Gia tăng viêm màng não khi thời tiết thay đổi: Dấu hiệu phát hiện bệnh sớm

Ngọc Minh |

Theo chuyên gia, thời tiết giao mùa, thay đổi thất thường là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân virus, trong đó có virus gây bệnh viêm màng não, phát triển.

Nội dung chính

  • Gia tăng số ca viêm màng não do virus.
  • Dấu hiệu viêm màng não.
  • Phòng ngừa viêm màng não do virus.

Theo ghi nhận từ Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, trong thời gian giao mùa gần đây, số trẻ nhập viện do mắc viêm màng não tăng. Các trường hợp mắc viêm não có liên quan tới Enterovirus (hay gọi tắt là EV).

Một ca bệnh điển hình là bé trai 10 tuổi tại Hà Nội, trước khi nhập viện đã sốt 1 ngày tại nhà. Bệnh nhi ngoài sốt còn bị nôn nhiều, mệt mỏi, đau đầu, cổ cứng. Bệnh nhi được gia đình đưa đi khám. Kết quả cho thấy trẻ bị viêm màng não do EV. Sau quá trình điều trị theo phác đồ, trẻ đã được ra viện.

Một trường hợp khác là bé trai 7 tuổi, khoảng 1 ngày trước khi vào viện, trẻ xuất hiện đau đầu từng cơn, kèm theo nôn và sốt. Gia đình đã đưa trẻ đến một cơ sở y tế để thăm khám. Tại đây các bác sĩ nghi ngờ trẻ mắc viêm màng não và chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị.

Các kết quả xét nghiệm tại bệnh viện cho thấy trẻ mắc viêm màng não dương tính với Enterovirus. Sau 5 ngày điều trị theo phác đồ viêm màng não do virus, trẻ tỉnh táo, hết sốt, không có biến chứng và đã được xuất viện.

ThS.BSNT Phạm Thị Quế – Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết viêm màng não do virus gặp ở mọi lứa tuổi nhưng nguy cơ cao ở những người suy giảm miễn dịch, trẻ em.

Enterovirus (EV) là một họ virus đường ruột, gồm nhiều loại virus khác nhau và có thể gây bệnh thành dịch. Ngoài gây ra tình trạng viêm màng não, EV còn gây ra bệnh lý tay – chân – miệng.

 - Ảnh 1.

Trẻ nhập viện do viêm màng não tăng, ảnh PV.

Dấu hiệu viêm màng não

Bác sĩ Quế cho biết các triệu chứng của viêm màng não do virus nói chung và Enterovirus nói riêng có thể xuất hiện đột ngột.

- Người bệnh sốt, ớn lạnh, đau đầu, cổ cứng, buồn nôn hoặc nôn, nhạy cảm với ánh sáng (sợ ánh sáng), chán ăn, mệt mỏi.

- Một số triệu chứng khác: sổ mũi, ho, đau nhức cơ thể hoặc phát ban, trước khi có triệu chứng của viêm màng não.

- Ở trẻ sơ sinh, triệu chứng thường không đặc hiệu: sốt, nôn, thóp phồng, bú kém, ngủ nhiều,…

Viêm màng não chỉ có thể được xác định khi chọc dịch não tủy và làm xét nghiệm PCR để xác định căn nguyên virus. Điều trị triệu chứng hiện đang là phương pháp chính trong quản lý bệnh viêm màng não do virus, với các thuốc giảm đau, hạ sốt, giảm viêm và dinh dưỡng nâng cao thể trạng,…

Bác sĩ Quế cho hay hiện nay đang khoảng thời tiết giao mùa thay đổi thất thường. Đây là điều kiện cho các tác nhân virus, trong đó có virus gây bệnh viêm màng não, phát triển. Đối với bệnh viêm màng não do EV chưa có thuốc đặc trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh.

Một số biện pháp phòng ngừa bệnh như:

- Hướng dẫn trẻ vệ sinh tay sạch với xà phòng trước khi ăn, sau khi ho, hắt xì, đi vệ sinh.

- Thực hiện ăn chín, uống sôi, sử dụng thực phẩm sạch có nguồn gốc rõ ràng.

- Vệ sinh đồ chơi chung, giữ môi trường sống sạch sẽ, khử trùng các bề mặt tiếp xúc nhiều như tay nắm cửa, bàn, ghế để ngăn ngừa lây lan virus.

Khi trẻ có dấu hiệu sốt cao đột ngột, nôn, đau đầu, không đáp ứng thuốc hạ sốt… cần nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời ngừa di chứng.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại