Quả quyết của Eoin O’Fagan một lần nữa làm dậy sóng dư luận về quái vật hồ Loch Ness, một trong những bí ẩn lớn nhất mà nhân loại chưa thể giải thích thỏa đáng, cho dù không biết bao nhiêu cuộc thám hiểm, săn lùng đã diễn ra.
Một hình dung về quái vật hồ Loch Ness.
Những cuộc tìm kiếm chưa bao giờ hết hy vọng
Ngày 14/4/1933, cặp vợ chồng nhà John Mackay chia sẻ họ lần đầu tiên nhìn thấy quái vật hồ Loch Ness. John Mackay và vợ ông đã nhìn thấy “cái gì đó như một con cá voi” khi họ đi xuống hồ nước ngọt tại một con đường gần đó. Họ còn đặt tên cho quái vật này là Nessie. Nhưng sau đó, không đủ bằng chứng để chứng minh, câu chuyện của họ bị gán mác lừa đảo, tuy rằng bắt đầu xuất hiện những nhóm thám hiểm tìm đến khu vực này.
Một chủ gánh xiếc tuyên bố ông sẽ trả 30.000 USD (ở thời điểm đó là số tiền cực lớn) cho bất cứ ai mang được con quái vật này còn sống đến gánh xiếc của ông.
Cho đến năm 1955, người ta công bố một bức ảnh được cho là quái vật hồ Loch Ness, thì chỉ riêng cái bướu của nó cũng đã dài đến hơn 15 mét. Nhiều người đã tin rằng loài quái vật này là một nhánh trong họ hàng nhà khủng long. Nhưng đó cũng chỉ là những đồn đoán thiếu căn cứ.
Nhưng, sự đồn đoán vẫn lan rộng, vì thế năm 1987 một đợt tìm kiếm lớn được thực hiện do một nhóm các nhà thám hiểm Mỹ cùng với người dân bản địa, nhưng cũng chỉ phát hiện một vài “thủy quái” nhỏ hơn một con cá voi trưởng thành.
12 năm sau, vào năm 1959, Francesco Gasprini - nhà báo người Italy tuyên bố ông đã tận mắt nhìn thấy quái vật hồ Loch Ness. Ông cho biết mình cùng hai ngư dân Scotland dày dạn kinh nghiệm đã “lang thang” suốt một tuần và khi đã chán nản thì bất ngờ thấy nó nổi lên ở phía xa xa trong làn sương mù dày đặc trên mặt hồ. Mô tả của Gasprini lập tức thu hút một lượng người tò mò ở cả Âu - Mỹ. Từ đó, những cuộc tìm kiếm diễn ra dồn dập, khu vực hồ Loch Ness vốn khá yên tĩnh đã trở nên nhộn nhịp, cư dân trong vùng cũng vì thế mà khấm khá hẳn lên.
Vào năm 2011, trên Google Earth, Bob Rines - một thợ săn nổi tiếng người Mỹ kể lại tường tận lần giáp mặt của mình với quái vật hồ Loch Ness. Tuy nhiên, Bob cũng cho rằng sự biến đổi khí hậu cũng như sự tò mò săn lùng của con người đã giết chết quái vật hồ Loch Ness.
Một trong những người say mê nhất với việc săn lùng quái vật hồ Loch Ness là Steve Feltham, người Anh. Ông đã bỏ ra gần 25 năm “ăn bụi nằm bờ” cạnh hồ Loch Ness để truy lùng con quái vật huyền thoại. Năm 1991, Feltham bỏ bạn gái, nhà cửa lẫn công việc ở miền Tây Nam nước Anh để đến Scotland săn lùng con quái vật khét tiếng này. Tuy biết bao năm lao tâm khổ tứ, rốt cuộc Feltham chỉ thu được bằng chứng là con quái vật thời tiền sử tại hồ Loch Ness chỉ là một con cá da trơn, dài 4 mét, có phần lưng dài uốn cong.
Kết luận của Feltham ít nhiều đã làm nản lòng những nhà thám hiểm, những nhà cổ sinh vật học nhưng vẫn không vì thế mà ngăn được dòng du khách Âu - Mỹ đổ về hồ nước huyền thoại, với hy vọng một ngày nào đó được nhìn thấy từ sâu dưới đáy hồ bất ngờ ngoi lên “một con quái vật”.
"Bí ẩn về con quái vật hồ Loch Ness sẽ vẫn mãi mãi tồn tại và còn tiếp tục thu hút nhiều người tới đây cho dù có quái vật hay không. Chắc chắn là tôi đã không hề hối tiếc về 25 năm đã qua của mình cho dù không tìm được gì cả" - ông Feltham nói.
Cùng với thời điểm Feltham kết thúc cuộc phiêu lưu, thì một nhóm các nhà khoa học New Zealand cùng các nhà khoa học Anh, Đan Mạch, Mỹ, Australia và Pháp cũng tới hồ Loch Ness để thu thập mẫu nước trong hồ với hy vọng tìm được điều gì đó về sinh vật bí ẩn này. Giáo sư Neil Gemmell, dẫn đầu nhóm nghiên cứu nói nếu dưới hồ Loch Ness thật sự có con quái vật mà cả ngàn người tuyên bố đã nhìn thấy, hẳn nó sẽ để lại các mẩu da, vảy hoặc chất thải, và họ sẽ lấy được mẫu ADN của nó. Nếu thành công thì đó sẽ là cơn địa chấn mang tính thời đại.
Mới đây nhất, ngày 19/9 năm nay, Eoin O’Fagan, 57 tuổi - một tay máy chuyên săn ảnh quái vật cho biết mình đang nắm giữ 2 video clip ghi lại hình ảnh quái vật hồ Loch Ness. Nói với Daily Star, O’Fagan cho biết 2 video clip đó được trích từ dữ liệu webcam đặt ngay tại hồ Loch Ness, chuyên dùng để quan sát vùng nước này cũng như theo dõi một loại "quái vật" có biệt danh là Nessie. Hình ảnh ghi lại cho thấy thủy quái giống hình thù một con lươn khổng lồ di chuyển chậm rãi trên mặt nước
O’Fagan nói rõ hơn: "Một thuộc webcam Clansman ở hồ Loch Ness lúc 20 giờ 13 phút ngày 6-9 (giờ địa phương). Trong thời gian 4 phút, clip cho thấy một hình dạng dài tối đen trong một vùng nước bị xáo động và là vùng nước tối duy nhất có thể nhìn thấy trong thời điểm đó.
Clip thứ hai được ghi nhận vào lúc 7 giờ 35 phút ngày 15/9 trong webcam đặt tại Shoreland Lodges. Một vật thể xuất hiện rất rõ ràng ở bên trái gần bờ hồ và di chuyển dần dần sang bên phải của màn hình, ngoài vùng ghi nhận của camera. Nó có màu đen, dài từ 1,8 mét đến 2,4 mét, giống như một con lươn khổng lồ. Màu đen sẫm của nó thỉnh thoảng chuyển động khi nó di chuyển sang bên phải.
Tuyên bố này của O’Fagan lập tức làm rộ lên sự tồn tại của quái vật hồ Loch Ness.
Một vụ truy tìm thủy quái Nessie ở hồ Loch Ness.
Lươn khổng lồ hay là thằn lằn đầu rắn?
Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn không tin huyền thoại quái vật trong một hồ nước ngọt. Cụ thể là sau quả quyết của O’Fagan, các nhà nghiên cứu của Đại học Otago (New Zealand) tuyên bố họ đã tìm kiếm và phát hiện khoảng 3.000 mẫu DNA ở hồ này. Nhưng đều thuộc về các loại các loại sống dưới nước và trên bờ trong khu vực. Có nghĩa là họ không tìm thấy ADN của quái vật hay khủng long. Plesiosaur là nhóm bò sát biển cổ dài được tìm thấy dưới dạng hóa thạch từ cuối kỷ Tam điệp đến cuối kỷ Phấn trắng, 215 triệu đến 66 triệu năm trước, từng được cho là quái vật hồ Loch Ness.
Nhưng đại diện nhóm nghiên cứu cũng cho rằng không loại bỏ giả thuyết lươn ở hồ Loch Ness đã đạt đến kích cỡ khổng lồ. Ý kiến này trùng với phát hiện của O’Fagan, tuy rằng chưa từng có con lươn khổng lồ nào bị bắt.
Vậy nhưng đáng chú ý là trong nhóm nghiên cứu của Đại học Otago do Giáo sư Neil Gemmell dẫn đầu cũng lại có ý kiến khác chút ít, khi cho rằng đó không phải là con lươn sống dai phát triển đến độ khổng lồ mà là một con thằn lằn đầu rắn (plesiosaur) có thể sống sót qua đợt tuyệt chủng của loài khủng long.
Cho đến nay, đã có hơn 1.000 báo cáo chính thức về các kết quả nghiên cứu quái vật hồ Loch Ness, cùng đó thủy quái bí ẩn này cũng là đề tài của nhiều bộ phim tài liệu và phim điện ảnh, cho dù các nhà thám hiểm và nhà khoa học đã không thể tìm được chứng cứ thuyết phục về sự tồn tại nó. Kể cả một công trình nghiên cứu thực hiện trong năm 2003 với 600 thiết bị dò tìm sóng âm và công nghệ theo dõi qua vệ tinh để quét hồ này nhưng không tìm thấy gì.
"Cho đến bây giờ tôi không tin rằng có một quái vật đang tồn tại trong hồ Loch Ness. Tuy nhiên, tôi cho rằng vẫn có những điều chưa được khám phá và hiểu biết trọn vẹn. Đã có gợi ý rằng những loài cá lớn, như cá da trơn và cá tầm, có thể là lời giải thích cho câu chuyện về quái vật và chúng ta sắp có dịp kiểm tra ý tưởng này và những giả thuyết khác nữa.
Tôi có niềm tin mãnh liệt rằng huyền thoại về con quái vật hồ Loch Ness rồi sẽ được giải mã, vì với trình độ khoa học công nghệ vượt trội như hiện nay hoàn toàn có thể biến những điều không thể thành có thể" - Giáo sư Neil Gemmell bày tỏ và cho rằng cách tốt nhất để chứng minh là giải mã ADN.
Như vậy cho tới nay tồn tại hai nghi vấn. Một là “quái vật hồ Loch Ness” là một loài lươn khổng lồ, có khả năng chui rúc trong những lớp bùn đầy thán khí dưới đáy hồ. Và như thế, chúng không phải là quái vật hay thủy quái, cũng không phải là một loài vật đã thoát chết trong kỷ băng hà vài triệu năm trước để tồn tại đến ngày nay.
Hai là, chúng đúng là quái vật, là hậu duệ của một loài quái thú vốn sống trên cạn đã bị tuyệt chủng trong kỷ Phấn trắng. Do một sự ngẫu nhiên nào đó mà chúng thoát nạn diệt vong. Vì thế, chúng có hình dạng của loài khủng long với chiếc cổ cao và những khối u trên lưng, được một số người gọi là “thằn lằn đầu rắn”.
Tuy nhiên, nếu như lươn khổng lồ là loài hiền lành thì thằn lằn đầu rắn lại là loài cực hung dữ.
Hồ Loch Ness đã trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng.
Vẫn là sự bí ẩn
Loch Ness là hồ nước ngọt lớn, được bao quanh bởi các thành phố ven biển Fort Augustus, Invermoriston, Drumnadrochit, Abriachan, Lochend, Whitebridge, Foyers, Inverfarigaig và Dores của Scotland. Nơi sâu nhất của hồ tới 240 mét, khiến nó trở thành hồ nước ngọt khó thám hiểm. Từ đó nhiều người cho rằng rất có thể có những loài thủy quái ẩn thân.
Tổng chiều dài của hồ Loch Ness lên tới 37 km. Bề mặt cao hơn mực nước biển 16 mét và nằm dọc theo đứt gãy Great Glen với nhiều dữ liệu địa chất cho rằng hồ này đã 700 triệu năm tuổi. Do sự tồn tại của đứt gãy này xuyên qua bề mặt hồ, từ năm 1768 đến 1906, có tới 56 trận động đất đã được ghi nhận.
Nhiệt độ trung bình của hồ Loch Ness là 5,5 độ C và thật ngạc nhiên là hồ này chưa bao giờ bị đóng băng bất chấp mùa đông lạnh giá ở Scotland.
Lưu vực hồ Loch Ness lên tới 1.800 km2 và được kết nối với hồ Oich. Ở phía đông, với nhiều nhánh để cuối cùng dẫn đến sông Ness, rồi lại chia ra hai nhánh lớn khác là Beauly Fjord và Moray Fjord.
Một điều không nhiều người biết là trong hồ Loch Ness có một hòn đảo nhân tạo nhỏ tên là Cherry Island. Hòn đảo rất nhỏ này nằm cách bờ khoảng 150 mét, không rõ được xây đắp năm nào. Nó ẩn hiện trong làn khói nước mặt hồ nên khó nhìn ra. Điều đặc biệt là đôi khi nó biến mất, chìm trong nước do kênh đào Caledonian đổ nước vào hồ khiến mực nước dâng cao. Kênh đào này là một công trình nhân tạo được hoàn thành vào năm 1822. Sau này người ta còn tìm thấy bên trong hồ Loch Ness một số tàn tích của một tòa lâu đài, xác định niên đại trong khoảng thế kỷ 13 đến 16.
Hồ Loch Ness có rất ít hệ thực vật trong nước do sự lên xuống thường xuyên của mực nước; các loài tôm cá cũng khá nghèo nàn do thiếu thức ăn. Chủ yếu là các loài lươn, cá pike, cá tầm, cá trê và một ít lượng cá hồi. Đáy hồ có hàm lượng than bùn cao từ đó có hàm lượng carbon cao.
Điều kiện sinh sống kém như vậy nên người ta cho rằng rất có thể đã có những loài thủy quái còn sót lại từ thời tiền sử. Bởi chỉ có chúng mới vượt thoát được những môi trường khắc nghiệt. Tất nhiên chúng không thể tồn tại hàng triệu năm, mà như một sự thần kỳ chúng đã kịp để lại những thế hậu duệ mà gen di truyền được sàng lọc cho phép sống được trong những lớp bùn dày đầy carbon.
Các nhà khoa học đã khẳng định, ở những nơi thâm u, điều kiện sống nghiệt ngã lại là nơi ẩn giấu những sinh vật kỳ lạ, kể cả quái thú. Bằng chứng rõ nhất là trong những khu rừng mưa Amazon, tới nay người ta vẫn tiếp tục phát hiện những loài mới. Còn trong số những loài đã phát hiện, có cả những con lươn biết tự phóng điện giết chết con vật khác để làm thức ăn. Lại có loài cá biết trèo cây săn mồi. Và cũng thật khó tưởng tượng một con cá rồng từ dưới nước phi thân cao tới 2 mét lên một cành cây để vồ chim.
Trong những dòng sông lớn, người ta cũng phát hiện những loài cá khổng lồ mà tuổi thọ của chúng hơn trăm năm. Trên dòng Mekong, một con sông châu Á được cho là “sự bí ẩn của thế giới”, có những con cá đuối nặng tới 500 kg. Chỉ với một cái quật đuôi nó có thể hạ gục một con bò.
Do vậy, cho dù chưa có bằng chứng xác thực nào về sự tồn tại quái vật hồ Loch Ness nhưng người ta vẫn cho rằng với một hồ nước vĩ đại và bí ẩn như vậy, có nhiều điều chưa được khám phá. Và vì thế, huyền thoại về quái vật hồ nước này cũng không nên vội vã loại trừ.
Hồ nước sâu nhất thế giới và những câu chuyện ly kỳ
Mùa đông, người ta có thể đi lại trên mặt hồ Baikal đóng băng.
Hồ Baikal ở Siberia (nước Nga) là hồ nước sâu nhất hành tinh, với độ sâu trung bình tới 740 mét, đặc biệt có nơi sâu đến 1642 mét, được cho là "vực thẳm không đáy".
Tương tự hồ Loch Ness ở Scotland, Baikal cũng gắn liền một con "quái vật" của riêng mình và đó thực sự là một câu chuyện đáng sợ. Truyền thuyết kể rằng một con rồng nước trú ngụ ở Vịnh Mukhorsky, nơi ấm nhất của hồ nước này và thường xuyên kéo ngư dân xuống dưới nước. Một số người cho rằng nó giống như một con cá tầm khổng lồ với bộ mặt xấu xí.
Lại có người cho rằng nó là một con quái vật thằn lằn có móng vuốt và gai nhọn chạy dọc lưng, trong khi những người khác tin rằng con quái vật này trông giống như một loài cá sấu cổ đại. Cho tới tận ngày nay, người dân trong vùng vẫn cúng tế lông thú, đồ trang sức và thức ăn để quái vật không nổi giận.
Vào năm 1980, các nhà nghiên cứu Liên Xô (cũ) đã phát hiện được một vật thể chuyển động, dài khoảng 30 mét trong lòng hồ Baikal bằng thiết bị định vị bằng tiếng vang, nhưng họ không thể xác định rõ nó là thứ gì.
Tuy nhiên, với hồ Baikal, bí ẩn không chỉ có thế. Người ta còn cho rằng nơi đây chôn giấu kho vàng của đế quốc Nga, trước năm 1917. Năm 1919, nó được phát hiện nhưng hóa ra lại chỉ là những ô vuông xây bằng gạch dưới lòng hồ. Sau này, vẫn có những người liều mình đi tìm kho báu của Sa Hoàng trên hồ Baikal, nhưng chỉ là vô vọng.
Hồ Baikal nhận lượng nước từ khoảng 300 con sông và dòng suối chảy vào, nhưng đặc biệt là chỉ có một con sông duy nhất chảy ra, đó là sông Angara. Trong truyện cổ Siberia, người xưa gọi đó là "con gái" của Baikal. Còn hồ Baikal được ví như một bá tước giàu có chuyên thu thuế từ các vùng đất xung quanh, trong khi cô con gái Angara lại là người hoàn trả lại tất cả.
Có một câu chuyện thật thú vị về hai cha con Baikal - Angara. Người con gái có một chiếc vòng cổ và giấu kín không cho ai xem vì muốn để dành nó cho người chồng tương lai của mình. Sau này, Baikal thông báo chọn con rể trong số các hiệp sĩ trong vùng. Người cha đã chọn chàng trai trẻ tên Irkut, mặc dù cô con gái lại đem lòng thích hiệp sĩ Yenisei. Vào đêm trước lễ cưới, Angara bỏ chạy khỏi nhà, mang theo chuỗi vòng cổ.
Tại nơi cô gặp Irkut, bây giờ là thành phố Irkutsk, cô đã giật đứt chiếc vòng và chia hạt ngọc cho người dân. Còn nơi cô gặp người yêu Yenisei chính là nơi con sông Angara chảy vào sông Yenisei. Angara không bao giờ trở về nữa khiến người cha không khỏi nhớ thương. Ông đã khóc đến tận khi trút hơi thở cuối cùng và nước mắt của ông đã biến thành hồ Baikal còn Angara trở thành con sông duy nhất chảy ra khỏi Baikal, tựa như cô gái chạy trốn đi tìm người thương.