Theo một số nhà vườn trồng sầu riêng tại Cần Thơ, Tiền Giang, giá sầu riêng Ri6 có lúc lên đến mức 140.000 - 160.000 đồng/kg. Hiện giá sầu riêng đã hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở mức 140.000 - 150.000 đồng/kg tuỳ loại.
Trước kia loại sầu 3,5 hộc múi mới đạt tiêu chuẩn thu mua xuất khẩu, nhưng nay loại quả 2,5 hộc thì các vựa cũng gom mua hết.
Nguyên nhân khiến giá sầu riêng tăng cao là do thời điểm này vẫn chỉ là sầu riêng trái vụ, sản lượng khan hiếm. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc đang có nhu cầu lớn. Những vùng trồng có mã số xuất khẩu sang Trung Quốc giá tốt, cao hơn giá nhà vườn trồng bình thường.
Giá sầu riêng đang lên mức cao kỷ lục.
Tiềm năng xuất khẩu sầu riêng
Dù sầu riêng Việt Nam mới chính thức được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc từ tháng 9/2022 nhưng lượng đơn hàng mà các nhà nhập khẩu Trung Quốc đặt hàng doanh nghiệp Việt lớn gấp đôi so với sản lượng cả nước.
Có tháng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đã đạt gần 50 triệu USD, tăng hơn 4.000% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng chưa từng có trong lịch sử ngành sầu riêng Việt Nam.
Theo đánh giá, Trung Quốc là nước đứng thứ 3 thế giới về tiêu thụ sầu riêng. Hiện tổng diện tích sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc ở nước ta khoảng 3.000 ha, tức chỉ chiếm khoảng 3% so với tổng diện tích trồng sầu riêng cả nước. Diện tích này rất nhỏ, so với nhu cầu sản lượng của thị trường Trung Quốc mà các doanh nghiệp Việt Nam đã có hợp đồng là khoảng 1,3 triệu tấn/năm.
Xây dựng mã số vùng trồng cho sầu riêng
Tính tới nay, Việt Nam được Trung Quốc cấp 113 mã vùng trồng và cơ sở đóng gói. Trước tiềm năng xuất khẩu của mặt hàng sầu riêng, nhiều nông dân và doanh nghiệp đang đầu tư vùng trồng và hệ thống lại quy trình canh tác, để đáp ứng yêu cầu thị trường.
Nhãn, vú sữa là 2 loại trái cây của Cần Thơ đã được xuất khẩu chính ngạch sang một số thị trường và thời gian tới đây là sầu riêng. Nông sản Cần Thơ đang đứng trước vận hội mới. Việc xuất khẩu này không chỉ mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân mà còn góp phần khẳng định trái cây của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Sầu riêng của Hợp tác xã Tân Thới 1 đã được cấp chứng nhận VietGAP. Tuy là trái cây đạt chuẩn nhưng giá cả sầu riêng vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường và thương lái vì thế lợi nhuận chưa cao.
Khi loại trái cây này của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, các thành viên rất phấn khởi và tự tin với việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật mà đối tác đưa ra.
"Cũng gọi là mới nhưng đối với nông dân cũng dễ. Tại vì trong mấy chục năm người ta còn trồng trọt được thì chuyện ghi chép cũng dễ", anh Tống Văn Ngọt - Hợp tác xã Tân Thới 1, Phong Điền, TP Cần Thơ cho biết.
Việt Nam được Trung Quốc cấp 113 mã vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng. Ảnh minh họa.
Thành phố Cần Thơ có gần 3.000 ha trồng sầu riêng. Công tác tập huấn cho nhà vườn được ngành chuyên môn đặc biệt quan tâm thời gian qua.
Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nộp 33 hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng với 705 ha. Trước Tết Nguyên đán có 8 hồ sơ đã được phía nước nhập khẩu là Trung Quốc kiểm tra trực tuyến.
Việt Nam mất 4 năm đàm phán để trái sầu riêng xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Chính vì vậy, từng mắc xích của chuỗi ngành hàng đã rất ý thức trong việc bảo vệ thành quả này.
Ngành chức năng Cần Thơ cho rằng đây là thời gian để chuẩn bị thật kĩ các yêu cầu, nhất là về mặt kĩ thuật từ phía đối tác đưa ra để có thể đưa lô hàng đầu tiên của địa phương xuất khẩu chính ngạch trong năm nay.