Phản ứng với thông tin giá dầu thô WTI (dầu ngọt nhẹ Tây Texas, Mỹ) giao tháng 5/2020 rơi xuống mức -37,63 USD/thùng, nhiều cán bộ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) không giấu được nỗi buồn.
PVN là đơn vị chủ lực của ngành dầu khí nhưng một thời gian dài đang rơi vào cảnh khó khăn. Nhiều đơn vị của PVN có nguy cơ mất cân đối, thua lỗ khi giá dầu thô lao dốc
Trước đó, năm 2020, PVN đưa ra giá kế hoạch giá dầu 60 USD/thùng, doanh thu bán dầu thô là 4,668 tỷ USD. Giá dầu thô về âm, ngoài việc không có doanh thu, PVN còn phải bù lỗ cho chi phí sản xuất, duy trì vận hành các mỏ đang khai thác.
Hệ lụy từ việc giảm này sẽ tác động nặng nề không chỉ đối với PVN mà các địa phương liên quan. Như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nguồn thu từ dầu thô chiếm tới 46% tổng thu ngân sách 2 tháng đầu năm 2020.
“Trước thực tế, giá dầu thô giảm, tập đoàn sẽ gia tăng dự trữ thông qua việc mua dầu thô, thậm chí là mua lại các mỏ khi giá dầu xuống thấp; tăng sở hữu tại các doanh nghiệp có tài sản tốt, hoạt động hiệu quả...”, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc PVN cho biết.
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cũng đánh giá, dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp làm cho sản xuất nhiều ngành gặp khó khăn, giao thông vận tải đình trệ là nguyên nhân khiến giá dầu giảm về mức âm.
“Ngành dầu khí phải xem xét lại kế hoạch tăng sản lượng dầu khí từ đầu năm, bởi trong bối cảnh giá dầu giảm như vậy thì tăng sản lượng sẽ bị lỗ nên những mỏ dầu nào có chi phí khai thác quá cao thì nên tạm thời dừng lại. Việc nhập trở lại dầu thô khi giá dầu thế giới giảm cũng cần được xem là một trong những giải pháp”, ông Long kiến nghị.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, dự toán ngân sách xây dựng trên cơ sở giá dầu thô là 60 USD/thùng. Tuy nhiên, số thu từ dầu thô hiện chỉ chiếm 3% tổng thu ngân sách (cách đây 5-7 năm thu ngân sách từ dầu thô ở mức 11%) nên việc giá dầu thô lao dốc sẽ tác động không nhiều tới thu ngân sách.
Khó giảm ngay
Theo các chuyên gia, xu hướng giảm giá chung của thế giới chắc chắn tới đây sẽ tác động đến giá bán lẻ xăng dầu trong nước theo chiều hướng giảm.
“Tuy nhiên, tác động này phụ thuộc nhiều yếu tố và chưa thể giảm ngay lập tức. Hiện nay, Việt Nam là nước khai thác và xuất khẩu dầu thô. Chỉ có một số nhà máy lọc dầu của Việt Nam nhập dầu thô để lọc, không có việc nhập dầu thô bán lẻ.
Bên cạnh đó, giá dầu thô WTI xuống mức âm chỉ xuất hiện ở một số giao dịch, giá xăng dầu thành phẩm tại hầu hết sàn vẫn ở mức 20-25 USD/ thùng. Ngoài ra, giá xăng dầu Việt Nam đang nhập về bán neo theo giá dầu Brent, không phải dầu WTI.
Vì vậy, việc giảm giá dầu thô về mức âm chưa thể lập tức kéo giảm giá bán xăng dầu trong nước”, một chuyên gia nhận định.
Hiện, Việt Nam nhập xăng dầu thành phẩm theo giá tham chiếu từ thị trường Singapore nên không chịu tác động nhiều từ diễn biến giá dầu tại Mỹ. Mức giá ngày 21/4 ở thị trường này ở ngưỡng 25 USD/ thùng.
Đồng thời, theo quy định của Liên bộ Tài chính - Công Thương, giá bán lẻ xăng dầu được điều hành theo Nghị định 83 với cơ chế tính giá cơ sở bình quân theo 15 ngày.
Tỷ lệ thuế, phí chiếm trên 60% trong cơ cấu giá bán lẻ, đáng kể nhất là thuế bảo vệ môi trường 3.800 đồng một lít với xăng E5 RON92 và 4.000 đồng với RON95.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã có 7 lần giảm giá liên tiếp với mức giảm hơn 5.000 đồng/lít. Hiện nay, giá bán xăng E5 RON 92 ở mức 11.900 đồng/lít; dầu DO 0,05S ở mức 10.820 đồng/lít.