Hậu Asian Cup 2019 và những thành công ở năm 2018, bóng đá Việt lần đầu tiên nói nhiều về World Cup, với những cơ sở hiện hữu chứ không phải giấc mơ xa vời. Cũng không xa, nếu nhìn từ những gam màu hồng, thế nhưng chưa chắc đã gần khi ý thức về thực tại với những mảng tối chưa lộ sáng…
World Cup của những người “làm và nói”
"Truyền thông Việt Nam đã hỏi về khả năng dự World Cup. Tôi đã họp với VFF và trình bày rằng cần đầu tư nhiều hơn vào cầu thủ trẻ, những người nhỏ hơn thế hệ bây giờ 10 tuổi.
Nếu bóng đá Việt Nam muốn nghĩ tới World Cup trong 8 hoặc 10 năm nữa thì ngay từ bây giờ phải đầu tư. Phải lập kế hoạch chi tiết và xây dựng một hệ thống bài bản trong một vài năm chứ không phải trong một buổi sáng.
Các cầu thủ ở ĐTQG hiện tại mới ngoài 20 tuổi và có thể thi đấu đỉnh cao khoảng 10 năm nữa nên có thể hướng tới World Cup 2022 hoặc World Cup 2026. Tất nhiên, VFF cần phải lên kế dài hơi và tạo ra những thế hệ cầu thủ có thể thành công cùng bất kỳ HLV nào…”.
HLV Park Hang-seo muốn BĐVN có một chiến lược dài hơi để đầu tư. Ảnh: Đ.Đ
HLV Park Hang-seo chia sẻ với sự cẩn trọng và ý thức như thế khi đề cập đến giấc mơ World Cup, điều rất nhiều người nghĩ và hướng đến sau những thành công thời gian qua, ở các sân chơi cấp độ châu lục.
Giấc mơ World Cup, đó cũng là điều bầu Đức nhấn mạnh khi nói về thành công của bóng đá Việt Nam. Ông bầu từng đi tiên phong và nhiều lần thổi những làn gió mới cho cả nền bóng đá này cho rằng sự phát triển và thành quả đạt được ban đầu thì có niềm tin giấc mơ World Cup không phải quá tầm, có thể nói trong tầm tay với thế hệ cầu thủ hiện tại.
Nếu năm 2022 quá gần khó thành hiện thực thì là World Cup 2026, khi FIFA mở rộng lên đến 48 và cơ hội cho các đội Châu Á rộng hơn trong đó có Việt Nam, nếu duy trì được sự phát triển như hiện tại
Bầu Đức là người chọn, trả lương cho HLV Park hang-seo.
Mơ ước để hành động, nói cần phải đi đôi với làm và làm một cách quyết liệt nhất, bầu Đức dẫn chứng năm 2007 vào tứ kết và đến 12 năm sau mới có thể tái hiện lại kỳ tích chính là ví dụ cho thấy nếu cứ nhìn vào thành công mà không tiếp tục thay đổi thì khó.
Bóng đá Việt Nam có một thế hệ cầu thủ trẻ tài năng, có thể mang về thành công nhưng làm cách gì tạo ra lứa cầu thủ kế cận giỏi hơn mới là bài toán quan trọng, thế nên phải làm đào tạo trẻ, chăm lo nhiều hơn cho các tài năng trẻ để làm từ gốc rễ, giống như xây nhà từ móng.
“Cần có sự chung tay của nhiều người, cả xã hội vì bóng đá Việt Nam. Khi quyết tâm làm hết mình, giấc mơ World Cup mới thành hiện thực…”, ông Đức đúc kết như cách ý thức về khoảnh cách cùng vô vàn cản trở, giữa mơ và thực, giữa nói và làm.
Và World Cup nào cho những người “biết đi đâu, về đâu…”?
Những gì thầy trò HLV Park Hang-seo làm được hơn 1 năm qua khiến cả Châu Á phải nhìn bóng đá Việt với con mắt khác. Từ VCK U23 Châu Á đến ASIAD rồi AFF Cup và Asian Cup 2019, đó là hành trình khẳng định. Bóng đá Việt Nam đã sang một trang mới, được quan tâm của cả xã hội và thành hình mẫu, điểm sáng cho nhiều ngành, lĩnh vực khác nhìn vào... Rất nhiều gam tươi sáng mang đến các nhìn tích cực, lạc quan về một tương lai không xa.
