Jeremy Sutcliffe, cư dân ở bang Texas, Mỹ, phát hiện con rắn đuôi chuông dài 1,2 mét khi dọn cỏ trong vườn và quyết định chặt đầu nó bằng lưỡi xẻng. Khi Sutcliffe đem vứt xác con vật, phần đầu đứt lìa cắn chặt vào tay anh.
Hình ảnh con rắn đuôi chuông bị Sutcliffe chặt lìa đầu.
Trường hợp xảy ra khiến nhiều người thắc mắc sao có thể như thế được?Câu trả lời là do phản xạ cắn của loài rắn.
Theo các nhà khoa học, hiện tượng trên không phải là hiếm có và nó thường xuyên xảy ra trên những loài bò sát, đặc biệt là rắn.
Con rắn dù bị chặt đầu không có nghĩa là dây thần kinh của nó ngừng hoạt động. Ở những động vật cấp thấp như rắn, hệ thần kinh chỉ huy các phản xạ có điều kiện nằm ở cơ thể của nó. Do đó, hệ thần kinh, bao gồm cả não bộ có thể hoạt động riêng biệt với phần còn lại của cơ thể.
Chính vì vậy, dù đầu rắn bị chặt nhưng khi va chạm với vật thể khác vẫn có thể dẫn đến phản xạ cắn.
“Chặt đầu rắn sẽ không làm nó chết ngay lập tức. Bởi rắn chỉ cảm thấy đau đớn và sau đó nó cố gắng tự vệ chứ không nhận thức được nó không còn cơ thể”, giáo sư sinh học David Penning tại Đại học Missouri Southern chia sẻ với Live Science.
Giáo sư David Penning cho biết: Nếu một động vật có vú mất đầu, nó sẽ chết ngay lập tức. Nhưng những con rắn khỏe mạnh có thể sống trong vài phút hoặc vài giờ sau khi "đầu lìa khỏi cổ".
Rắn đuôi chuông, giống như nhiều loài bò sát khác, có thể duy trì phản xạ hàng giờ sau khi chết. Phản xạ cắn đặc biệt mạnh ở các loài rắn độc, bởi bản năng của chúng là phóng ra nhát cắn cực nhanh, bò đi và đợi nọc độc phát huy tác dụng. Đó là lí do tại sao Sutcliffe đã chặt lìa đầu rắn rồi mà vẫn bị cắn với lượng nọc độc lớn.