Vua Minh Mạng (1791 - 1841) có tên húy là Nguyễn Phúc Đảm, ông là con thứ tư của vua Gia Long, lên ngôi năm 1820, trị vì triều Nguyễn đến năm 1841. Sau khi đăng quang, ông lấy niên hiệu là Minh Mạng, quốc hiệu nước ta thời Minh Mạng có tên là Đại Nam.
Vua giỏi trị nước, thơ văn
Được biết đến là ông vua giỏi trị nước của triều Nguyễn, dưới thời của mình, vua Minh Mạng đã xây dựng được quốc gia Đại Nam hùng mạnh bậc nhất trong khu vực. Để giúp đất nước hùng cường, vua hết sức nghiêm khắc với bản thân, dòng tộc và triều đình. Đặc biệt, trong việc trị tội những viên quan tham ô và nhũng nhiễu nhân dân.
Ngoài tài kinh bang tế thế, vua Minh Mạng cũng nổi tiếng hay thơ. Sinh thời vua đã làm cả nghìn bài thơ, được tập hợp, in trong Ngự chế thi. Trong đó, có nhiều bài đã được khắc trên các di tích ở Huế như điện Thái Hòa, Đại Cung môn, Ngọ Môn, lăng Minh Mạng…
Điểm nổi bật trong thơ Minh Mạng là ông làm thơ chủ yếu là để thể hiện ý chí của mình, như chính ông từng chia sẻ: “Thơ Trẫm làm không cần khéo léo, chỉ luôn miệng ngâm ra để nói chí mình thôi. Những bài ban cho ấy đều nói về việc kính Trời lo dân, mong tạnh cầu mưa, để các khanh biết ý Trẫm, không phải vụ lời văn hoa mà đua hay với văn sĩ đâu”.
Đúng như quan đại thần Phan Bá Đạt từng trả lời khi được vua Minh Mạng nhận xét về thơ văn của ông với thơ của vua Lê Thánh Tông rằng: “Thơ của Trẫm so với thơ vua Lê Thánh Tông thế nào?”. Phan Bá Đạt tâu: “Thơ vua Thánh Tông phần nhiều chỉ cốt điêu luyện; còn như thơ của Thánh thượng làm, thì lấy ngay tình cảnh mà tả ra, cốt để phát minh đạo trị nước, lời lẽ thể cách lại thấy hùng hồn”. Vua nói: “Vua tôi rỗi rãi, cùng nhau làm thơ không những để cùng mua vui, mà có khi cũng để ngụ ý khuyên răn nữa, chứ chẳng phải lấy thơ để làm khí cụ chính trị đâu”.
Minh Mạng còn được biết đến là ông vua có nhiều con nhất trong số các vị vua nước Việt. Tổng cộng ông có 142 người con, gồm 78 hoàng tử và 64 công chúa.
Để đặt tên cho con cháu hoàng thất và hy vọng về một vương triều trị vì xuyên suốt hàng nghìn năm, vào khoảng năm 1823, vua Minh Mạng đã sáng tác cho con cháu trực tiếp của mình bài thơ “Đế hệ thi” và mỗi người anh em của mình một bài “Phiên hệ thi” để dùng đặt tên lót cho con cháu hoàng gia.
“Đế hệ thi” và “Phiên hệ thi”
Mục đích của vua Minh Mạng khi sáng tác những bài thơ này nhằm phân biệt thật rõ ràng dòng dõi của vua với dòng dõi các phiên vương. Đây cũng là một trong những cách để chống lại việc giành giật ngôi báu trong nội bộ hoàng thất triều Nguyễn.
Triều Nguyễn bắt đầu bằng đời chúa Nguyễn Hoàng, đến đời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, trong tên con cháu luôn có chữ Phúc. Khi bài thơ “Đế hệ thi” và “Phiên hệ thi” của vua Minh Mạng được áp dụng, ngoài chữ Phúc, tên con cháu hoàng gia triều Nguyễn sẽ có thêm một chữ lót nữa. Và chữ lót này sẽ được lấy từ 2 bài thơ trên của vua Minh Mạng.
Theo sách “Chín đời chúa mười ba đời vua triều Nguyễn”, bài thơ “Đế hệ thi” được sáng tác theo thể Đường luật gồm 4 câu thơ: Miên Hồng Ưng Bửu Vĩnh/Bảo Quí Định Long Trường/Hiền Năng Kham Kế Thuật/Thế Thụy Quốc Gia Xương.
Từ bài thơ trên, con cháu dòng chính của vua sẽ có chữ lót tuần tự qua các đời theo thứ tự chữ viết. Theo đó: Các con cháu của vua Minh Mạng sẽ lót chữ Miên vào tên như Nguyễn Phúc Miên Tông (vua Thiệu Trị), Nguyễn Phúc Miên Thẩm (Tùng Thiện vương), Nguyễn Phúc Miên Định (Thọ Xuân vương)…
Cháu nội vua sẽ lấy tên lót chữ Hồng để đặt tên như Nguyễn Phúc Hồng Nhậm (vua Tự Đức), Nguyễn Phúc Hồng Y (Thoại Thái vương), Nguyễn Phúc Hồng Cai (Kiên Thái vương).
Thế hệ tiếp theo (con vua Tự Đức) sẽ được lấy chữ Ưng để đặt tên như Nguyễn Phúc Ưng Chân (vua Dục Đức), Nguyễn Phúc Ưng Đăng (vua Kiến Phúc), Nguyễn Phúc Ưng Lịch (vua Hàm Nghi)…
Tiếp nữa là chữ Bửu như Nguyễn Phúc Bửu Đảo (vua Khải Định), Nguyễn Phúc Bửu Lân (vua Thành Thái)… Tiếp đến con của vua Khải Định hay vua Thành Thái sẽ dùng chữ Vĩnh để đặt tên như Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại)…
Rõ ràng, vua Minh Mạng đã dày công sáng tác một bài thơ vừa dùng để đặt tên con cháu, vừa hy vọng triều Nguyễn của ông có thể trường tồn. Tuy nhiên, khi bài thơ 4 câu mới chỉ dùng hết câu thơ đầu tiên thì triều Nguyễn đã chấm dứt.
Ngoài “Đế hệ thi”, vua Minh Mạng còn sáng tác những bài thơ “Phiên hệ thi” cho anh em của ông như bài “Anh Duệ hệ” dùng cho con cháu hoàng tử Cảnh, “Kiến An hệ” dành cho con cháu hoàng tử Nguyễn Phúc Đài, “Định Viễn hệ” cho Định Viễn quận vương, “Diên Khánh hệ” cho Diên Khánh vương Nguyễn Phúc Tấn, “Điện Bàn hệ” dành cho con cháu hoàng tử Nguyễn Phúc Phổ.
“Thiệu Hóa hệ” cho Quận vương Nguyễn Phúc Chẩn, “Quảng Oai hệ” cho Quảng Oai công Nguyễn Phúc Quân, “Thường Tín hệ” cho Quận vương Nguyễn Phúc Cự, “An Khánh hệ” cho An Khánh công Nguyễn Phúc Quang, “Từ Sơn hệ” cho hoàng tử thứ 13 Từ Công Sơn.
Theo đó, bà Nguyễn Thị - vợ chúa Tiên Nguyễn Hoàng một đêm nằm mơ thấy có một tờ giấy đề chữ “Phúc” bay từ trên trời rơi xuống. Bấy giờ, bà đang mang thai, ai cũng bảo đứa trẻ được sinh ra nên đặt tên là “Phúc”.
Thuận ý, song bà Nguyễn Thị nghĩ “nếu đặt tên là Phúc thì chỉ một mình nó được hưởng lộc, chi bằng lấy chữ Phúc đó đặt tên lót để con cháu từ đó ai cũng được hưởng phúc lộc trời ban”. Vậy là, từ thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, hậu duệ con cháu triều Nguyễn đều lấy chữ Phúc làm tên lót.