Mặt trời và Hoa cúc trong triều đại nhà Nguyễn
Mặt trời là biểu tượng xuất hiện trên khắp các công trình kiến trúc trong Đại Nội, bắt đầu từ Ngọ Môn là cổng lớn nhất trong 4 cổng chính của Hoàng thành Huế. Ngọ Môn không chỉ là cổng lớn của Hoàng thành mà còn là một lễ đài hướng về quảng trường, nơi cử hành những nghi lễ lớn của triều đình. Tiếp đến Điện Thái Hòa là nơi thiết triều và cũng là nơi tiếp sứ giả các nước.
Theo thống kê, chỉ riêng 2 nơi này đã có hơn 10.000 tượng Mặt trời được trang trí trên các bờ nóc kiến trúc. Không chỉ trong Hoàng thành, biểu tượng này còn được trang trí trên các bình phong của các công trình kiến trúc từ Hoàng cùng ra tới dân gian.
Dưới thời Vua Minh Mạng, chữ Nhật (có nghĩa Mặt trời) đã được cụ thể bằng bài Đế hệ thi gồm 20 chữ trong bộ Nhật, dùng để cho người nối nghiệp về sau đến ngày nối ngôi có thể lấy một chữ làm tên. Lấy tên trong chữ Nhật để tượng trưng cho ngôi vua làm Tự danh trước khi lên nối ngôi. Cùng với Mặt trời, Hoa cúc cũng là biểu tượng nói đến khát vọng viên mãn, trường tồn. Dưới các triều đại phong kiến của Việt Nam, hình ảnh hoa cúc đã được dùng để trang trí ở những nơi trang trọng.
Trên nhiều món đồ sứ của triều Nguyễn, ngoài việc viết chữ Nhật làm hiệu đề, còn sử dụng hình tượng hoa cúc như vương huy của triều đại nhà Nguyễn và xuất hiện cả trên tiền đồng của triều Nguyễn. Tiền được đúc riêng, dùng khi Vua ban thưởng trong những dịp đặc biệt.
Biểu tượng mặt trời và hoa cúc được khắc tren đồng tiền do Vua ban thưởng riêng.
Quan sát những hình ảnh trang trí trên đồng tiền triều vua Minh Mạng và Tự Đức, chúng ta thấy tại tâm giữa của một mặt khi thì là hình ảnh Mặt trời, khi lại là hình Hoa cúc, đây cũng là mong muốn vương triều được trường tồn. Đến thời vua Gia Long, trong điển chế, về mũ, miện tuy chỉ nói là hoa và ngọn lửa cháy nhưng thực tế, đó vừa là hoa cúc và vừa là mặt trời. Biểu tượng này đã phủ kín hệ thống mũ, miện của triều Nguyễn.
Bức phù điêu "Mặt trời lặn" của Vua Khải Định
Trong số 13 đời vua nhà Nguyễn, có lẽ vua Khải Định là vị vua có sở thích dùng màu sắc sặc sỡ và khác biệt hẳn so với các đời vua trước. Vua được miêu tả là "mặc comple bên trong, khoác áo long bào bên ngoài, ngực lấp lánh Bắc đẩu Bội tinh". Tính cách ấy của vua Khải Định phần nào cũng thể hiện khá rõ trên công trình kiến trúc quan trọng, gắn liền với cuộc đời của ông.
Điều thú vị trong lăng vua Khải Định là tuy được trảm bằng chất liệu cứng nhưng nhờ kĩ thuật phối màu tài tình dựa trên các tông màu chính gồm trắng, vàng, nâu, xanh lam, xanh lục, tía nên các mảng trang trí trông rất mềm mại, sống động. Bên dưới Bửu tán là pho tượng đồng của vua Khải Định được đúc tại Pháp năm 1920, dưới đế tượng chính là nơi đặt thi hài của nhà vua.
Bức phù điêu đặc biệt được đặt sau tượng vua và được chia làm 3 phần với màu sắc khác nhau, như phần trong là màu đỏ bầm được thể hiện nhiều vòng tròn. Trên các vòng này có rất nhiều tia nhỏ, ngắn dài khác nhau. Phần giữa là quầng mây ngũ sắc với rất nhiều các dải mây nhỏ, liên hoàn. Phần ngoài cùng là ánh hào quang với các tia ngắn, dài xen kẽ và có màu nâu đỏ xen màu vàng. Lâu nay, người ta cho rằng bức phù điêu này là biểu tượng mặt trời đang lặn với hàm ý vua đã khuất núi nhưng ở một góc độ tiếp cận khác, chúng ta lại có thể thấy nhiều hàm ý nữa của bức phù điêu này.
Thực tế, bức phù điêu này là hình ảnh của mặt trời nhưng cũng chính là hoa cúc bởi chúng được lồng ghép, hòa quyện với nhau. Tâm giữa là các vòng tròn nhỏ được phân ô, thể hiện phần nhụy hoa. Kế đến là vòng với nhiều tia nhỏ, dài là các cánh hoa chồng lên nhau. Còn lại, quầng mây ngũ sắc là cầu vồng - là điểm nhấn hiệu quả và sinh động. Đây chính là biểu đạt cho cảnh mặt trời đang lặn trong hoàng hôn thật lãng mạn.
Như đã nói ở trên, biểu tượng hoa cúc được trang trí trên đồ ngự dụng như ngai vàng, tiền thưởng, huân huy chương... thay cho mặt trời. Hay tại một số công trình kiến trúc, biểu tượng mặt trời và hoa cúc lại được cho là một biểu tượng kép. Đây cũng là minh chứng thuyết phục cho mối quan hệ mật thiết của hai biểu tượng trong cùng một bức phù điêu.
Nhìn chung, với 143 năm trường trị của vương triều nhà Nguyễn, Hoa cúc cùng biểu tượng Mặt trời luôn thể hiện khát vọng trường tồn của cả vương triều.