Giá vàng nhẫn tăng mạnh nhưng lãi vẫn không "thấm" bằng gửi tiết kiệm ngân hàng

Minh Vy |

Mặc dù vàng 24k tăng mạnh nhưng do chênh lệch giữa giá mua và giá bán khoảng 1-1,3 triệu đồng/lượng khiến nhà đầu tư khó có lãi hoặc lãi rất thấp trong thời gian qua.

Giá vàng nhẫn tăng mạnh nhưng lãi vẫn không thấm bằng gửi tiết kiệm ngân hàng - Ảnh 1.

Trong các phiên gần đây, giá vàng nhẫn biến động mạnh và đảo chiều liên tục tới 300-500 nghìn đồng/lượng mỗi phiên. Phiên 22/3, giá vàng nhẫn lại quay đầu giảm so với phiên trước và tuột mốc 57 triệu đồng/lượng.

Tại Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, giá vàng nhẫn 24k giảm 300 nghìn đồng/lượng xuống còn 55,9-56,95 triệu đồng/lượng. Tương tự, giá vàng nhẫn tròn trơn tại tập đoàn DOJI giảm xuống 55,85-56,80 triệu đồng/lượng.

Trước đó, 2 phiên giao dịch cuối tuần trước, giá vàng nhẫn có cú đảo chiều mạnh, bất ngờ giảm nửa triệu đồng/lượng trong phiên 19/5 rồi tăng trở lại như cũ phiên 20/5.

Từ đầu năm đến nay, giá vàng nhẫn tròn trơn đã tăng giá khoảng 4,7%. Trong khi đó, giá vàng SJC ít biến động, neo quanh mốc 67 triệu đồng/lượng.

Mặc dù vàng 24k tăng mạnh nhưng do chênh lệch giữa giá mua và giá bán vẫn khá lớn khoảng 1-1,3 triệu đồng/lượng nên nhà đầu tư khó có lãi hoặc lãi rất thấp trong thời gian qua. Chẳng hạn, nếu mua vàng nhẫn từ đầu năm nay (với giá khoảng 54,5 triệu đồng/lượng) thì hiện tại bán ra – tức sau gần nửa năm chốt lời chỉ có lãi khoảng 1,5 triệu đồng/lượng, tức mới chỉ có lãi 2,7%, còn thấp hơn so với lãi suất ngân hàng. Lãi suất tiết kiệm ngân hàng có lúc tăng lên 8-10%/năm hồi đầu năm, tương đương với 4-5%/6 tháng. Hiện lãi suất tiền gửi đã có phần hạ nhiệt, nhưng vẫn hấp dẫn với 7-9%/năm, tương đương 3,5-4,5%/6 tháng.

Dù vậy, đối với nhiều người, vàng vẫn là một tài sản tích trữ quan trọng trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn và lạm phát tiềm ẩn. Trên thị trường quốc tế, lo ngại lạm phát và suy thoái kinh tế cùng những rủi ro như địa chính trị, khủng hoảng ngân hàng đã khiến giá vàng tăng cao thời gian qua. Giá vàng thế giới đã có thời điểm tăng mạnh lên trên 2.050 USD/ounce trong tháng 5, cao nhất trong hơn 1 năm qua.

Trong nước, nhiều người dân có xu hướng tích trữ vàng nhẫn 24k nhiều hơn thay vì vàng SJC. Theo các chuyên gia, có 2 lý do dẫn đến xu hướng này. Một là họ tranh thủ tích trữ khi giá vàng nhẫn ở mức thấp, rẻ hơn rất nhiều so với vàng SJC. Hai là giá vàng miếng SJC đã lên quá cao, dẫn đến nhiều rủi ro khi thị trường biến động mạnh, đặc biệt là nếu trong tương lai chính sách về vàng SJC có thay đổi.

Hiện nay, cùng tuổi vàng 9999, nhưng giá vàng miếng SJC trong nước vẫn cao hơn rất nhiều so với giá nhẫn tròn trơn của các doanh nghiệp vàng. Dù giá vàng thế giới tăng mạnh thời gian qua, giá vàng SJC vẫn ít biến động, chỉ loanh quanh 67 triệu đồng/lượng suốt từ đầu năm đến nay.

Vàng nhẫn cũng được ưa chuộng vì bám sát giá vàng quốc tế. Giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá tại ngân hàng đang tương đương với 56,5 triệu đồng/lượng, xấp xỉ với giá vàng nhẫn trong nước (56-67 triệu đồng/lượng).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại