Giải mã bí ẩn giọng hát Khánh Ly và điều danh ca luôn muốn "che giấu"

Long Phạm |

Khán giả nước ngoài tỏ ra khá tò mò về Khánh Ly. Giọng hát độc đáo của bà khiến họ ấn tượng ngay từ khi cất lên, mà không cần đến sự phô diễn, trưng trổ kỹ thuật nào.

Khánh Ly được biết đến là một trong những bậc đại danh ca của Việt Nam. Bà được coi như tượng đài thứ hai trong nhạc Việt giai đoạn nửa cuối thế kỷ XX (sau danh ca Thái Thanh), có cống hiến to lớn và tầm ảnh hưởng sâu rộng ít ai chạm tới.

Nếu xem tân nhạc Việt Nam như một đế chế thì vị trí của Khánh Ly là đại tể tướng "dưới một người mà trên vạn người".

Giọng hát hiếm thấy trong toàn châu Á, khiến khán giả nước ngoài phải ấn tượng, người Nhật săn đón bằng xe Limousine

Cuộc đời và sự nghiệp của Khánh Ly là cả một pho sách đồ sộ gắn cùng lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam trong suốt một giai đoạn đầy biến động, thăng trầm, với vô vàn chủ đề bao quát như tình yêu đôi lứa, đất nước, chiến tranh, hòa bình, triết lý, triết học, nhân sinh, nhân loại.

Giải mã bí ẩn giọng hát Khánh Ly và điều danh ca luôn muốn che giấu - Ảnh 1.

Tầm vóc Khánh Ly là tầm vóc của người hát lên nỗi lòng thế hệ, đất nước, dân tộc và thậm chí vươn tới nhân loại trong cả một thời kỳ biến động, đau thương, chứ không đơn giản chỉ là một ca sĩ.

Chính vì thế, bản thân Khánh Ly đã là một hiện tượng độc đáo cần được nhìn nhận và đánh giá dưới nhiều góc độ khác nhau, từ trong ra ngoài âm nhạc như văn hóa, văn học, xã hội học…

Ngay đến công chúng khi biết tới và tiếp cận Khánh Ly cũng từ nhiều khía cạnh, giác độ. Có người nghe Khánh Ly chỉ với mục đích thưởng thức, thư giãn, có người lại tìm đến bà để hiểu hơn về một nét văn hóa, lịch sử, ý thức hệ, tư tưởng…

Tuy nhiên, dù ở khía cạnh, giác độ nào thì điều đầu tiên khiến người ta chú ý, ấn tượng về Khánh Ly suốt mấy chục năm qua vẫn chính là giọng hát của bà, một giọng hát đặc biệt, độc lạ, hấp dẫn và chứa đựng nhiều tầng sâu.

Nói cách khác, giọng hát của Khánh Ly chính là thứ ngọc báu làm nên danh tiếng, tầm ảnh hưởng và những giá trị riêng có cho bà. Từ giọng hát ấy, Khánh Ly mới có cơ hội tiến sâu, vượt xa hơn khỏi bình diện một ca sĩ để thực hiện nhiều nhiệm vụ, sứ mệnh khác nhau.

Nếu không có giọng hát ấy, sẽ không có Khánh Ly, không có nhạc Trịnh và nền tân nhạc Việt Nam cũng bị khuyết đi một mảng lớn.

Giải mã bí ẩn giọng hát Khánh Ly và điều danh ca luôn muốn che giấu - Ảnh 3.

Cách đây vài năm, một tác giả ở nước ngoài đã thực hiện video tổng hợp những Diva, vocalist đẳng cấp châu Á. Video này thu hút rất nhiều lượt xem và bình luận tới từ cộng đồng nghe nhạc khắp thế giới.

