Giả thiết và sự thật về "giấc mơ ướt" của nam giới

Khắc Nam |

Giấc mơ ướt hay mộng tinh là một thuật ngữ y khoa nói về hiện tượng xuất tinh khi ngủ ở nam giới. Thực tế, giấc mơ ướt có thể ảnh hưởng đến cả nam và nữ nhưng thiên về nam giới tuổi dậy thì.

Giấc mơ ướt xảy ra khi một người vô tình đạt cực khoái khi đang ngủ mơ. Sở dĩ được gọi là "giấc mơ ướt" vì khi người trong cuộc thức dậy với quần hoặc ga trải giường bị ướt. Điều này là do tinh dịch, chất lỏng chứa tinh trùng, được giải phóng trong quá trình xuất tinh.

Giấc mơ ướt không phải do thủ dâm khi ngủ mà xảy ra trong điều kiện không có bất kỳ sự kích thích vật lý nào. Nghiên cứu đã phát hiện thấy, trung bình 8% giấc mơ có nội dung tình dục. Trong cùng một nghiên cứu, cả nam và nữ đều cho biết, họ đạt cực khoái trong khoảng 4% những giấc mơ kiểu này.

Giấc mơ ướt thường bắt đầu ở tuổi dậy thì, khi cơ thể bắt đầu sản xuất nhiều loại hormone có tên testosterone. Khi thấy hiện tượng này, nhiều người trẻ tuổi cảm thấy xấu hổ hoặc tội lỗi nhưng đây là một hiện tượng bình thường của quá trình trưởng thành. Tuổi càng cao, tần suất giấc mơ ướt sẽ giảm dần. Dưới đây là những câu hỏi thường gặp về hiện tượng này:

1. Giấc mơ ướt làm giảm số lượng tinh trùng?

Một số người tin rằng, mộng tinh sẽ làm giảm số lượng tinh trùng. Thực chất, đây là cách để tinh hoàn loại bỏ tinh trùng cũ và thay tinh trùng mới, theo cơ chế tự nhiên vốn có của cơ thể.

2. Phụ nữ cũng có giấc mơ ướt?

Đúng. Giấc mơ ướt ở phụ nữ có thể dẫn đến cực khoái cũng như tiết ra nhiều chất tiết âm đạo do bị kích thích. Sở dĩ giấc mơ ướt xảy ra nhiều ở đàn ông khi trẻ tuổi là vì lượng testosterone ở nam giới dồi dào hơn nên dễ cương cứng nhiều lần trong một đêm hơn.

3. Giấc mơ ướt làm giảm khả năng miễn dịch của con người?

Một số người tin rằng, giấc mơ ướt có thể khiến người ta suy giảm khả năng miễn dịch, thậm chí nó còn tệ hơn cả cảm lạnh hoặc nhiễm trùng. Đây là ngộ nhận không có cơ sở. Thực tế, giấc mơ ướt có thể giúp giảm lượng tinh trùng dư thừa trong tinh hoàn, chức năng lành mạnh đối với hệ thống sinh sản của nam giới.

4. Giấc mơ ướt chỉ xảy ra ở tuổi dậy thì?

Giấc mơ ướt phổ biến hơn ở tuổi dậy thì do thay đổi nội tiết tố nhưng chúng cũng có thể xảy ra ở tuổi trưởng thành. Mức độ hormone ở người lớn ổn định hơn nhiều, khiến họ ít có khả năng gặp phải giấc mơ ướt. Giấc mơ ướt có xu hướng xảy ra thường xuyên ở tuổi dậy thì vì ở độ tuổi này, nhiều người chưa biết cách hoặc ít thủ dâm, quan hệ tình dục, do đó tinh trùng trưởng thành "buộc" phải thoát ra theo cách này.

5. Giấc mơ ướt là dấu hiệu của bệnh tật?

Sẽ là sai lầm khi cho rằng, giấc mơ ướt là kết quả của một dạng bệnh về yếu sinh lý. Thực tế, đây là dấu hiệu của chức năng tình dục lành mạnh.

6. Thủ dâm không ngăn được giấc mơ ướt?

Mặc dù thủ dâm có thể làm giảm số lần mộng tinh mà một người trải qua nhưng điều đó không đảm bảo hạn chế 100% giấc mơ ướt. Vẫn còn thiếu bằng chứng liên quan đến thủ dâm và mộng tinh nhưng một người có thể thử nghiệm để xem liệu nó có giúp ích gì cho tình huống của bản thân hay không, sau đó so sánh để biết kết quả.

7. Giấc mơ ướt làm cho dương vật co lại?

Một số người tin rằng, giấc mơ ướt làm giảm kích thước dương vật. Đến nay, không có bằng chứng khoa học nào chứng minh điều đó. Không có bệnh tật, tình trạng hoặc hiện tượng tự nhiên nào có thể khiến cơ quan sinh sản này của nam giới bị teo lại.

8. Vì sao giấc mơ ướt lại xảy ra ở người này nhưng người khác thì không?

Giấc mơ ướt là hiện tượng tự nhiên xảy ra ở cả nam và nữ. Mức độ xảy ra giấc mơ ướt ở mỗi cá nhân là khác nhau. Lý do chính xác của hiện tượng này khoa học hiện vẫn chưa hiểu hết, có thể là do "cơ địa" của từng người.

9. Giấc mơ ướt có phải là giấc mơ khiêu dâm?

Giấc mơ đôi khi gắn liền với những hoạt động tình dục hoặc khiêu dâm nhưng giấc mơ ướt không hẳn là như vậy. Một người có thể có giấc mơ ướt mà không mơ về hoạt động tình dục và có thể bị kích thích do ma sát với ga trải giường hoặc các yếu tố khác.

10. Nằm sấp có thể làm tăng giấc mơ ướt?

Một nghiên cứu cho thấy, ngủ sấp khiến người ta có nhiều khả năng trải qua giấc mơ ướt hơn. Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu về vấn đề này mới có thể khẳng định.

Nguồn: KHO/MNC

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại