Gia tăng bệnh nhân nhập viện do áp xe gan

PV |

Khoảng 1 tuần trở lại đây, Khoa Ngoại tiêu hoá - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận tới 6 trường hợp bệnh nhân nhập viện do áp xe gan.

Gia tăng bệnh nhân nhập viện do áp xe gan - Ảnh 1.

Thăm khám cho bệnh nhân sau dẫn lưu ổ áp xe gan. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân T.V.C. (40 tuổi, trú tại huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) vào viện trong tình trạng sốt, đau nhiều vùng hạ sườn phải, ấn kẽ sườn đau. Kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số bạch cầu tăng, có hình ảnh nhiễm trùng, ổ áp xe ở gan lớn đang có nguy cơ vỡ gây sốc nhiễm trùng, nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Các bác sĩ nhanh chóng tiến hành dẫn lưu ổ áp xe dưới hướng dẫn của siêu âm và trên nền máy chụp mạch số hóa xóa nền DSA. Ngay sau dẫn lưu, các triệu chứng trên bệnh nhân được cải thiện rõ rệt, hết sốt và hết đau, sức khỏe ổn định, tiếp tục được điều trị kháng sinh.

Theo các bác sĩ, áp xe gan là tình trạng tổn thương tại gan, lá gan bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm ký sinh trùng, khi đó gan sẽ có biểu hiện sưng mủ và hình thành các lỗ nhỏ. Áp xe gan do nhiều nguyên nhân gây ra, nhưng hai nhóm tác nhân chính thường gặp là do ký sinh trùng (amíp và sán lá gan) và vi khuẩn. Hầu hết những tình trạng này xảy ra trong điều kiện vệ sinh kém.

Áp xe gan là một bệnh nguy hiểm bởi các triệu chứng của bệnh thường không xuất hiện ngay nhưng khi xuất hiện sẽ diễn ra ồ ạt với các biểu hiện rất nặng, nếu không phát hiện và xử trí kịp thời thì sẽ dẫn đến tử vong nhanh chóng. Những triệu chứng nguy hiểm của bệnh bao gồm:

- Sốt cao rét run: Sốt có thể lên đến 39 - 40 độ C trong giai đoạn cấp tính nhưng sau đó có thể sốt nhẹ và kéo dài nhiều ngày, kèm theo sốt là đau bụng.

- Đau tức vùng gan: Đau chủ yếu ở vùng dưới sườn bên phải, nếu ổ áp xe to cấp tính thì đau có thể lan rộng cả thượng vị hoặc khắp bụng.

- Gan to đau: Do gan bị sưng to nên người bệnh có cảm giác căng, tức, nặng ở vùng dưới sườn bên phải. Cũng do gan to ra đẩy cơ hoành lên cao nên bệnh nhân có hiện tượng khó thở.

- Ấn kẽ sườn đau: khi sờ, nắn vào vùng gan (ở kẽ liên sườn 11-12) bệnh nhân thấy đau tăng lên.

Thông thường, bệnh nhân áp xe gan nếu phát hiện sớm sẽ được chọc hút mủ, nằm viện trong khoảng 7 - 15 ngày, dùng thuốc kháng sinh để chống tái phát. Tuy nhiên, có những bệnh nhân lâm vào tình trạng nguy kịch do triệu chứng không điển hình. Trong trường hợp này ổ áp xe có thể vỡ ra gây nhiễm khuẩn huyết nghiêm trọng hoặc vỡ ra rồi chảy vào màng phổi hoặc phổi, màng tim hoặc gây viêm phúc mạc (viêm màng bụng) cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Trong một khoảng thời gian dài, bệnh viện tiếp nhận rất ít trường hợp bệnh nhân áp xe gan tương tự. Tuy nhiên khoảng 1 tuần nay, đã có tới 6 trường hợp bệnh nhân nhập viện do áp xe gan, trong đó có trường hợp nặng, nguy cơ tử vong cao nếu không được xử trí kịp thời.

Trước đây, các trường hợp bệnh nhân áp xe gan thường có chỉ định mổ mở, gây nhiều đau đớn và quá trình hồi phục lâu hơn so với phương pháp dẫn lưu xâm lấn tối thiểu hiện nay. Do vậy các bác sĩ khuyến cáo, người dân khi có các dấu hiệu nghi ngờ áp xe gan cần đến ngay cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị hiện đại, bác sĩ có chuyên môn cao để được phát hiện, xử trí, điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Để phòng ngừa bệnh áp xe gan, bác sĩ khuyến cáo người dân cần chú ý thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn các loại thức ăn sống như nem, gỏi, tiết canh... Không ăn rau sống chưa được rửa sạch. Không uống nước chưa được đun sôi như nước lã ao, hồ, suối... Thường xuyên rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại