phát sản phẩm dự báo.
Các hiện tượng thời tiết là không có biên giới quốc gia, do đó các quan trắc khí tượng phải bao trùm các quốc gia và các vùng lục địa đại dương. Tuy nhiên, có một yêu cầu rất khắt khe, đó là tất cả các trạm quan trắc trên toàn thế giới đều phải thực hiện việc báo cáo số liệu lên hệ thống đồng thời cùng một thời điểm.
Các quan trắc viên tại các trạm quan trắc khí tượng thủy văn được ví như những người trông trời, đếm gió, đo mưa. Điều quan trọng nhất đối với họ là phải tuân thủ tuyệt đối các ốp giờ quan trắc và gửi dữ liệu về trung tâm đồng loạt cùng một thời điểm.
Mạng lưới khí tượng thủy văn của nước ta có 1.269 trạm, bao gồm khí tượng bề mặt, bức xạ, đo mưa, khí tượng nông nghiệp, khí tượng thủy văn và khí tượng thủy văn biển. Các trạm này được phân bố rộng khắp trên toàn lãnh thổ Việt Nam.