Trong video có rất nhiều tên tuổi sừng sỏ như Regine Velasquez, So Hyang, Lani Misalucha, Jane Zhang, Charice, Mari Hamada…

Họ đến từ các nước có thị trường âm nhạc phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Philipphines… Ca sĩ Việt rất khó cạnh tranh vì không được ai biết tới.

Thật bất ngờ, trong video có sự xuất hiện của một ca sĩ Việt Nam. Không ai khác, người đó chính là Khánh Ly.

Đáng nói hơn cả, dù chỉ hát rất bình thản (không note cao, không phô diễn), nhưng Khánh Ly vẫn không hề lép vế khi đứng chung với những giọng ca "khủng long" của châu Á (vốn đang phô diễn rất nhiều kỹ thuật, quãng giọng).

Khán giả nước ngoài tỏ ra khá tò mò về Khánh Ly. Giọng hát độc đáo của bà khiến họ ấn tượng ngay từ khi cất lên, mà không cần đến sự phô diễn, trưng trổ kỹ thuật nào.

Giải mã bí ẩn giọng hát Khánh Ly và điều danh ca luôn muốn che giấu - Ảnh 5.

Trong khi đó, một số khán giả Việt Nam lại thắc mắc về sự xuất hiện của Khánh Ly. Họ tự hỏi, tại sao lại là Khánh Ly mà không phải những Diva, ca sĩ khác (những người sở hữu nhiều kỹ thuật, quãng giọng rộng và thường xuyên phô diễn vocal hơn bà).

Hiển nhiên, tác giả video này không biết tiếng Việt và cũng không đủ thời gian để tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Khánh Ly.

Điều duy nhất giúp Khánh Ly có mặt trong video là nhờ giọng hát trời phú của bà, với âm sắc có một không hai, ít thấy ngay cả trên phạm vi toàn châu Á, khiến bất cứ ai cũng phải ấn tượng sâu sắc dù chỉ nghe thoáng qua.

Châu Á vốn không thiếu những giọng hát đặc biệt. Có những giọng hát cao vút như So Hyang, Mari Hamada, Sách Lãng Vượng Mẫu… Lại có loại giọng rất trầm như Moon Ju Ran, Misora Hibari…, hay khàn đặc như Lee Eun Mi, nội lực như Lani Misalucha… Nhưng Khánh Ly vẫn không hề nhạt nhòa khi đứng trước họ. Điều đó cho thấy, âm sắc giọng hát của bà thực sự độc đáo, hiếm thấy.

Không chỉ với khán giả hiện tại, từ những năm 70 của thế kỷ trước, Khánh Ly đã sớm gây ấn tượng và được chú ý, săn đón nhờ tiếng hát liêu trai, khác biệt của mình. Nhờ đó, bà được mời biểu diễn ở nhiều nơi trên thế giới như Pháp, Nhật, Hong Kong…

Khán giả Nhật đặc biệt yêu thích tiếng hát Khánh Ly. Từ đầu những năm 70, Khánh Ly đã được mời sang Nhật diễn nhiều lần. Sau 1975, người Nhật sang tận Mỹ tìm bằng được Khánh Ly và săn đón bà để mời làm show, thu âm. Bà kể:

Giải mã bí ẩn giọng hát Khánh Ly và điều danh ca luôn muốn che giấu - Ảnh 7.

"Năm 1979, người Nhật bỗng nhiên đi tìm tôi để mời tôi biểu diễn. Tôi chẳng hiểu họ tìm kiểu gì mà cũng tìm ra tôi rồi mời tôi sang Nhật để hát trong một buổi đại hội dân ca Á châu, gồm Hong Kong, Hàn Quốc, Thái Lan…

Tôi là người Việt Nam duy nhất có mặt tại đại nhạc hội đó và cũng là ca sĩ nữ duy nhất. Tôi được đứng hát với những danh ca hàng đầu của Hàn Quốc, Thái Lan…

Sau đó, tôi thu cho người Nhật một đĩa nhạc Trịnh Công Sơn bằng cả tiếng Nhật lẫn tiếng Việt. Tiếp đó, tôi thu tiếp đĩa Diễm xưa và đĩa Ca dao mẹ, cũng cho người Nhật luôn. Hai đĩa này rất thành công.

