Hình ảnh cầu vồng lửa rực sáng trên bầu trời được người dân Malaysia ghi lại và chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, RT đưa tin.
Hiện tượng này cũng từng xuất hiện tại nhiều nước trên thế giới. Nhiều người dùng mạng xã hội cho rằng cầu vồng lửa này là điềm báo tận thế hoặc một thảm họa kinh hoàng sắp xảy ra.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, cầu vồng lửa vắt ngang qua bầu trời thực chất là hiện tượng quang học.
Cầu vồng lửa là một hiện tượng quang học.
Hiện tượng có tên khoa học là circumhorizontal arc, thường xuất hiện ở những đám mây ti hoặc mây ti tầng. Circumhorizontal arc là kết quả của ánh sáng Mặt Trời chiếu qua tinh thể băng nhưng nó cũng có thể ra đời dưới ánh trăng trong trường hợp hiếm hoi hơn.
Theo Mother Nature Network, hiện tượng quang học này hình thành từ sự khúc xạ của ánh sáng Mặt Trời, đôi khi là Mặt Trăng, qua các tinh thể băng đá lơ lửng trong không khí. Mặt Trời khi đó phải ở vị trí rất cao, khoảng 58 độ so với đường chân trời hoặc cao hơn.
Trong khi đó, cầu vồng lửa được cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) gọi là mây ngũ sắc. Họ cũng cho rằng hiện tượng này tương đối hiếm, chỉ xảy ra khi các đám mây mang nhiều giọt nước có kích thước gần như đồng nhất. Những đám mây này làm nhiễu xạ hoặc bẻ cong ánh sáng theo một cách giống nhau, khiến ánh sáng chiếu theo các bước sóng, hoặc màu sắc khác nhau. Vì thế, mây ngũ sắc có màu giống cầu vồng - tạo nên bởi hiện tượng nhiễu xạ, và cũng tạo ra dải màu đa dạng, gồm xanh da trời, xanh lá cây, đỏ, tía và xanh.
Mây ngũ sắc này có màu giống cầu vồng, nhưng cách thức tạo nên mây ngũ sắc và cầu vồng khác nhau. Cầu vồng được tạo thành bởi hiện tượng khúc xạ hay phản xạ. Giống những vật ngũ sắc khác, như lông gà trống, màu của mây ngũ sắc thay đổi tùy thuộc vào góc nhìn.