Trang web thediplomat vừa đăng bài có tựa đề “Indonesia’s Nuclear Dream, Revived?” (tạm dịch “Giấc mơ hạt nhân của Indonesia hồi sinh?” nói về tham vọng chinh phục năng lượng hạt nhân của Indonesia, trân trọng giới thiệu để bạn đọc tham khảo.
Tháng 2/2020, phàn nàn công khai của Luhut Binsar Pandjaitan - Bộ trưởng điều phối các vấn đề hàng hải và là cựu Chánh văn phòng của Tổng thống Widodo - về việc các quốc gia hùng mạnh như Mỹ, không coi Indonesia là một đối tác quốc tế quan trọng vì nước này không sở hữu vũ khí hạt nhân, đã được nhiều báo chí địa địa phương đăng tải.
Chính trị gia - tướng quân đội bốn sao đã nghỉ hưu này gần đây đã bày tỏ mối quan tâm đến các công nghệ lò phản ứng hạt nhân tiên tiến để tận dụng tài nguyên khoáng sản dồi dào của đất nước.
Tháng 6/2020, Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto đã tổ chức các cuộc họp với Thống đốc Quần đảo Banka Belitung thảo luận về việc thành lập một văn phòng cấp bộ ở đó. Ước tính, các hòn đảo ngoài khơi bờ biển phía đông của Sumatra chứa 95% thorium của Indonesia.
Không thể được sử dụng trong các lò phản ứng neutron nhiệt truyền thống nhưng khi hấp thụ neutron, thorium sẽ chuyển thành uranium-233 - một vật liệu nhiên liệu phân hạch tuyệt vời, đặc biệt cho các lò phản ứng muối nóng chảy. Tháng 7/2020, một cuộc họp giữa Luhut và Prabowo được tổ chức để thảo luận về việc sử dụng thiếc và các nguyên tố đất hiếm.
Sự nhạy cảm nằm ở chỗ thorium và uranium có thể được chiết suất từ các nguồn khác, đặc biệt là từ monazit, thường phân bố cùng với khoáng sản thiếc dồi dào của Indonesia. Bộ Quốc phòng quan tâm đến việc xây dựng một lò phản ứng muối nóng chảy thorium quy mô nhỏ - với công suất phát điện 50 megawatt - vào năm 2025 cho các mục đích an ninh quốc gia cụ thể như sản xuất điện cho các phương tiện hàng hải.
Không có thông tin về các bước cụ thể có đang được thực hiện hay không, nhưng có những câu hỏi về cách các bộ này huy động chuyên môn hạt nhân và năng lực công nghiệp tại địa phương.
Từ lâu đã có sự hoài nghi về tính khả thi của các công nghệ lò phản ứng muối nóng chảy thorium trong các nhà khoa học hạt nhân tại Cơ quan Năng lượng Hạt nhân Quốc gia Indonesia (Badan Tenaga Nuklir Nasional - BATAN).
Theo các nhà khoa học BATAN, một lò phản ứng muối nóng chảy thorium thương mại chỉ có thể được đưa vào hoạt động sau năm 2040 mặc dù nó lợi thế là có độ an toàn cao và cấu tạo tương đối đơn giản, và rẻ tiền.
Tuy vậy, tháng 7/2020, Bộ Quốc phòng đã ký một thỏa thuận với công ty hạt nhân ThorCon International có trụ sở tại Mỹ hợp tác nghiên cứu và phát triển một lò phản ứng muối nóng chảy thorium cỡ nhỏ.
Ban đầu, vào tháng 3/2019, ThorCon đã đưa ra một đề xuất đầy tham vọng là đầu tư 1,2 tỷ USD để phát triển nhà máy điện hạt nhân nổi 500 megawatt lớn hơn ở Indonesia vào năm 2027.
Để đạt được mục tiêu này, ThorCon đã hợp tác với các doanh nghiệp nhà nước chủ chốt như công ty đóng tàu PT PAL Indonesia, nhà cung cấp điện PT PLN và nhà khai thác thiếc PT Timah thông qua một loạt biên bản ghi nhớ (MOU) và các cam kết cấp cao.
Động lực quốc phòng khơi dậy mối quan tâm của Indonesia đối với hạt nhân?
BATAN và cộng đồng nghiên cứu hạt nhân rộng lớn hơn và cổ đông trong lĩnh vực công nghiệp ở Indonesia có thể tìm thấy trong động lực chính sách mới một cơ hội để đẩy nhanh việc ứng dụng năng lượng hạt nhân.
Những nỗ lực của họ nhằm thúc đẩy năng lượng hạt nhân trong những thập kỷ qua phần lớn đã không thành công do lo ngại về những rủi ro liên quan đến Vành đai lửa Thái Bình Dương (Pacific Ring of Fire) - khu vực dễ xảy ra động đất và núi lửa phun trào.