Lúc thu các đĩa này, hãng đĩa và đài truyền hình Nhật còn cho người bay sang Mỹ để thu cho tôi. Chúng tôi thu ở phòng thu nổi tiếng nhất của Mỹ lúc bấy giờ, nhưng người Nhật không để người Mỹ bấm máy mà chính tay họ phải bấm. Họ còn ngồi nghe xem tôi hát có đúng không để sửa giọng cho tôi.

Đó là lần đầu tiên tôi được biết thế nào là xe Limousine. Người Nhật cho xe Limousine tới đón tôi rồi đưa lên phòng thu, oai lắm".

Không những vậy, đĩa nhạc Trịnh được Khánh Ly thu âm đã bán tới 2 triệu bản tại Nhật. Đây là con số kỷ lục với một ca sĩ Việt Nam. Điều này đủ để thấy khán giả Nhật mê tiếng hát Khánh Ly cỡ nào.

Giải mã bí ẩn giọng hát Khánh Ly và điều danh ca luôn muốn che giấu - Ảnh 9.

Được biết, khán giả Nhật vổn rất tinh tế và am hiểu sâu sắc về âm nhạc, có gu thưởng thức rất cao.

Người Nhật từng chào đón vô vàn nghệ sĩ huyền thoại, nằm trên đỉnh cao nhất của âm nhạc tới biểu diễn, từ Diva Opera như Maria Callas, Joan Sutherland tới ca sĩ đại chúng như Whitney Houston, Mariah Carey, Madonna, hay dòng nghệ thuật Indie như Bjork, Florence+The Machine…

Vì thế, để được người Nhật săn đón, yêu thích đến vậy, Khánh Ly chắc chắn phải sở hữu một giá trị vô cùng đặc biệt, quý giá. Thứ giá trị cao cấp này lại đến từ chính giọng hát mộc mạc, bình dị của bà.

Thậm chí, danh ca người Nhật Tokiko Kato vì quá yêu mến tiếng hát Khánh Ly mà chủ động tìm đến bà để làm quen và xin kết nghĩa làm chị em. Qua đó, đủ để thấy ma lực trong giọng hát Khánh Ly lớn nhường nào.

Những bí ẩn ít ai biết đằng sau giọng hát bình dị mà quý giá

Về loại giọng, Khánh Ly thuộc vào nữ trung trầm (mezzo alto), có thể hát tốt quãng trung và trầm, với màu giọng tối, sâu. Quãng giọng của bà trải không quá rộng và nằm ở âm khu dưới. Nó trải dài hai quãng tám, từ C3 tới C5 và hoàn toàn là chest voice (giọng ngực), không sử dụng giả thanh.

Giải mã bí ẩn giọng hát Khánh Ly và điều danh ca luôn muốn che giấu - Ảnh 11.

Bản chất giọng nữ trung trầm ở châu Á nói chung (Việt Nam nói riêng) vốn đã đặc biệt vì ít thấy hơn mezzo soprano (nữ trung cận cao) và soprano (nữ cao). Giữa một rừng nữ cao thanh mảnh, mỏng manh thì một giọng nữ trung trầm dày và tối bao giờ cũng gây ấn tượng thính giác tốt hơn.

Nhưng, giọng hát Khánh Ly còn độc đáo, hiếm thấy hơn nữa khi pha trộn âm sắc kim và mộc (thời trẻ), mộc và thổ (khi có tuổi).

Chính sự pha trộn âm sắc này tạo nên tính liêu trai, u tịch, mê hồn và đậm màu tâm linh, triết học cho tiếng hát Khánh Ly, mà suốt hàng chục năm qua vẫn không ca sĩ nào có được (có chăng chỉ là sự bắt chước, thiếu tự nhiên).

Thời trẻ, giọng Khánh Ly là kim pha mộc. Tính kim giúp giọng Khánh Ly có lõi chắc và mang độ rền tự nhiên nên dù không dùng kỹ thuật cộng hưởng nhưng vẫn khá rền rĩ, có độ nổ khi lên giọng trong cữ âm G4, G#4, A4 và B4, lại đanh, nảy, âm lượng lớn.

Bà hát chắc chắn, có lực, phát huy lợi thế ở âm đóng (đặc trưng về tính xuyên thấu của giọng thuần kim như So Hyang, Thu Minh, Thái Thanh). Các âm đóng của Khánh Ly rất đanh, đặc quánh đến hiếm có (dù bà chỉ là giọng trữ tình, không phải giọng kịch tính). Chẳng hạn, âm đóng C#4 của bà đanh và đẹp đến hàng cực phẩm.

Ca sĩ Quang Thành khi được hỏi về điều ấn tượng với Khánh Ly đã trả lời: "Chính là giọng hát đầy nội lực của cô.

Ngoài ra, cách hát của cô rất kỹ thuật. Được biết, khi mới quen biết cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cô Khánh Ly đã được ông luyện giọng hát bằng những cách rất độc đáo. Đó là mở cửa sổ ra hát thật to ra ngoài trời hay hát trong các lu nước để có được giọng hát nội lực".

Giải mã bí ẩn giọng hát Khánh Ly và điều danh ca luôn muốn che giấu - Ảnh 12.

Rõ ràng, nội lực và khỏe khoắn là một trong những ưu điểm quan trọng làm nên tính khác biệt của giọng hát Khánh Ly, nhưng ít ai nhận ra. Nhờ đó, bà hát rất rõ lời, rõ chữ, tách bạch rõ ràng từng câu từng chữ một khi hát và chữ nào cũng chắc chắn.

Khánh Ly thường hát tự sự, ít phô diễn và tiếng hát của bà lại gắn liền với nhạc Trịnh (loại nhạc nhiều âm tính, u tịch, trầm lắng, tĩnh tại, chậm rãi). Bởi thế nên người nghe thường chỉ cảm nhận theo lối mòn về một giọng hát Khánh Ly liêu trai, ma mị mà không thấy nội lực tiềm tàng trong bà.

Người nước ngoài có lẽ vì cảm nhận được nội lực, độ rền, khỏe và đanh trong tiếng hát Khánh Ly nên mới ấn tượng mà xếp bà vào danh sách vocalist châu Á, đứng chung với nhiều ca sĩ "khủng long" khác, dù bà không hề phô diễn, khoe giọng.

Khánh Ly - Hạ Trắng - Sơn Ca 7

Trong khi đó, tính mộc lại giúp giọng Khánh Ly giữ được độ ấm, xốp, airy (âm hơi) và một chút mềm mại (nhưng không quá lả lướt, mướt mát). Như vậy, nhờ pha thêm mộc mà bà vừa có được ưu điểm, lại loại đi nhược điểm của giọng thuần kim.

Sau này, khi đã có tuổi, tính kim trong giọng Khánh Ly mất đi và đổ sang tính thổ (tính mộc vẫn giữ nguyên). Vì thế, bà hát mất lõi, không còn khỏe, đanh, nảy và rền như trước nhưng ấm, khàn hơn, nhuốm màu thời gian, thích hợp để thể hiện trải nghiệm, tâm trạng của một người từng trải, kinh qua nhiều biến cố, đau thương, mất mát.

Nếu nghe kĩ sẽ thấy, giọng Khánh Ly còn có chút khàn nhẹ. Cái khàn này không phải khàn tự nhiên (vì Khánh Ly không phải giọng hỏa hay pha hỏa), mà khàn do vương vấn hơi thuốc.

Khánh Ly hút thuốc từ thời trẻ và đến tận bây giờ, bà vẫn hút. Tất nhiên, Khánh Ly ý thức được việc hút thuốc là không tốt cho sức khỏe và bản thân bà không muốn thể hiện điều này trước công chúng. Bà từng nói với tôi: "Cô không muốn khán giả biết mình hút thuốc, lại làm tấm gương xấu cho giới trẻ".

Giải mã bí ẩn giọng hát Khánh Ly và điều danh ca luôn muốn che giấu - Ảnh 14.

Nhưng, với một người từng phiêu bạt, rong ruổi khắp bốn phương tứ xứ, sống đời sống của nhiều tầng lớp người, với tinh thần hiện sinh sâu sắc, lại trải qua nhiều biến động như Khánh Ly, việc ngưng hút thuốc là rất khó. Khói thuốc gần gũi, giúp bà khuây khỏa hơn trong những lúc ngẫm về cuộc đời.

Chính khói thuốc đã vương vấn, phả vào giọng hát Khánh Ly một chất khàn nhẹ và độ khè đặc biệt, giúp bà hát trải hơn, đời hơn và phủi hơn. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 từng kể:

"Khánh Ly là một người phụ nữ mạnh mẽ, cá tính. Hồi xưa cô ấy hút thuốc ghê lắm. Ngồi với nhau, tôi đốt thuốc lúc nào cũng đốt hai điếu, tôi một điếu, cô ấy một điếu.

Người ở ngoài thời đó nhìn vô thấy cảnh đàn bà ngồi hút thuốc thì ngứa mắt lắm, cũng xì xào đồn đoán này kia. Tôi với Khánh Ly nghe loáng thoáng thì nói giỡn với nhau: "Kệ, ai nói gì thì nói".

Cô ấy uống rượu ít, nhưng hút thuốc nhiều. Có một đợt Khánh Ly bệnh, bác sĩ cấm hút thuốc, cô ấy cũng ráng cai, tưởng bỏ thuốc thì giọng hát trong trẻo hơn. Ai dè, khi hát lên cô ấy nhận ra tiếng hát không có chất nhựa, chất khàn rất hay của thuốc lá.

Chiều cuối tuần - Khánh Ly

Vậy là Khánh Ly nói: "Thôi kệ, còn sống bao nhiêu năm thì hút bấy nhiêu năm", rồi quyết định hút tiếp".

Quả thực, nếu thiếu đi độ khè và nhừa nhựa phảng phất khói thuốc ấy, tiếng hát Khánh Ly sẽ không còn đặc biệt và giàu trải nghiệm như vậy nữa.

Giống như Khánh Ly, trên thế giới cũng có rất nhiều danh ca, nghệ sĩ lớn bầu bạn cùng khói thuốc và dùng nó để tạo nên giọng hát, chất nhạc của riêng họ như Nina Simone, Etta James, Billie Holiday, Adele, Amy Winehouse, Beth Hart…

Đặc điểm chung của tất cả các nghệ sĩ trên là chất giọng hơi khàn, u tịch, cô liêu, tối, dày, sâu thẳm và hát với nỗi buồn nặng trĩu tâm can, phiêu lãng, trải đời, có chút gì đó bất cần.

Những tiếng hát này một khi cất lên là chạm tới sâu thẳm khoảng lặng, tới những vùng tối nhất, kín nhất, buồn nhất trong lòng người nghe, khiến họ tìm được sự đồng điệu. Đó cũng chính là cái mà Khánh Ly có được.

Rất nhiều ca sĩ sau này cố tình dùng giọng mũi, hát bẹt giọng để bắt chước Khánh Ly, nhưng mãi mãi chỉ là phiên bản thứ cấp của bà. Không ai hát được một cách tự nhiên, bình dị nhưng vẫn thật đặc biệt và sâu sắc, thăm thẳm như bà.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại