Đó là nhận định của các doanh nghiệp, chuyên gia khi trao đổi với VTC News sáng 8/10.
Khách hàng nói gì?
Giá vé máy bay đang tăng mạnh, nhất là các chặng Hà Nội/TP.HCM đến các điểm du lịch như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Lạt, Đà Nẵng...vào kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn.
Khảo sát của VTC News sáng 8/10 cho thấy, giá vé máy bay khứ hồi Tết Nguyên đán 2024 trên một số chặng bay được bán với mức 3,7 – 6 triệu đồng/vé tùy hãng, thời điểm bay và ngày bay (đã gồm thuế, phí).
Cá biệt, những chặng chặng bay như Hà Nội – Phú Quốc giá cao ngất ngưởng, dao động từ 6 triệu đồng đến hơn 8 triệu đồng/vé khứ hồi, cao gấp 3 lần so với ngày thường và cao hơn 2 triệu đồng so với cùng thời điểm Tết năm ngoái.
Giá vé máy bay cao ngất ngưởng không chỉ khiến hàng nghìn công nhân, người lao động phải đắn đo khi đặt vé về quê ăn Tết mà khiến nhiều khách du lịch vốn là người được coi là “chịu chơi, chịu chi” cũng phải băn khoăn, đắn đo trước khi click đặt vé mua trên trang web của các hãng cũng như của đại lý hoặc “xuống tiền” đặt vé tại các đại lý truyền thống.
Nếu không có phương án kinh doanh phù hợp, cả ngành du lịch và hàng không Việt sẽ thua trắng trên sân nhà. (Ảnh minh hoạ: Cục hàng không Việt Nam)
Anh Nguyễn Văn Mừng (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, khi khảo sát giá vé về quê dịp Tết, anh thấy giật mình bất ngờ. Theo anh, giá vé máy bay cao, anh sẽ chọn đi xe khách hay thuê xe về quê hoặc đi chơi các tỉnh cho tiết kiệm trong lúc kinh tế còn khó khăn.
So với các chặng bay quốc tế, tour du lịch nước ngoài, các hãng hàng không bán cho người Việt dịp lễ Tết với giá quá cao sẽ khiến du lịch Việt Nam giảm đi độ hấp dẫn trong tình hình cạnh tranh giữa các điểm đến quốc tế ngày càng tăng.
“Nếu lựa chọn thay vì về quê thăm gia đình dịp Tết thì cho gia đình đi nước ngoài tốt hơn. Mong các hãng hàng không hãy nhìn lại phương án kinh doanh trong tình hình khó khăn hiện nay nếu không muốn cảnh ế ẩm xảy ra.
Dù vào cao điểm kinh doanh và là “cơ hội” để các hãng tăng nguồn thu, bù đắp các khoản chi phí nhưng cũng có chừng mực, phù hợp với điều kiện thực tế của người tiêu dùng, anh Mừng nêu quan điểm.
Ông Phạm Minh Khải - Giám đốc doanh nghiệp chuyên lắp đặt thiết bị phòng cháy chữa cháy (quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết, ông có cảm giác các hãng bay Việt Nam đang nhắm vào khách giàu, coi khách hàng như con “con gà để thoải mái làm thịt”.
Nhiều khách hàng cho rằng, giá vé máy bay dịp Tết quá cao, các hãng cần có sự điều chỉnh giá cho phù hợp.
“Thiết nghĩ đã kinh doanh cần lấy chiến lược lâu dài với khách hàng. Yếu tố hài lòng của khách phải được đặt lên hàng đầu. Về lâu dài, không ai cứu các hãng bằng chính sự thay đổi tích cực của các hãng.
Nếu không tìm được sự vừa ý từ các hãng bay, khách hàng có thể chuyển sang sử dụng các phương tiện giao thông khác như xe cá nhân, thuê xe dịch vụ hoặc đi tàu hoả…”, anh Khải bộc bạch.
Cứu “bàn thua” bằng cách nào?
Trả lời VTC News, ông Trần Thế Dũng - Tổng giám đốc Công ty lữ hành Vietluxtour cho biết, năm nào cũng vậy, giá vé máy bay dịp Tết cao hơn so với bình thường bởi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao.
Tuy nhiên, nếu giá vé cao quá sẽ dẫn đến nhiều điểm đến nổi tiếng của Việt Nam rơi vào cảnh ế ẩm. Giá vé cao ngất ngưởng khiến du khách không dám đi chơi, hoặc có đi thì đổi địa điểm gần, chọn phương tiện khác như tàu hỏa, thuê xe hoặc sử dụng xe cá nhân...
Ông Dũng nhận định, nếu giá vé trong nước cao quá, nhiều du khách sẽ lựa chọn chuyển hướng du lịch trong nước sang các nước lân cận như Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Malaysia.. với mức giá cao hơn trong nước không đáng kể.
Giá tour trọn gói chỉ 8-10 triệu đồng, bay hàng không 4-5 sao, hành trình 4 ngày với điểm tham quan lý thú, khách sạn trung tâm, ăn uống tốt, dịch vụ chuyên nghiệp.
“Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh của các hãng hàng không, mà còn ảnh hưởng đển các công ty du lịch lữ hành, dù các công ty du lịch lữ hành đã có kế hoạch đặt vé máy bay trước cả nửa năm trời”, ông Dũng cho biết.
Theo nhận định của các chuyên gia, tình trạng giá vé máy bay nội địa tăng cao trong dịp Tết là điều đáng lưu ý, không chỉ ảnh hưởng đến kế hoạch du lịch của người dân, mà còn ảnh hưởng đến ngành hàng không và ngành du lịch Việt.
Chặng bay Hà Nội - Phú Quốc thường có giá cao nhất vào các dịp Lễ, Tết.
Trả lời VTC News sáng 8/10, PGS - TS, chuyên gia hàng không Nguyễn Thiện Tống cho biết, giá vé máy bay nội địa tăng gấp 3-4 lần so với ngày thường trong dịp cao điểm Tết là điều không bất ngờ, bởi các hãng phải tính toán cân đối đường bay, vì vận tải nói chung, vận tải hàng không nói riêng dịp Tết chỉ đầy một chiều, chiều còn lại cơ bản là ghế trống.
Cùng với đó, các hãng hàng không đang thực hiện bán vé theo cơ chế thị trường và tuân thủ các quy định, đồng thời có sự cạnh tranh về giá vé giữa các hãng bay, đường bay.
"Nếu giá vé máy bay cao quá, chắc chắn người dân sẽ hạn chế đi du lịch, còn người về thăm thân cũng sẽ phải tính toán, thay đổi kế hoạch thay bằng việc về quê thì họ sẽ gửi quà biếu, gửi tiền.
Bên cạnh đó, giá vé nội địa quá cao, nhiều du khách chuyển sang lựa chọn các tour du lịch nước ngoài với chi phí tương đương hoặc thấp hơn. Điều này khiến ngành du lịch và cả ngành hàng không sẽ bị ảnh hưởng. Do vậy, chắc chắn các hãng sẽ có sự tính toán, điều chỉnh để tránh tình trạng ế ẩm", c huyên gia Nguyễn Thiện Tống nói.
Về vấn đề này, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, giá vé do các hãng đưa ra phụ thuộc vào chính sách của từng thời điểm và quy luật cung cầu của thị trường.
Giai đoạn đầu bao giờ các hãng cũng đưa ra giá cao tại một thời điểm nào đấy, vào khung giờ bay nào đấy để những ai có điều kiện và có lịch bắt buộc phải đi vào khung giờ và thời điểm đó. Các hãng kỳ vọng ở phân khúc đó bán được với giá cao, còn những khung giờ khác, ngày khác thì giá cũng sẽ khác.
Giá vé các hãng đưa ra hiện vẫn nằm trong khung giá trần quy định. Khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, chắc chắn các hãng sẽ tăng chuyến để khai thác tối đa lượng khách.
Tuy nhiên, chưa thể khẳng định giá cao như vậy có thể tồn tại được trong cả giai đoạn Tết, ở tất cả các chặng bay hay chỉ ở một thời điểm. Khi giá vé cao, không bán được thì các hãng bay phải tự điều chỉnh giá”, ông Thắng cho biết.
“Cục hàng không cũng theo dõi sát sao và yêu cầu các hãng bay cung cấp số liệu khách hàng booking. Khi lượng khách đạt 70% thì Cục yêu cầu các hãng nghiên cứu đề xuất tăng chuyến để khai thác và phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Khi chuyến tăng thêm, nguồn cung tăng thì giá vé cũng sẽ phải điều chỉnh theo thị trường. Cục không thể yêu cầu các hãng đưa ra một nguồn cung lớn kinh khủng, đến khi không thực hiện được thì rất lãng phí”, đại diện Cục hàng không khẳng định.