Giải đáp cặn kẽ băn khoăn của người lao động

THANH NGA |

Các đơn vị có liên quan cần sớm rà soát, tổng hợp danh sách, bổ sung hồ sơ cần thiết để người lao động khó khăn sớm được thụ hưởng từ các gói hỗ trợ của Chính phủ.

Chương trình tư vấn trực tuyến "Chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19" do LĐLĐ TP HCM tổ chức đã diễn ra vào sáng 10-5 tại hội trường Báo Người Lao Động (123 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3).

Chương trình được livestream trên Fanpage và YouTube "Công đoàn TP HCM", Báo Người Lao Động điện tử nhằm giải đáp các thắc mắc của cán bộ, đoàn viên, CNVC-LĐ về các chính sách hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng dịch bệnh cũng như quy trình, thủ tục làm hồ sơ nhận hỗ trợ.

Lao động tự do nào được hỗ trợ?

Theo ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - BHXH của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, những tháng qua, tình hình dịch Covid-19 trong nước và thế giới diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp (DN) và đời sống, việc làm của NLĐ.

Trước tình hình trên, ngày 9-4, Chính phủ ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trước đó, ngày 27-3, HĐND TP cũng ban hành Nghị quyết 02 về việc hỗ trợ NLĐ bị tác động bởi dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM.

Đến nay, 63 tỉnh, thành trên cả nước đã triển khai hỗ trợ trên 20.000 tỉ đồng cho người dân. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhiều NLĐ vẫn chưa nắm rõ điều kiện, thủ tục để được hưởng hỗ trợ.

Chương trình đã nhận được gần 50 câu hỏi thắc mắc của bạn đọc xoay quanh các vấn đề trên, nhất là đối với nhóm lao động tự do, không giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ).

Trả lời thắc mắc của NLĐ về cơ sở để xác định mức thu nhập của NLĐ không có giao kết HĐLĐ bị mất việc làm, ông Cường cho biết đối với nhóm lao động tự do thì điều kiện để được hỗ trợ là mất việc làm, không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo của TP (dưới 3 triệu đồng/tháng), cư trú hợp pháp tại địa phương và thuộc 6 nhóm công việc gồm bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái môtô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe.

NLĐ kê khai trung thực theo đề nghị hỗ trợ (mẫu số 4 ban hành kèm theo Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ) và gửi về UBND phường, xã để được hỗ trợ.

Ông Cường cũng giải thích thêm đối với NLĐ sinh sống tại TP HCM nhưng hộ khẩu ở các tỉnh, thành khác mong muốn được nhận hỗ trợ tại TP thì phải có xác nhận của địa phương nơi mình đăng ký hộ khẩu mới được giải quyết.

"Dịch bệnh tác động lên hầu hết các lĩnh vực nên ngoài 6 nhóm công việc được hỗ trợ như đã nêu ở trên thì các quận, huyện đang rà soát, tổng hợp danh sách NLĐ bị ảnh hưởng tại các nhóm ngành nghề khác để đề xuất hướng hỗ trợ thiết thực nhất để giúp NLĐ vượt qua khó khăn" - ông Cường cho biết thêm.

Được hưởng bổ sung nếu đủ điều kiện

Dịch bệnh xảy ra đã gây khó khăn và áp lực cho cả DN và NLĐ, khá nhiều DN đã phải thu hẹp sản xuất hoặc ngừng hoạt động và cho NLĐ tạm ngừng việc. Nếu rơi vào trường hợp bị tạm hoãn HĐLĐ thì NLĐ phải làm gì để được hưởng hỗ trợ? Đó chính cũng là vấn đề được mổ xẻ nhiều nhất tại buổi tư vấn.

Phản hồi vấn đề này, ông Nguyễn Bảo Cường cho biết trong trường hợp NLĐ bị tạm hoãn HĐLĐ hoặc nghỉ việc không hưởng lương có đề nghị hỗ trợ thì DN có trách nhiệm lập danh sách lao động để đề nghị hỗ trợ theo quy định và có xác nhận của Công đoàn (CĐ) cơ sở và cơ quan BHXH.

Nếu DN chưa có CĐ thì LĐLĐ quận - huyện, CĐ KCX-KCN có trách nhiệm xác nhận danh sách.

Với các DN có nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc địa điểm sản xuất - kinh doanh muốn được nhận hỗ trợ cho NLĐ (thuộc diện hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng), DN gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ đến UBND quận, huyện nơi đóng BHXH bắt buộc cho NLĐ của DN hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất - kinh doanh.

"Trong trường hợp DN không lập danh sách thì các đơn vị có liên quan phải tìm hiểu nguyên nhân, hỗ trợ, hướng dẫn DN thực hiện đúng để NLĐ được hỗ trợ" - ông Cường lưu ý.

Trả lời câu hỏi NLĐ bị chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp thì có được hưởng 2 gói hỗ trợ của Chính phủ và TP không, ông Cường khẳng định NLĐ vẫn được hưởng.

"Nợ là do DN nợ nên không liên quan đến việc NLĐ có được hưởng gói hỗ trợ này hay không? Trong trường hợp này, NLĐ không có thu nhập hoặc thu nhập thấp hơn 3 triệu đồng/tháng cần hỗ trợ thì kê khai đầy đủ theo mẫu quy định của nhà nước để được xét hỗ trợ" - ông Cường lý giải.

Trước khi có Nghị quyết 42/NQ-CP, TP HCM đã triển khai gói hỗ trợ cho NLĐ theo Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐND nên trường hợp NLĐ đã hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 02 (mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng), nếu đủ điều kiện hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP thì được hỗ trợ bổ sung 800.000 đồng/người/tháng.

Không tùy tiện cho NLĐ nghỉ việc do dịch bệnh

Bên cạnh các thắc mắc về thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng do dịch bệnh, một trong những vấn đề khiến NLĐ lo lắng, thắc mắc tại buổi tư vấn là về quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của DN khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Trao đổi cụ thể về vấn đề này, ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật - LĐLĐ TP HCM, cho biết điều 38 Bộ Luật Lao động quy định nếu DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ.

Khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ trong trường hợp này, DN phải báo cho NLĐ biết trước ít nhất 45 ngày đối với HĐLĐ không xác định thời hạn hoặc ít nhất 30 ngày đối với HĐLĐ xác định thời hạn và NLĐ được hưởng trợ cấp thôi việc (nếu có).

"Đáng lo là thời gian qua, một số DN lợi dụng quy định này để sa thải NLĐ lớn tuổi, nuôi con nhỏ, hoặc vì lý do khác... Để chấm dứt tình trạng này, theo tôi, nếu vì lý do dịch thì phải do cơ quan có thẩm quyền công bố.

Còn nếu lý do vì ảnh hưởng dịch bệnh, gây khó cho sản xuất - kinh doanh, phải giảm bớt lao động thì DN phải xây dựng phương án cụ thể theo quy định. Do vậy, CĐ cơ sở cần phải giám sát chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi NLĐ" - ông Triều lưu ý.

Trả lời câu hỏi của NLĐ về việc DN buộc phải thu hẹp sản xuất hoặc ngừng hoạt động và cho NLĐ tạm ngừng việc thì cách tính tiền lương của NLĐ như thế nào, ông Triều cho biết theo quy định, trong trường hợp DN cho NLĐ ngừng việc vì lý do dịch Covid-19 thì tiền lương của NLĐ sẽ trả theo thỏa thuận giữa 2 bên nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ người lao động

Theo ông Trần Văn Triều, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, nhiều NLĐ bị giảm hoặc mất việc làm dẫn đến mất thu nhập. Để hỗ trợ họ vượt qua khó khăn, Chính phủ và TP HCM đã triển khai các gói hỗ trợ cụ thể.

Do vậy, điều cần thiết trước mắt là các ngành chức năng có liên quan như BHXH, LĐ-TB-XH, tổ chức CĐ cần sớm hướng dẫn NLĐ và DN thực hiện các thủ tục để được hưởng gói hỗ trợ. Ngoài ra, các ngành cần tính toán những giải pháp để giảm giá thuê nhà, điện, nước, bình ổn giá lương thực.

Tổ chức CĐ cũng phối hợp các DN và các tổ chức để giới thiệu việc làm, sớm giải quyết tình trạng thiếu hụt việc làm hiện nay. Song song với sự hỗ trợ của nhà nước,cần huy động các nguồn lực xã hội tăng cường hỗ trợ NLĐ bị mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19: hỗ trợ miễn phí lương thực hoặc nhu yếu phẩm...

Thời gian vừa qua, LĐLĐ TP HCM đã chăm lo cho gần 17.000 lao động với số tiền hơn 19,6 tỉ đồng. Các cấp CĐ cũng đã phối hợp vận động các chủ nhà trọ giảm giá 57.606 phòng trọ (từ 200.000 đồng đến 2,5 triệu đồng/tháng) cho NLĐ, trong đó có 200 phòng trọ hoàn toàn miễn phí.

 Giải đáp cặn kẽ băn khoăn của người lao động  - Ảnh 4.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại