Bệnh gia tăng
Bệnh giang mai chiếm khoảng 2-3% trong số gần 200.000 ca nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục tại Việt Nam. Sự gia tăng giang mai có thể làm trầm trọng thêm tình hình dịch HIV vì nhiễm giang mai làm tăng nguy cơ lây truyền HIV.
Tỷ lệ nhiễm giang mai ở phụ nữ mại dâm rất cao trong những năm 90 và đầu những năm 2000, với 17% ở Hà Nội và 40% ở TP HCM, Cần Thơ, An Giang.
Số người mắc bệnh có xu hướng tăng trở lại trong giai đoạn 2010-2016, từ 1% lên 2,1%. Giai đoạn này cũng ghi nhận gia tăng tỷ lệ nhiễm ở nam quan hệ tình dục đồng giới tại khu vực phía Nam.
Bác sĩ Phùng Thanh Vân – Bệnh viện Đa khoa Hà Nội cho biết, ông gặp nhiều trường hợp bị giang mai mà không biết dẫn đến giang mai ẩn vào trong máu và phải làm xét nghiệm mới ra bệnh.
Có những người làm nghề mại dâm đã “hoàn lương” nhưng 10 năm sau mới phát hiện ra bệnh giang mai khi bệnh đã biến chứng vào thần kinh, não với các găng giang mai.
So với các bệnh lây qua đường tình dục, bác sĩ Vân cho rằng bệnh giang mai nguy hiểm hơn nhiều bởi bệnh khó phát hiện do các triệu chứng của bệnh không rầm rộ như sùi mào gà hay bệnh lậu mà nó chỉ xuất hiện các nốt găng đỏ ở trên da và nốt găng này nhanh chóng biến mất.
Nhiều bệnh nhân không phát hiện ra và bệnh đã bắt đầu vào giai đoạn mãn tính. Hiện nay, bệnh nhân tìm đến với các triệu chứng của bệnh lý khác và xét nghiệm lại dương tính với giang mai.
Đa số họ đều có quan hệ với gái mại dâm, quan hệ đồng tính không an toàn và lây cho bạn tình. Một số bệnh nhân làm nghề mại dâm và không được trang bị kiến thức phòng bệnh, họ chỉ xét nghiệm HIV chứ chưa quan tâm đến bệnh giang mai.
Bác sĩ Vân cho biết bệnh giang mai do xoắn khuẩn nhạt (Treponema pallidum) gây ra. Đây là loại xoắn khuẩn yếu, có thể sống dai dẳng hơn khi ở nơi ẩm ướt nhưng không sống được quá vài tiếng đồng hồ khi ra ngoài cơ thể.
Giang mai nguy hiểm thế nào
Bệnh giang mai có thời gian ủ bệnh khoảng 3-4 tuần, sớm nhất là 10 ngày, muộn nhất là 90 ngày. Bệnh có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trên cơ thể, ngay cả thai nhi nếu người mẹ bị giang mai khi đang có thai.
Ngoài con đường lây truyền qua đường tình dục, bệnh giang mai còn có thể lây qua truyền máu hoặc từ mẹ sang con qua nhau thai.
Ở phụ nữ do cấu tạo đặc biệt của vùng kín nên khả năng phát bệnh nhanh. Các triệu chứng theo giai đoạn. Ban đầu là các săng giang mai xuất hiện sau khi tiếp xúc với mầm bệnh từ 2 -9 tuần và có thể tự biến mất sau 3 -6 tuần kể cả không được điều trị.
Săng giang mai là các sần gồ cao hơn bề mặt da, không gây cảm giác đau đớn, thường tập trung thành từng đám, có màu đỏ, hình tròn hoặc bầu dục, rắn chắc. Các tổn thương da là những nốt nhú hoặc mụn màu đỏ, bề mặt lở loét, có dạng oval hoặc tròn, có đường kính khoảng 1 -2cm.
Trong các tổn thương này chứa một lượng lớn xoắn khuẩn giang mai, chính vì thế chỉ cần có sự tiếp xúc với dịch này, xoắn khuẩn có thể dễ dàng thâm nhập vào cơ thể bạn và gây bệnh. Các vết lở loét thường xuất hiện ở bộ phận sinh dục, miệng, hậu môn, chân tay.
Tuy nhiên không phải bất cứ người nào cũng có biểu hiện bệnh giống như thế bởi khi mắc bệnh người bệnh vô tình sử dụng một loại thuốc kháng sinh nào đó cũng có tác dụng chéo làm giảm các triệu chứng của bệnh đi nên rất khó nhận biết được bệnh.
Những trường hợp này bệnh tiềm ẩn trong cơ thể và phải thử huyết thanh mới có thể xác định khuẩn xoắn.
Trường hợp của chị Hà, bác sĩ cho biết chị đang ở giai đoạn tiềm ẩn nên không có biểu hiện, thậm chí không lây nhiễm cho người ngoài.
Nếu không điều trị kịp thời bệnh có thể chuyển sang các triệu chứng nặng, bao gồm các vấn đề về thần kinh, mù mắt, mất trí nhớ, tê liệt và thậm chí tử vong. Những bệnh nhân mắc giang mai ở giai đoạn này xuất hiện sau một vài năm hoặc sau 20 năm kể từ khi bắt đầu bị lây nhiễm.
Nói đến bệnh giang mai, bác sĩ Vân cho biết bệnh giang mai có thể có những ảnh hưởng trầm trọng đến phụ nữ có thai, thậm chí có thể gây tử vong thai hoặc thai nhi bị giang mai bẩm sinh.
Để phòng tránh giang mai bẩm sinh cho con, người phụ nữ có thai cần được xét nghiệm, phát hiện bệnh giang mai ít nhất 2 lần: 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kì.