Sức mua ô tô giảm
Trong năm 2020, nhiều nhà sản xuất ô tô công bố khoản đầu tư lớn vào các dây chuyền lắp ráp ô tô và sản xuất linh kiện trong nước, bao gồm Ford, Huyndai, Mitsubishi. Điển hình như Ford Việt Nam đầu tư 82 triệu USD mở rộng nhà máy tại Hải Dương, nâng công suất nhà máy từ 14.000 xe/năm lên 40.000 xe/năm.
Các nhà sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô cũng mở rộng sản xuất trong năm nay như Fukurawa, Thành Công, Việt Hưng,...
Việc các nhà máy lắp ráp trong nước tăng quy mô đồng nghĩa với nhu cầu về phụ tùng ô tô và công nghiệp phụ trợ tăng, do đó tạo cơ hội mạnh mẽ để tăng tỷ lệ nội địa hóa ngành.
Hơn nữa, hoạt động sản xuất và lắp ráp ô tô không chịu ảnh hưởng đáng kể từ sự bùng phát dịch Covid-19 ngoại trừ việc gián đoạn nhỏ trong tháng 4/2020.
Theo VAMA, tổng doanh số bán ô tô trong năm 2020 đạt 375.850 chiếc, giảm 5,8% so với năm 2019.
Doanh số bán ô tô giảm mạnh nhất vào đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam (từ tháng 1 đến tháng 5/2020), cụ thể giảm 34% so với cùng kỳ năm trước, nhưng bắt đầu hồi phục nhanh từ tháng 6, thậm chí doanh số 6 tháng cuối năm còn vượt qua doanh số cùng kỳ năm trước.
Theo VAMA, với việc nắm giữ các thương hiệu như Mazda, Kia, Peugeot và đa dạng chủng loại sản phẩm (xe du lịch, xe thương mại, xe tải…) đã góp phần giúp Trường Hải (Thaco) tiếp tục dẫn đầu về doanh số bán hàng của VAMA trong tháng 12 và cả năm 2020.
Cụ thể, trong tháng 12, Thaco bán ra 15.869 xe ô tô các loại, tăng 79% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 16% so với năm 2020. Tính chung cả năm, Thaco bán ra 100.727 xe, tăng 10% so với năm 2019.
Mới đây, Ford Việt Nam công bố doanh số năm 2020 với tổng số lượng xe bán được trong cả năm đạt 24.660 xe. Trong đó, doanh số quý 4/2020 của Ford tăng 37% so với quý trước.
Ford Everest và Ranger đạt được doanh số tháng tốt nhất từ trước đến nay trong tháng 12/2020 với lần lượt là 1.088 và 2.221 xe bán ra.
Tính đến hết tháng 11/2020, thị phần xe trong nước tăng lên 65% (từ mức 62% trong năm 2019), trong khi thị phần xe nhập khẩu giảm còn 35%, cùng với sản lượng xe nhập khẩu giảm 24,3% so với cùng kỳ.
Năm 2021 giá tiếp tục giảm mạnh
Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu mua ô tô bị dồn nén tương đối lớn cùng với tâm lý tận dụng giai đoạn thị trường ô tô suy giảm để mua xe giá rẻ giúp lĩnh vực này phục hồi nhanh chóng, và đà hồi phục có thể tiếp tục trong năm 2021.
Ngoài ra, hầu hết người mua ô tô đều có thu nhập trung bình đến cao nên sức mua sẽ chịu ít ảnh hưởng hơn bởi đại dịch.
Theo ước tính của SSI Research, ngành ô tô sẽ tăng trưởng 16,3% trong năm 2021 về sản lượng tiêu thụ do nhu cầu mua ô tô tiếp tục duy trì ở mức cao.
Nhu cầu mua ô tô có thể tiếp tục tăng nhanh nhờ tăng nguồn cung ô tô trong nước, giảm thuế/phí và giảm giá ở nhiều mẫu ô tô.
So sánh với các quốc gia trong khu vực, mức thu nhập bình quân hiện nay của người Việt đang tiến rất gần tới điểm bùng nổ về nhu cầu mua ô tô. Ô tô sẽ sớm chuyển từ mặt hàng xa xỉ với chỉ 34 xe/1000 người vào năm 2020 (nguồn: Cục đăng kiểm Việt Nam) trở thành mặt hàng tiêu dùng phổ biến với tỷ lệ sở hữu xe cao như các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, việc có thêm nhiều nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô mới ước tính hoàn thành vào giai đoạn 2022 –2023, thị trường ô tô sẽ cực kỳ sôi động và các nhà sản xuất có thể cho ra nhiều chính sách chiết khấu và giảm giá mạnh mẽ để thúc đẩy nhu cầu thị trường bắt kịp nguồn cung mới.
Tuy nhiên, Việt Nam đang thiếu các ngành công nghiệp phụ trợ cần thiết cho sản xuất ô tô như phụ tùng ô tô, chất bán dẫn, động cơ ô tô, ... Do đó, ngành công nghiệp sản xuất ô tô vẫn đang phát triển với tốc độ chậm.
So với các nước trong khu vực, Thái Lan và Indonesia có thị trường phụ tùng ô tô phát triển, do đó ngành ô tô Việt Nam vẫn kém hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.