Nhiều bệnh nhân biến chứng nặng
Theo Sở Y tế Hà Nội trên địa bàn thành phố lại thêm một trường hợp tử vong do sốt xuất huyết là bệnh nhân 54 tuổi, nam giới, ở Giáp Bát, Hoàng Mai.
Bệnh nhân tử vong ngày 14/7 tại nhà, do sốc nhiễm khuẩn và viêm phổi nặng. Trước đó, bệnh nhân này đã từng được điều trị tại BV Nhiệt đới Trung ương và một bệnh viện khác, tất cả các xét nghiệm tại bệnh viện cho thấy, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.
Gần đây nhất là trường hợp một nam bệnh nhân 51 tuổi, ở Ba Đình, Hà Nội) cũng tử vong do sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương ngày 14/7.
Theo đó, trước khi đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân này nằm điều trị tại một bệnh viện ở Hà Nội, được chẩn đoán sốt xuất huyết, chụp CT phát hiện trong não có các ổ xuất huyết lớn, toàn bộ gan bị phá huỷ. Sau khi chuyển sang Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương điều trị được 2 ngày thì bệnh nhân tử vong.
Được biết, nam bệnh nhân này có tiền sử bị đái tháo đường và tăng huyết áp đã nhiều năm nay.
Như vậy, tính đến thời điểm này Hà Nội ghi nhận 3 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Ngoài ra, mỗi tuần Hà Nội còn ghi nhận khoảng 1.200 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Tích luỹ từ đầu năm đến nay, Hà Nội có hơn 6.000 trường hợp mắc.
PGS.TS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới trung ương cho biết năm nay dịch ở Hà Nội phức tạp và nhiều bệnh nhân nặng. So với mọi năm, bệnh nhân tử vong sốt xuất huyết do biến chứng xuất huyết nội tạng, xuất huyết não là vấn đề rất lớn và bất thường.
So với những năm trước, bệnh viện chỉ ghi nhận 1 – 2 ca tử vong liên quan đến xuất huyết não, thì năm nay đã có 5 bệnh nhân tử vong do biến chứng này.
Điều trị như nào
Sốt xuất huyết không lây qua đường hô hấp, dịch tiết hay tiếp xúc với người bệnh. Sốt xuất huyết chỉ lây qua muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.
Dấu hiệu của sốt xuất huyết khi thấy các triệu chứng sốt cao đột ngột liên tục 39-40 độ C, kéo dài 2-7 ngày, đau đầu, đau mình mẩy kèm các dấu hiệu phát ban, nổi hạch, da xung huyết, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chân răng, nên đến bệnh viện khám để xác định sớm sốt xuất huyết và điều trị kịp thời đúng bệnh. Một số trường hợp sốt xuất huyết chưa có biến chứng có thể điều trị tại nhà.
Khi uống thuốc hạ sốt chỉ sử dụng thuốc hạ sốt paracetamol không uống Asprin và ibuprofen vì hai loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu ở người bệnh trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.
Sốt xuất huyết Dengue gây ra tình trạng rối loạn đông máu, khiến cho cơ thể dễ bị chảy máu. Ở thể nhẹ sẽ bị xuất huyết dưới da với các chấm đỏ trên da hoặc vết bầm. Ở thể nặng sẽ gây chảy máu răng, chảy máu cam, nôn (ói) ra máu hoặc tiêu phân đen.
Trong khi đó, thuốc aspirin và ibuprofen cùng có tác dụng ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu. Aspirin còn có tác dụng phụ là loét dạ dày tá tràng và có thể gây xuất huyết dạ dày, ói ra máu.
Do vậy, tuyệt đối không uống hai loại thuốc kể trên khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết.
Ngoài ra, điều trị sốt xuất huyết cần bổ sung đủ chất dinh dưỡng cần thiết, nước oresol, nước trái cây (nước dừa, nước cam, nước chanh).
PGS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục y tế dự phòng cho biết hiện nay ở nước ta đang lưu hành 4 tuýp vi rút sốt xuất huyết nên bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể bị mắc lại và thậm chí lần sau còn mắc nặng hơn lần trước.
Vi rút gây bệnh sốt xuất huyết có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Nếu một người đã nhiễm với chủng vi rút nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng vi rút đó nhưng chưa có khả năng miễn dịch với những chủng vi rút còn lại.
Do vậy, mỗi người có thể sẽ mắc sốt xuất huyết 4 lần trong cả đời người. Nếu mới mắc sốt xuất huyết lần đầu, người đó có thể còn mắc bệnh thêm 3 lần nữa bởi các tuýp vi rút Dengue còn lại.
Hiện chưa có vắc xin phòng sốt xuất huyết nên bác sĩ khuyến cáo phòng bệnh bằng cách diệt lăng quăng, bọ gậy và muỗi đốt gây sốt xuất huyết chỉ ở những nơi có nước trong và đốt vào ban ngày, chạng vạng tối nên người dân chủ động phòng chống muỗi đốt.