Cập nhật chiều 29/5, đến 15h30, giá vàng SJC bất ngờ quay đầu giảm khá mạnh sau khi tăng liên tiếp 3 ngày qua. Giá vàng nhẫn cũng điều chỉnh nhẹ.
Tại Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng SJC giảm 300 nghìn đồng/lượng so với sáng nay xuống còn 88,6-90,6 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn trơn giảm khoảng 100 nghìn đồng/lượng xuống 75,0-76,65 triệu đồng/lượng.
DOJI cũng giảm 300 nghìn đồng/lượng đối với vàng miếng SJC xuống 88,6-90,2 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn trơn giảm 250 nghìn đồng/lượng xuống 75,35-76,75 triệu đồng/lượng.
Tương tự, Bảo Tín Minh Châu điều chỉnh giá vàng miếng SJC xuống 88,8-90,3 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn là 75,4-76,8 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng cũng giảm hơn 10 USD/ounce so với sáng nay xuống 2.345 USD/ounce.
Cuối buổi sáng hôm nay, Ngân hàng Nhà nước đã bất ngờ thông tin về phương án mới để bình ổn thị trường vàng. Cụ thể, ngay trong thứ Hai tới – ngày 03/6/2024, NHNN sẽ thực hiện bán vàng trực tiếp cho 04 NHTMNN (Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV) theo mức giá do NHNN xác định căn cứ theo giá thế giới. Các ngân hàng này với mạng lưới rộng khắp của mình đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để tổ chức bán vàng trực tiếp tới người dân có nhu cầu.
Trước đó, NHNN đã thông báo sẽ dừng đấu thầu vàng miếng sau 9 phiên đấu thầu cung ứng ra thị trường 48.500 lượng vàng SJC, tương đương 1,8 tấn vàng. Chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới vẫn ở mức cao cho thấy bên cạnh các yếu tố mang tính thị trường như quan hệ cung-cầu, không loại trừ khả năng có các hành vi phạm pháp, thao túng, làm giá, gây mất ổn định thị trường vàng.
------------------------------------
Sáng ngày 29/5, giá vàng SJC tiếp tục tăng thêm khoảng 400-500 nghìn đồng/lượng so với hôm qua. Trước đó trong 2 ngày 27-28/5, giá vàng miếng cũng đã tăng 1 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, lúc 9h30 tại Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 88,9-90,9 triệu đồng/lượng. Các doanh nghiệp khác niêm yết ở mức thấp hơn, trong đó DOJI, PNJ, Bảo Tín Minh Châu đều áp mức 88,9-90,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn đang có xu hướng đi ngang trong vài ngày gần đây do giá vàng thế giới cũng ít biến động. Chẳng hạn, SJC không thay đổi giá vàng nhẫn 9999, vẫn ở mức 75,0-76,6 triệu đồng/lượng. DOJI niêm yết 75,5-76,9 triệu đồng/lượng. PNJ áp dụng mức 75,0-76,7 triệu đồng/lượng trong khi Bảo Tín Minh Châu là 75,5-76,9 triệu đồng/lượng.
Hiện giá vàng SJC còn cách đỉnh lịch sử 92,5 triệu đồng/lượng khoảng 1,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn cũng phải tăng thêm khoảng 1 triệu đồng/lượng nữa mới trở lại mức kỷ lục.
Thị trường trong nước vẫn đang chờ đợi biện pháp mới của Ngân hàng Nhà nước trong mục tiêu bình ổn thị trường vàng. Hôm thứ Hai (27/5), nhà điều hành cho biết nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ điều chỉnh phương án bình ổn thị trường vàng. Theo đó, NHNN dừng đấu thầu bán vàng miếng và sẽ triển khai phương án bình ổn thay thế trong thời gian sớm nhất, dự kiến bắt đầu từ ngày 03/6/2024.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay hiện ở mức 2.358 USD/ounce, tương đương với khoảng 72,5 triệu đồng/lượng khi quy đổi theo tỷ giá VND/USD hiện hành. Giá vàng tương lai phục hồi khá mạnh mẽ, giá vàng tháng 8 lên 2.385 USD/ounce. Một số nhà phân tích cho rằng sự phục hồi của kim loại quý là do đồng đô la yếu đi và lãi suất trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ giảm, bên cạnh yếu tố quan trọng nhất là ảnh hưởng địa chính trị và kinh tế vĩ mô. Các cuộc xung đột quân sự đang diễn ra ở Trung Đông và chiến tranh Nga-Ukraine tiếp tục gây ra bất ổn địa chính trị, củng cố sức hấp dẫn của vàng với vai trò là tài sản trú ẩn an toàn. Ngoài ra, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã tăng đều đặn lượng vàng nắm giữ trong hai năm qua, trong đó Ngân hàng Trung ương Trung Quốc là một trong những quốc gia mua tích cực nhất.