Dắt chó cưng đi dạo vốn là câu chuyện quá đỗi bình thường. Nhưng tại Scotland, có một địa điểm đã trở thành cơn ác mộng với bất kỳ người nuôi chó nào. Đơn giản là vì tại đây, họ đã phải chứng kiến chú chó của mình "phi thân" tự sát mà chẳng thể làm gì được
Đó là cầu Overtoun - địa danh nổi tiếng... u ám của Scotland với cái tên "cây cầu của Tử thần".
Cầu Overtoun (Scotland)
Chỉ tự tử tại đúng một địa điểm
Cách nửa giờ di chuyển về phía Bắc từ thành phố Glasgow (Scotland) là nơi tọa lạc của một tòa lâu đài cổ từ thế kỷ 19, mang tên Overtoun. Và nằm ngay gần đó chính là cây cầu Overtoun - cây cầu cổ kính nên thơ và (tưởng là) vô hại, được xây dựng từ cuối thế kỷ 19.
Sở dĩ có chữ "tưởng" là vì đến giữa những năm 1950, mọi người bắt đầu gọi nó là "cầu Tử thần". Lý do đến từ việc có rất nhiều chú chó khi đi qua đây bỗng giở chứng, nhảy qua thành cầu ở độ cao 15m.
Có tới hơn 600 trường hợp chó nhảy cầu tự sát tại cầu Overtoun
Trong vòng 50 năm, đã có khoảng gần 600 trường hợp chó nhảy cầu, trong đó 50 đã tử vong. Thậm chí, một số sau khi sống sót vẫn tìm cách... nhảy tiếp khi đi qua đây. Những sự kiện như vậy diễn ra thường xuyên đến mức người ta nhanh chóng nhận ra có điều gì đó bất ổn tại cây cầu này.
Từ những giả thuyết siêu nhiên kinh dị...
"Vì sao chó lại nhảy cầu?" - đây là một câu hỏi rất khó để trả lời. Và bởi nó kỳ bí nên xung quanh đã xuất hiện rất nhiều giả thuyết, trong đó đa phần liên quan đến tâm linh và hồn ma.
Giả thuyết nổi tiếng nhất chính là về vùng Overtoun. Theo truyền thuyết của người Celtic, Overtoun là một trong những địa điểm có nhiều năng lượng từ các thế giới khác nhất, và cầu Overtoun là ranh giới giữa thiên đường và mặt đất.
Loài chó vốn được xem là những sinh vật có khả năng cảm nhận được hồn ma, hoặc năng lượng đến từ thế giới bên kia. Và vì ranh giới giữa thiên đàng - mặt đất ở cầu Overtoun là quá mỏng, chúng đã vô tình bị thu hút mà nhảy xuống, trở thành hành vi "tự sát" trong mắt loài người.
Nhà văn Paul Owen thì bác bỏ giả thuyết này. Tuy nhiên, ông lại cho rằng cây cầu đã bị... ám, bởi Phu nhân Trắng. Đó là hồn ma của phu nhân Overton - vợ của Nam tước Overton. Nam tước là người đã xây dựng tòa lâu đài, nhưng qua đời sau đó ít lâu vào năm 1908.
Vị phu nhân phải sống trong đau khổ trước khi qua đời vào 23 năm sau. Tương truyền trong những năm cuối đời, phu nhân đã ngày ngày bước dọc theo cây cầu, nơi bà đã từng cùng chồng đi qua rất nhiều lần.
Những câu chuyện về cây cầu quỷ ám càng trở nên căng thẳng hơn nữa vào năm 1994, khi một người đàn ông tên Kevin Moy đến đây và... ném đứa con mới sinh của mình xuống cầu. Moy đã định tự tử, nhưng vợ của hắn đã kịp ngăn lại.
Moy sau đó trả lời cảnh sát rằng hắn là kẻ chống lại Chúa, và tin rằng con trai mình chính là hiện thân của quỷ. Hắn chẳng cảm thấy chút tội lỗi nào, và phải sống trong trại giam dành cho tội phạm bị tâm thần.
... đến các giả thuyết khoa học
Khoa học là những người duy vật, và chắc chắn họ không tin vào những gì mơ hồ như hồn ma hay tâm linh. Họ muốn tìm hiểu sự thật, và đưa ra được một vài giả thuyết.
Lý giải dễ dàng nhất là lũ chó thực sự đã muốn tự tử. Nhưng chó có bao giờ muốn tự tử không? Với bất kỳ ai đã từng nuôi chó, câu trả lời là không.
Chó không bao giờ muốn tự tử, vì bản năng sinh tồn của chúng là quá mạnh
David Sands - chuyên gia tâm lý động vật cũng đồng tình. Ông cho rằng một con chó - dù thông minh đến đâu - cũng không thể căng thẳng đến mức tìm cách kết thúc cuộc đời vì bản năng sinh tồn của chúng quá mạnh.
Hơn nữa, bản chất của loài chó cũng là vui tươi, thích khám phá và tìm tòi, nên không thể xuất hiện tâm trạng quá tiêu cực được.
Một giả thuyết khác là khu vực này đã xuất hiện một tần số âm thanh lạ - có thể đến từ các cột điện cao thế, hoặc từ một lò phản ứng hạt nhân ở gần đó. Nhưng giả thuyết này cũng nhanh chóng bị bác bỏ sau khi kiểm tra bằng công nghệ hiện đại.
Vậy đáp án thực sự là?
Sau rất nhiều tin đồn, David Sands đã quyết định trực tiếp đến cầu Overtoun. Thậm chí, ông còn mang theo Hendrix - một cô chó cái từng "tự sát" ở cây cầu này nhưng vẫn sống sót.
Tại đây, Sands nhanh chóng bác bỏ một giả thuyết khác là "tầm nhìn". Cụ thể nhiều người tin rằng ở khu vực nhảy, tầm nhìn là rất hạn chế. Với góc nhìn này không thể cảm nhận được chiều cao mà giống như một mặt phẳng trải rộng, mà điều đó có thể kích thích chó lao tới.
Nhưng theo Sands, với góc nhìn của chó thì tất cả những gì chúng thấy là một thành cầu cao và dày bằng đá granite đen thôi. Chẳng ảnh hưởng gì cả.
Với tầm nhìn của chó, chúng sẽ chẳng thấy gì ngoài trụ cầu cao 45cm
Sau một số nỗ lực tìm hiểu, Sands đã nhận thấy một vài điểm chung. Đầu tiên, những chú chó từng nhảy cầu là đều thuộc giống chó săn mõm dài (như golden, collie...) với khả năng cảm nhận mùi hương đến thượng thừa.
Thứ 2, tất cả đều nhảy ở cùng một vị trí - khúc cầu phía cuối bên phải. Và cuối cùng, các sự kiện ấy đều xảy ra trong những ngày trời nắng đẹp.
Cả 3 điểm chung trên đã đưa Sands đến một giả thuyết khác hợp lý hơn, đó là "mùi". Trong những ngày nắng ráo, mùi sẽ bị phát tán rộng hơn. Ông tin rằng có một thứ mùi gì đó - nhiều khả năng là từ dưới chân cầu bốc lên - đã kích thích chó phóng đến, để rồi khi nhận ra mình sẽ rơi xuống thì đã quá muộn.
Chồn nâu (mink) - giống chồn có mùi đặc trưng mà loài chó không thể cưỡng lại
Sands nhận thấy phía dưới chân cầu là tổ của rất nhiều loài vật, như sóc, chuột, và chồn nâu (mink). Đây là những loài có mùi hết sức đặc trưng và thu hút, trong đó đặc biệt là chồn nâu.
Để kiểm chứng, ông đã thử phản ứng của 10 chú chó mũi dài với những mùi có dưới chân cầu. Kết quả 70% tiến thẳng đến vị trí của chồn nâu, trong khi số còn lại... chạy đi chỗ khác chơi.
Được biết, mùi của chồn nâu là rất mạnh. Thậm chí với con người, bạn sẽ nhận ra mùi của chúng từ cách xa cả chục mét. Thế nên với chó, chúng sẽ không thể cưỡng lại mùi hương mạnh như vậy mà lao tới.
Và đến đây, bí ẩn dường như đã được khép lại (với khoa học). Đây là đáp án hợp lý nhất, vì không những đưa ra được lý do vì sao chó nhảy xuống, mà còn giải thích được sự nhất quán về thời điểm chó nhảy xuống - luôn là ngày nắng đẹp khô ráo, khi mùi hương bốc lên mạnh nhất.
Hơn nữa, các vụ tai nạn diễn ra cũng trùng khớp với thời điểm chồn nâu được mang đến khu vực này lần đầu tiên - chính là đầu thập niên 50.
Dù vậy, chúng ta vẫn còn một số câu hỏi chưa thể giải đáp được. Đầu tiên là tại sao tất cả các trường hợp đều chỉ nhảy ở 2 lan can phía bên phải cầu? Thứ 2, tại sao các cây cầu khác không có hiện tượng này, trong khi chồn nâu có mặt ở rất nhiều nơi?
Còn bạn nghĩ sao về bí ẩn cầu Overtoun? Liệu rằng có bàn tay của thế lực tâm linh nào không? Hãy để lại bình luận nhé.
Tham khảo: OMG Fact, Atlas Obscura...