Ngày 22/7, nhiều doanh nghiệp thông báo hạ giá sản phẩm. Đây là lần thứ 10, giá thép giảm trong kể từ ngày 11/5.
Tại khu vực miền Bắc, Hòa Phát điều chỉnh giảm 300.000 đồng/tấn và 110.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá hai loại này còn 15,69 triệu đồng/tấn và 16,39 triệu đồng/tấn.
Diễn biến giá thép Hòa Phát trong 7 tháng đầu năm 2022.
Với thép Việt Ý, CB240 và D10 CB300 giảm lần lượt 360.000 đồng/tấn và 200.000 đồng/tấn xuống còn 15,55 triệu đồng/tấn và 16,16 triệu đồng/tấn.
Về thép Việt Đức, hai loại thép trên giảm lần lượt 310.000 đồng/tấn và 200.000 đồng/tấn còn 15,55 triệu đồng/tấn và 16,16 triệu đồng/tấn.
Với thép Kyoei, giá hôm nay là 15,5 triệu đồng/tấn và 16,16 triệu đồng/tấn đối với CB240 và D10 CB300 sau khi giảm 310.000 đồng/tấn và 200.000 đồng/tấn theo thứ tự.
Như vậy, trong 10 tuần, giá thép đã giảm 10 lần liên tiếp với tổng mức giảm cao nhất khoảng hơn 3,6 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu, loại thép và vùng miền.
Nguyên nhân giá thép trong nước quay đầu giảm mạnh sau thời gian tăng nóng được cho là giá phôi thép và nguyên vật liệu đầu vào có xu hướng đi xuống. Giá nguyên vật liệu trong sản xuất thép liên tục giảm từ cuối tháng 3 đến nay khiến thị trường thép chững lại.
Nhận định về diễn biến giá thép thời gian qua, VSA cho rằng, thị trường thép nửa cuối năm sẽ khó khăn hơn khi dự báo giá thép xây dựng trong nước sẽ tiếp tục giảm, thậm chí có thể kéo dài đến hết quý III, trong khi lợi nhuận mảng xuất khẩu thép không còn tốt như trước.
Thực tế, 6 tháng đầu năm, thị trường thép trong nước đã chứng kiến nhiều biến động mạnh về giá. 3 tháng đầu năm, giá thép đã có 7 đợt tăng nóng và chạm mốc 19-19,5 triệu đồng/tấn, thậm chí lên ngưỡng 20-21 triệu đồng/tấn.
Nhưng đến đầu tháng 5, giá thép xây dựng lại lao dốc 8 đợt liên tiếp, xuống còn khoảng trên dưới 16 triệu đồng/tấn tùy loại và thương hiệu. VSA cho rằng giá thép sẽ tiếp tục giảm thời gian tới, thậm chí có thể kéo dài đến hết quý III.
Tuy nhiên, trái ngược với sắt thép, giá một số vật liệu xây dựng khác vẫn đang trên đà tăng mạnh. Điển hình là xi măng đã có 3 lần tăng giá kể từ đầu năm 2022 sau khi giá than đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái do nguồn cung thắt chặt. Giá cát bê tông cũng tăng lên hơn 20% so với hồi đầu tháng 6/2021. Các vật liệu xây dựng khác như gạch, đá cũng biến động tăng nhẹ so với năm trước.
Tại thị trường Trung Quốc, giá thép ngày cũng giảm. Giá thép thanh vằn tương lai tại Trung Quốc là 3.826 nhân dân tệ/tấn, giảm 0,2% so với ngày trước đó.
Về giá giao ngay, thép thanh vằn hạ 0,8% xuống còn 3.808 nhân dân tệ/tấn (562 USD/tấn). Thép cuộn cán nóng hạ 0,2% xuống còn 3.834 nhân dân tệ/tấn (566 USD/tấn).
Về kim loại màu, nickel tăng 3,3% lên 182.750 nhân dân tệ/tấn (27.007 USD/tấn) và đồng hạ 0,5% xuống còn 56.406 nhân dân tệ/tấn (8.335 USD/tấn).
Giá quặng sắt có xu hướng đi xuống do lo ngại thị trường có sự suy yếu đối với nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu sản xuất thép chính này.
Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, chiếm khoảng 1/4 nhu cầu thép trong nước, đang được chú ý trong bối cảnh cuộc tẩy chay thanh toán thế chấp đối với các dự án bất động sản chưa hoàn thành ngày càng gia tăng.
Các nhà quản lý Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực khuyến khích các bên cho vay mở rộng các khoản vay cho các dự án đủ điều kiện.
Động thái này nhằm xoa dịu tình trạng hỗn loạn, có thể gây thêm căng thẳng cho nền kinh tế vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các đợt phong tỏa do đại dịch Covid-19.