Tuy nhiên, bức tranh thực tại cũng không chỉ có toàn màu hồng…
Ngày HLV Park Hang-seo về Hàn Quốc nghỉ và nói về giấc mơ World Cup của Việt Nam, ông đâu có biết ở Nam Định có một niềm vui vỡ òa như thế nào.
HLV Nguyễn Văn Sỹ thở phào khi Nam Định “sống” sau nhiều ngày tháng chờ đợi. Ảnh: H.A
Sau 3 tháng “thở ống chờ”, số phận đội bóng mới được chính thức giải cứu. Phải đến gần 2 năm kể từ sau khi lên hạng, thủ tục mới được “thông quan” để đội bóng có con dấu, tư cách pháp nhân và sống. Thế là đội tập đến sát 30 Tết mới nghỉ, để chờ có tiền chia nhau và giải quyết bao bài toán.
Một trung tâm đào tạo truyền thống, sau 1 thập niên “chết đi, sống lại”, không ai có niềm vui hay niềm tin giữa lúc cả nền bóng đá vui như Tết những ngày AFF Cup 2018 rồi Asian Cup 2019.
Sân Thiên Trường là điểm sáng của V.League. Ảnh: H.A
Họ phải tập trung sớm nhất, để “biết mình còn tồn tại” và mấy tháng liền các cầu thủ chưa đi được cứ tập tay bo mà CLB không dám có cam kết gì trừ lời hứa miệng của HLV. Khổ đến mức, sát ngày đá giải tập huấn Viettel còn xin rút vì không có tiền và đến ngày khai mạc thì “vay nóng” được hơn 100 triệu nên thầy trò HLV Nguyễn Văn Sỹ mới lên ôtô dự giải.
Như Nam Định còn may hơn SLNA, những ngày này mới khổ. Tiền bạc không có, tương lai bất định khi Bắc Á chia tay sau 2018, nhà tài trợ mới vẫn “án binh, bất động”.
HLV Đức Thắng đang “sống dở, chết dở“. Ảnh: H.A
Sân Vinh bao ngày không có người chăm sóc, mặt sân cứng như xi măng, tập xong đau toàn thân với chấn thương vô số nên Nguyên Mạnh với tư cách đội trưởng phải đề xuất lãnh đạo biếu các cô lao công ít tiền để tưới nước hộ.
Các đội trẻ năm 2018 có nhiều thành tích, có quà để chia nhau nghỉ Tết còn đội 1 thì trừ cầu thủ có hợp đồng có 1 tháng lương của Bắc Á, hàng loạt cầu thủ trẻ mới được đôn lên tay không về quê, phải vay mượn tứ tung để trang trải.
Đứng ra hứa hẹn và chịu trách nhiệm, giờ HLV Nguyễn Đức Thắng mất ăn mất ngủ và mất Tết, khi lỡ vác tiền nhà rồi đi vay giật để xử lý trước…
SLNA khổ nhưng vẫn còn chỗ bám víu, khi chờ nhà tài trợ mới hay có phương án dự phòng. Khổ nhất phải là Thanh Hóa, khi không biết tương lai về đâu. Tập đoàn FLC chia tay, bóng đá được trả về cho tỉnh nên tạm thời thuộc quyền quản lý của… LĐBĐ Thanh Hóa.
Sau khi FLC chia tay, Thanh Hóa chỉ còn lại cái xác không hồn. Ảnh: H.A
Các cầu thủ sao số được “thả cửa” nên thân ai người nấy lo và lần lượt Minh Tuấn, Trọng Hoàng, Văn Bình, Đình Đồng, Hoàng Thịnh, Tiến Dũng… tự tìm cách cứu mình. Những người ở lại, giờ ngơ ngác nhìn sau và Thanh Hóa quay trở lại với đúng tình cảnh của hơn 10 năm trước khi chỉ còn mỗi cái tên.
Chẳng còn gì nữa, làm lại từ con số âm, sau khi đến lượt FLC “bỏ của chạy lấy người”. Cái đội bóng mà doanh nghiệp vào làm, đốt tiền mỗi năm tiêu 120 tỉ đồng ấy, giờ mới “chết dở, sống dở”.
Ngày cuối năm, kể chuyện thực tế phũ phàng của những Nam Định, SLNA hay Thanh Hóa để thấy rằng, bên cạnh điểm sáng với màu hồng thì cũng đang tồn tại quá nhiều hiện trạng phũ phàng.
Thực tế bóng đá khắc nghiệt, nhưng mơ World Cup thì cứ mơ thôi…