"Giải mã" Bộ Chỉ huy Không gian Mỹ vừa tái thành lập

Thùy Dương |

Bộ Chỉ huy Không gian Mỹ vừa được Tổng thống Donald Trump tuyên bố tái thành lập sẽ do Tướng Không quân John W. “Jay” Raymond làm tư lệnh và bộ chỉ huy này sẽ có 4 căn cứ quân sự với hàng trăm nhân sự.

Mục đích của Mỹ

Theo tờ New York Times, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 29/8 thông báo thành lập lại Bộ Chỉ huy Không gian Mỹ để đáp ứng nhu cầu cần có một đơn vị bảo vệ các lợi ích của nước này trên vũ trụ. Ông Trump cho rằng không gian vũ trụ sẽ là chiến trường của các cuộc chiến mới trong tương lai.

Phát biểu tại Vườn Hồng trong Nhà Trắng, Tổng thống Trump nói Bộ Chỉ huy Không gian sẽ là tiền thân của Lực lượng Vũ trụ, quân chủng thứ 6 của Quân đội Mỹ. Ông nói: “Lực lượng không gian vũ trụ sẽ tổ chức, huấn luyện và trang bị vũ khí cho các chiến binh để hỗ trợ sứ mệnh của Bộ Chỉ huy Không gian”.

Theo ông Trump, với lực lượng này, Mỹ sẽ khẳng định được vị thế thống lĩnh trong vũ trụ “vì chúng ta biết cách tốt nhất để ngăn chặn xung đột là chuẩn bị cho chiến thắng”.

Ý tưởng thành lập một bộ chỉ huy thống nhất để điều phối vai trò của Quân đội Mỹ trong không gian không phải là ý tưởng mới. Tổng thống Ronald Reagan trước đây đã thành lập Bộ Chỉ huy Không gian nhưng sau đó đã giải tán bộ chỉ huy này sau sự kiện khủng bố 11/9/2001 khi chống khủng bố là ưu tiên hàng đầu của Lầu Năm Góc.

17 năm sau, Lầu Năm góc nhận thấy cần phải bảo vệ lợi ích Mỹ trước các đối thủ toàn cầu như Nga và Trung Quốc trong bối cảnh hai nước này đang nhắm tới công nghệ Mỹ trên vũ trụ, đặc biệt là các vệ tinh hỗ trợ tàu sân bay ở Biển Bắc Arab và chiến đấu cơ trên Vịnh Persian. Bộ Chỉ huy Không gian Mỹ cũng sẽ giúp các nhân viên tình báo thu thập thông tin về đối thủ.

Ông Brian Weeden, cựu sĩ quan các hoạt động vũ trụ và hạt nhân của Không quân Mỹ, nhận định: “Vũ trụ sẽ là một phần trong các cuộc xung đột trong tương lai trên Trái Đất khi mà công nghệ vũ trụ đóng vai trò quan trọng và năng lực vũ trụ ngày càng trở thành mục tiêu quân sự”.

Mặc dù ai cũng nhất trí là có mối đe dọa tồn tại trên vũ trụ nhưng cách đối phó với các mối đe dọa lại là chuyện khác. Trước đây, trách nhiệm với các vấn đề trong vũ trụ phần lớn do Không quân Mỹ đảm nhiệm.

Cơ cấu bộ chỉ huy mới

Giải mã Bộ Chỉ huy Không gian Mỹ vừa tái thành lập - Ảnh 1.

Tướng Raymond. Ảnh: Spacenews

Theo tờ Spacenews, Tổng thống Trump đã chỉ định Tướng John Raymond làm người lãnh đạo Bộ Chỉ huy Không gian. Vị tướng này được ca ngợi là một chiến binh có chuyên môn về vũ trụ sâu rộng để giúp quân đội Mỹ hùng mạnh hơn và dọn đường cho một kỷ nguyên mới.

Ông Raymond là người đứng đầu Bộ Chỉ huy Không gian của Không quân Mỹ có trụ sở ở Căn cứ không quân Peterson, Colorado. Nếu được Thượng viện xác nhận, ông Raymond sẽ nắm giữ hai vai trò.

Tổng thống Trump đã chỉ thị cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đề xuất các nhân sự để đề cử vào vị trí mới và để Thượng viên thông qua. Ông Raymond được đánh giá là người phù hợp với vị trí tư lệnh nhờ có kinh nghiệm sâu rộng trong tổ chức, huấn luyện và vũ trang cho lực lượng vũ trụ.

Bộ Quốc phòng Mỹ hiện có 10 bộ chỉ huy chiến đấu với sứ mệnh chức năng và khu vực địa lý hoạt động riêng. Bộ Chỉ huy Không gian mới tái lập nói trên sẽ là Bộ Chỉ huy thứ 11.

Lầu Năm Góc yêu cầu 83,4 triệu USD trong đề xuất ngân sách năm tài chính 2020 để duy trì Bộ Chỉ huy Không gian. Ban đầu, bộ sẽ được thành lập với khoảng 600 nhân sự làm việc ở 4 địa điểm: Căn cứ Không quân Shriever và Căn cứ Không quân Peterson ở Colorado; Căn cứ Không quân Vandenberg ở California và Căn cứ Không quân Offutt ở Nebraska.

Vị trí đặt Tổng hành dinh chính của Bộ Chỉ huy Không gian chưa được quyết định. Một trong các địa điểm được đề xuất là Căn cứ Không quân Shriever. Các nghị sĩ đã hối thúc Bộ Quốc phòng cân nhắc đặt bộ chỉ huy mới ở Florida hoặc Texas.

Tuy nhiên, kênh CNN dẫn một biên bản ghi nhớ lại nói rằng Không quân Mỹ đã xác định 6 căn cứ quân sự và nhân lực dự kiến là 1.450 nhân sự, gồm 390 sĩ quan quân sự, 183 binh sĩ, 827 thường dân và 50 nhà thầu. Khoảng 350 nhân sự sẽ được điều từ Lực lượng Hợp tác Không gian và Liên kết Chiến lược Mỹ (JFSCC). Hiện lực lượng này thuộc Bộ Chỉ huy Không gian.

Trước khi bị giải tán năm 2002, Bộ Chỉ huy Không gian có nhiệm vụ điều phối sử dụng các lực lượng vũ trụ của Không quân, Hải quân và Lục quân. Các lực lượng vũ trụ này cung cấp thông tin mà Quân đội Mỹ cần để đi trước kẻ thù, tấn công chính xác và bảo vệ trước các cuộc tấn công.

Giải mã Bộ Chỉ huy Không gian Mỹ vừa tái thành lập - Ảnh 2.

Phù hiệu của Bộ Chỉ huy Không gian cũ. Ảnh: Wikipedia

Bộ chỉ huy này đưa vệ tinh có các năng lực trên vào quỹ đạo Trái Đất, vận hành và bảo vệ các vệ tinh này nhằm đảm bảo thông tin vệ tinh cung cấp là những gì mà Mỹ cần trong bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia ngày nay và mai sau.

Bộ chỉ huy có nhiệm vụ cung cấp thông tin cảnh báo tên lửa, liên lạc, định hướng, thông tin thời tiết, thông tin tình báo tín hiệu và hình ảnh.

Hiện nay, còn một số tranh cãi liên quan tới tên gọi bộ chỉ huy mới. Phe Dân chủ muốn gọi là “quân đoàn” (corps), trong khi phe Cộng hòa muốn gọi là “lực lượng” (force).

Theo ông Todd Harrison, Giám đốc Dự án An ninh Không gian vũ trụ tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, Mỹ chỉ cần gọi là Lực lượng Bảo vệ Không gian.

Tên gọi này trấn an đồng minh rằng bộ chỉ huy mới sẽ không liên quan tới sức mạnh quân sự tấn công hay phá hủy những thứ của người khác trong vũ trụ mà chỉ là bảo vệ tài sản quốc gia của Mỹ trong vũ trụ.

https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/giai-ma-bo-chi-huy-khong-gian-my-vua-tai-thanh-lap-20190830121254950.htm

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại