Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, những năm qua, tổng chi phí tiền thuốc chữa bệnh từ Quỹ Bảo hiểm y tế vẫn ở mức cao. Năm 2015 là hơn 26.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 48,3%. Năm 2016 là hơn 31.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 41%, cao hơn so với các quốc gia có điều kiện kinh tế tương đồng với Việt Nam.
Nguyên nhân là do việc đấu thầu thuốc vẫn thực hiện riêng lẻ tại từng tỉnh, thành phố và từng bệnh viện dẫn đến giá trúng thầu khác nhau, một số mặt hàng có giá trúng thầu cao.
Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia trực thuộc Bộ Y tế được thành lập ngày 30/12/2016 và trong lần đầu tiên triển khai, Trung tâm đã tổ chức đấu thầu tập trung cấp quốc gia với 5 hoạt chất (22 mặt hàng thuốc, bao gồm 5 thuốc biệt dược và 17 thuốc generic) để cung cấp cho các cơ sở y tế trên toàn quốc trong 2 năm 2018 - 2019.
Tổng giá kế hoạch của các gói thầu là 2.746 tỷ đồng, giá trúng thầu là 2.269 tỷ đồng, như vậy đã tiết kiệm được trên 477 tỷ đồng (giảm được khoảng 17% so với giá kế hoạch).
TS Nguyễn Thị Ngọc Bảo - Phó giám đốc Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia cho biết, trong số tiền 477 tỷ tiết kiệm được, riêng thuốc biệt dược đã tiết kiệm được trên 114 tỷ đồng (giảm 6,9%) so với giá kế hoạch đấu thầu.
“Đây là thành quả rất lớn bởi trong gói biệt dược, rất khó để đưa ra giá kế hoạch do giá trúng thầu gần như chính xác đến tiền đồng”, TS Bảo nhận định.
Theo Thứ trưởng Tuấn, dựa vào tính toán, nhiều thuốc điều trị cho bệnh nhân ung thư giảm trung bình 17%-33% nhờ triển khai đấu thầu thuốc quốc gia, đồng thời khẳng định chất lượng đi đôi với giá cả.
"Chất lượng thuốc là yếu tố quan trọng cho điều trị nên giá thuốc đấu thầu giảm nhưng chất lượng vẫn phải được đảm bảo.
Trong quá trình thực hiện, các sở y tế, đặc biệt là giám đốc các bệnh viện chủ động giám sát về chất lượng thuốc cũng như các vướng mắc nếu có, kịp thời thông báo về Bộ Y tế để khắc phục", ông Tuấn nhấn mạnh.