Rắn là động vật bò sát, máu lạnh, cùng lớp với các loài vật có vảy như thằn lằn, tắc kè nhưng lại có răng. Ngoài ra, rắn còn là động vật không tai, không mũi, nhưng lại rất thính và rất tinh, có thể nghe và đánh hơi thấy mùi từ rất xa. Chưa hết, rắn còn có vũ khí sinh học rất lợi hại, đó là răng nanh và nọc độc..., nhưng có một loài rắn biết bay.
Chrysopelea paradisi hay rắn cây thiên đường, rắn bay thiên đường là một loài rắn được tìm thấy ở châu Á. Loài rắn này sinh sống ở Đông Nam Á và Nam Á. Một số người cho rằng, loài rắn này hiếm nhưng ở Singapore người ta dễ dàng bắt gặp nó ở một số nơi như rừng ngập mặn, rừng thứ sinh, công viên hay vườn.
Loài rắn này có răng nanh và nọc độc nhưng nọc độc của rắn bay thiên đường chỉ đủ để làm bất động con mồi nhỏ mà thôi.
Điều đặc biệt của loài rắn này là chúng có thể cuộn chặt nửa thân mình ở phía đuôi rồi đột nhiên duỗi thẳng ra tạo một sức bật để phóng vào không trung như bay.
Loài rắn có thể bay hoặc “quăng xa” tới trên 15 mét, truyền từ cây nọ sang cây kia mà không phải bò xuống đất rồi lại leo lên.
Đúng hơn thì trạng thái bay của rắn ở đây chính là trượt hoặc rơi từ độ cao xuống. Để “bay” được, rắn phải làm “phẳng” cơ thể sau đó chuyển động ở trạng thái hình chữ S, mang tính tịnh tiến đều.
Trước tiên là “làm phẳng” hệ thống xương sườn và tự chúng tạo ra một chuyển động hình đĩa để có thể “quăng” được từ cao xuống thấp. Loài rắn này dựa vào chiếc đuôi để điều khiển cân bằng khiến chúng có thể bay xa.