Năm 2011, Hollywood trình làng một bộ phim khiến trẻ em tại nhiều quốc gia trên thế giới vô cùng thích thú. Đó là Real Steal - một bộ phim giả tưởng kể về những giải robot boxing với quy mô cực kỳ hoành tráng.
Nhưng đừng tưởng những giải đấu như vậy chỉ diễn ra trong phim. Trên thực tế, thú vui "chọi robot" đã hóa ra đã tồn tại từ rất lâu, dưới những hình thức khá đa dạng và không hề kém phần khốc liệt.
Những trận chiến robot đơn sơ trong lịch sử
Ý tưởng cho robot... đập nhau thực chất đã có từ những năm 1930 - thời điểm đấm bốc là môn thể thao cực kỳ phát triển - trên những quyển tạp chí đương thời. Chỉ là ý tưởng, nhưng đây lại là nền tảng để các nhà phát minh dày công suy nghĩ và biến nó thành hiện thực sau này.
Những ý tưởng đưa robot thượng đài...
Chuột Mickey của Walt Disney cũng chế tạo robot để mang đi... đánh nhau
Đến những năm 1960, công ty Marvin Glass của Mỹ lần đầu tiên biến những trận chiến robot thành hiện thực, bằng bộ trò chơi mang tên "Rock'em Sock'em Robots". Đây là bộ trò chơi đối kháng - 2 người chơi điều khiển 2 robot đấm bốc, bên nào đánh bay đầu trước là thắng.
Bộ trò chơi Rock'em Sock'em Robots làm mưa làm gió giới trẻ Mỹ một thời
Bộ robot boxing do Nhật sản xuất vào cuối những năm 1980
Đến những giải đấu mang tính khốc liệt và... đẫm dầu
Năm 1990 đánh dấu bước ngoặt của thú vui chọi robot, khi những trận chiến khốc liệt thực sự bắt đầu được công chúng thừa nhận và trình chiếu trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Thời điểm này, rất nhiều giải đấu đã được tổ chức: Battlebots, Robot Wars, Robotica... trong đó người tham gia sẽ tự thiết kế robot của mình để chiến đấu.
Giải đấu không giới hạn độ tuổi: bạn có thể là sinh viên, người cao tuổi, thậm chí là trẻ con cấp 1 cũng được thạm dự, miễn là có khả năng chế tạo và điều khiển robot.
Những trận chiến lúc này cũng không đơn giản! Đó là những trận đối kháng thực sự, khi người chơi phải đánh với mục tiêu là phá hủy robot của đối phương.
Chúng được trang bị cưa máy, rìu lưỡi, giáp sắt, bộ gia tốc (để húc đổ đối phương bằng tốc độ cao), thậm chí là cả máy nghiền nữa.
Một trong những trận chiến "đẫm dầu" diễn ra vào năm 2007
Nhưng tất nhiên, không phải vũ khí nào cũng được phép sử dụng. Những thiết bị có khả năng can thiệp vào tần số điều khiển, hoặc vũ khí có thể tác động đến nguồn điện như máy cao áp, chất lỏng, chất nổ... đều bị nghiêm cấm nhằm đảm bảo tính công bằng và hấp dẫn của cuộc chơi.
Qua thời gian, các show truyền hình "chọi robot" dần tan rã, khiến cho số lượng các giải đấu giảm sút. Tuy nhiên, hiện tại Mỹ và một số quốc gia như Úc, Canada... vẫn duy trì các giải đấu quy mô nhỏ. Video dưới đây là một trận chiến trong số các giải đấu này, diễn ra vào năm 2015.
Và những giải đấu hiền lành, nhẹ nhàng hơn
Cần biết rằng vào những năm 1990, hình thức "chọi robot" được chia thành hai nhánh. Một loại "bạo lực" như các giải đấu nói trên, và hai là các giải đấu hiền hòa hơn, kết hợp giữa thi đấu thể thao và đánh đối kháng tại Nhật Bản.
Cụ thể hơn, những giải đấu như thế này thường sử dụng các robot mang dạng người, được thiết kế để thực hiện các "chiêu thức" giống như vận động viên boxing thực thụ (móc hàm, đấm thẳng, trái tay...). Mục đích của trận chiến cũng nhẹ nhàng hơn - chỉ cần đánh ngã robot là được.
Thời kỳ đầu, những trận chiến càng bạo lực càng được ưa chuộng. Nhưng dần dần, giải đấu "hiền hòa" này lại chiếm được chỗ đứng trong lòng khán giả, có lẽ là vì robot mang hình dạng giống người, và mô phỏng giống phim viễn tưởng hơn.
Hiện nay, hình thức thi đấu robot đang lan rộng ra nhiều nước châu Á, như Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Philippines. Và giải cũng không hề bé nhỏ.
Những giải đấu robot như vậy được tổ chức thường niên tại Nhật Bản, lên tới khoảng 10 giải lớn nhỏ mỗi năm. Thậm chí còn có cả giải thế giới nữa cơ.
Tương tự như các giải đấu bạo lực, giải "hiền hòa" cũng không giới hạn độ tuổi tham gia. Vậy nên, không quá khó để thấy cảnh học sinh cấp hai sau mỗi giờ học đều ở lại "luyện" bằng chính những robot họ chế tạo.
Nguồn: Bloomberg, EW