Theo vị chuyên gia này, NĐT cần cẩn trọng trong bối cảnh giá vàng biến động như hiện nay, nên đa dạng hóa tài sản như gửi tiết kiệm, đầu tư chứng khoán, bất động sản... thay vì xem vàng là kênh đầu tư bền vững.
Nguyên nhân giá vàng thế giới và giá vàng Việt Nam tăng mạnh trong thời gian qua, đặc biệt vào ngày 24/2 gần đạt mốc 50 triệu đồng/ lượng là do dịch Covid-19 lây lan với tốc độ nhanh trên toàn cầu. Đặc biệt, các nền kinh tế lớn như: Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu cũng đang bị tác động bởi dịch bệnh.
Dịch cúm ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường hàng hóa, chứng khoánvà hoạt động của các doanh nghiệp, qua đó làm tăng nhu cầu đầu tư trú ẩn an toàn như vàng. Vàng hưởng lợi nhiều từ những thông tin tiêu cực hiện nay.
Tuy nhiên, sau đó một ngày, giá vàng lại bất ngờ giảm giá. Theo TS Bùi Quang Tín, lý do là một số quỹ đầu tư lớn trên thế giới chốt lời, bên cạnh đó, với tác động tiêu cực của nền kinh tế thế giới, nhiều khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - FED sẽ hạ lãi suấtcơ bản. Khi FED hạ lãi suất sẽ tạo điều kiện, tác động tiêu cực lên giá vàng làm giá vàng giảm lại. Đây được xem là việc nới lỏng chính sách tiền tệ của Mỹ.
Từ đó, niềm tin của NĐTtrở lại, thị trường chứng khoán trở lại dù sự trì trệ của nền kinh tế thế giới có thể kéo dài đến cuối năm 2020. Lúc đó, vàng sẽ không là kênh đầu tư an toàn nữa. Khi đó, người ta sẽ tiếp tục quay lại đầu tư vào thị trường chứng khoán, tiếp tục vay vốn chờ đợi FED giảm lãi suất để mở rộng hoạt động kinh doanh.
Những ngày qua giá vàng liên tục biến động lên, xuống
“Giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2020 nhưng việc đầu cơ, nắm giữ để chờ giá lên là vấn đề rất rủi ro vì giá vàng biến động rất bất thường”, TS Bùi Quang Tín nhận định.
Thực tế, thời gian qua, có tới hơn 95% nhà đầu tư, kể cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư, chịu thua lỗ, như giai đoạn 2011 – 2012 lỗ tới hàng trăm tỷ đồng, thậm chí là hàng nghìn tỷ đồng. Vì thế, theo vị chuyên gia này, nên đa dạng hóa tài sản như gửi tiết kiệm, đầu tư kinh doanh, đầu tư chứng khoán, bất động sản...
Bởi xét về trung và dài hạn, giá vàng vẫn có thể tăng nhưng nếu nhà đầu tư mua vàng trong vài tháng để "lướt sóng" thì rất rủi ro.
Tiếp nối đà sụt giảm ngày hôm qua, hôm nay (26/2) giá vàng tiếp tục đi xuống do áp lực chốt lời của nhà đầu tư.Tại phiên giao dịch lúc 8h30 sáng 26/2, giá vàng trong nước tiếp tục đà giảm mạnh, giảm vài trăm nghìn đồng/lượng so với chốt phiên giao dịch chiều 25/2.
Cụ thể, SJC Hà Nội niêm yết ở mức 46,00 - 47,00 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 500.000 đồng chiều mua vào và giảm 400.000 đồng chiều bán ra.
Tại Doji Sài Gòn niêm yết giá vàng ở mức 46,10 - 46,80 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm khoảng 500.000 đồng/lượng mỗi chiều so với chốt phiên ngày 25/2.
Tương tự, tại Phú Quý SJC niêm yết giá vàng ở mức 46,00 - 47,00 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), chưa có sự điều chỉnh về giá.
Như vậy, sau khi tăng "điên loạn" vào ngày 24/2 thì từ 25/2 giá vàng đã quay đầu giảm.
Theo các chuyên gia, giá vàng có xu hướng sụt giảm do các nhà đầu tư bán ra chốt lời tuy nhiên mức giá 1.637 USD/ounce vẫn là con số rất cao trong suốt 7 năm qua. Vàng treo giá ở mức cao là do tâm lý lo ngại dịch COVID-19 bùng phát bên ngoài Trung Quốc tác động đến tâm lý tích trữ của giới đầu tư, khi lo ngại về sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu. Nhiều người dự đoán, giá vàng sẽ vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới.