Giá vàng thế giới tiếp tục tăng mạnh lên mức cao nhất gần 1 tháng do USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm bởi kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể sớm kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ.
Với xu hướng này, giá vàng trong nước - đang tăng dựng đứng - có thể sẽ tiếp tục tăng mạnh, trong khi tỷ giá đồng Việt Nam so với USD sẽ có cơ hội giảm tiếp.
Giá vàng tăng 0,1% trong phiên 13/7, với vàng giao ngay kết thúc ở mức 1.958,79 USD/ounce trong khi vàng kỳ hạn tháng 8 chốt ở 1.963,80 USD, sau khi có lúc giá vọt lên mức cao nhất kể từ 16/6 là 1.968 USD. Trong suốt phiên này, giá luôn giữ ở mức trên 1.950 USD.
Dữ liệu hôm thứ Năm cho thấy giá sản xuất của Mỹ hầu như không tăng trong tháng 6, cung cấp thêm bằng chứng cho thấy nền kinh tế Mỹ đã bước vào giai đoạn giảm phát. Trước đó một ngày, dữ liệu khác cho thấy giá tiêu dùng tháng 6 tăng ít nhất trong vòng hơn 2 năm. Với những cơ sở đó, Fed không có lý do gì để tiếp tục tăng lãi suất lâu dài và mạnh mẽ.
Chỉ số đồng USD giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 1 năm khiến giá vàng trở nên hợp lý hơn đối với những khách hàng ở nước ngoài, trong khi lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ giảm càng khiến cho vàng trở nên hấp dẫn hơn.
Ngân hàng Commerzbank viết trong một báo cáo: "Thị trường đã giảm bớt kỳ vọng về đợt tăng lãi suất thứ hai. Cùng với sự điều chỉnh này, giá vàng đã phục hồi".
"Sau dữ liệu của ngày hôm qua, chúng tôi đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ trên thị trường vàng. Vàng có cơ hội tốt và nếu thêm chất xúc tác thì giá có thể trở về mốc 2.000 USD, dĩ nhiên là sau khi trải qua rất nhiều ngưỡng kháng cự khác nhau", Phillip Streible, giám đốc chiến lược thị trường của Blue Line Futures ở Chicago cho biết.
Trái với sự thăng hoa của vàng, đồng USD tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất mới kể từ tháng 4 năm 2022 bởi lãi suất tăng ít đồng nghĩa với lợi suất của đồng bạc xanh so với các đồng tiền cùng loại sẽ thu hẹp lại.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ 6 đồng tiền đối tác chủ chốt – đã phá ngưỡng 100 điểm, giảm xuống 99,767 điểm, mức đáy mới chưa từng thấy trong vòng 15 tháng trở lại đây. Với đà này, Dollar index sẽ kết thúc tuần này với mức giảm nhiều nhất trong năm 2023.
Đồng euro đạt mức cao nhất mới trong vòng 16 tháng so với USD, 1,1230 USD/EUR, tăng 1% so với phiên liền trước và là phiên tăng thứ 6 liên tiếp – chuỗi tăng dài nhất trong năm nay.
So với đồng franc Thụy Sĩ, đồng USD giảm xuống mức thấp nhất trong 8 năm là 0,8583 franc đổi 1 đô la.
Dữ liệu của Mỹ vào thứ Năm đã củng cố quan điểm rằng lạm phát đang ở mức vừa phải. Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ tăng nhẹ 0,1% trong tháng 6 so với tháng 5, với mức tăng hàng năm cũng là 0,1%, mức tăng hàng năm nhỏ nhất trong gần 3 năm.
Dữ liệu PPI theo sau báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) công bố hôm thứ Tư, cho thấy lạm phát lõi của Mỹ giảm tốc nhanh hơn rất nhiều so với dự kiến. CPI hàng tháng trong tháng 6 tăng 0,2% so với kỳ vọng của thị trường là 0,3%, trong khi CPI hàng năm giảm xuống 3%.
Brad Bechtel, trưởng bộ phận ngoại hối toàn cầu của Jefferies ở New York, cho biết: "Tôi hiểu khá rõ lý do tại sao đồng đô la giảm giá và việc đồng đô la giảm giá là điều khá hấp dẫn dựa trên dữ liệu mà chúng ta đã thấy. Trong ngắn hạn, chúng ta sẽ thấy đồng đô la yếu thêm một chút nữa". Nhưng ông lưu ý rằng đồng đô la sẽ tìm thấy sự hỗ trợ bằng cách nào đó bởi vì nền kinh tế Mỹ vẫn đang vượt trội so với phần còn lại của thế giới.
"Nền kinh tế Mỹ đang duy trì sức mạnh rất tốt. Chúng ta đang nói về hạ cánh mềm, thay vì hạ cánh cứng. Dữ liệu tiếp tục thể hiện tốt. Vì vậy, có rất nhiều điều sẽ xảy ra với nền kinh tế Mỹ vào lúc này và Fed vẫn sẽ tiếp tục chuỗi tăng lãi suất vào tháng 7."
So với đồng yên, đồng đô la giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tuần là 138,06 JPY/USD.
Dữ liệu cũng cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 8 tháng 7 bất ngờ giảm 12.000 đơn xuống còn 237.000 đơn (dữ liệu được điều chỉnh theo mùa). Điều này hầu như không được những người tham gia thị trường nhắc đến do họ tập trung vào dữ liệu lạm phát, nhưng thị trường lao động như vậy cũng cho thấy vẫn duy trì tình trạng thắt chặt.
Dù vậy, việc đồng đô la có giảm một chiều trong phần còn lại của năm hay không vẫn còn phải xem xét.
Ugo Lancioni, trưởng bộ phận quản lý tiền tệ và quản lý danh mục đầu tư của Neuberger Berman tại Milan, cho biết: "Thật khó để quá tiêu cực về đồng đô la vì nền kinh tế Mỹ vẫn hoạt động tốt. Nền kinh tế châu Âu đã hoạt động khá tốt vào năm ngoái và vào đầu năm nay so với kỳ vọng".
"Nhưng chúng tôi thực sự đã thấy một số dữ liệu của châu Âu suy giảm. Và do đó, xu hướng (đi xuống) của đồng USD không phải là một đường thẳng."
Đồng bảng Anh tăng 0,8% lên 1,3140 USD, mức cao nhất mới trong vòng 15 tháng, cũng là phiên tăng thứ 6 liên tiếp.
Dữ liệu vào thứ Năm cho thấy nền kinh tế của Anh trong tháng Năm, đã suy giảm ít hơn dự kiến, củng cố quan điểm Ngân hàng Trung ương Anh có đủ khả năng để tăng lãi suất hơn nữa mà không làm giảm tốc độ tăng trưởng.
Bảng Anh tăng giá mạnh.
Về tiền điện tử, mã thông báo XRP đã tăng giá trị lên mức cao nhất kể từ tháng 12 năm 2021, sau khi một thẩm phán Mỹ phán quyết rằng Ripple Labs Inc không vi phạm luật chứng khoán liên bang khi bán tiền kỹ thuật số này trên các sàn giao dịch công khai. Kết thúc phiên, XRP tăng 75% lên 0,8552 USD.
Tỷ giá các tiền tệ chủ chốt hôm nay 14/7:
Tham khảo: Refinitiv