Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu than các loại của Việt Nam đạt hơn 3,6 triệu tấn với hơn 495,2 triệu USD trong tháng 10/2023, tăng 11% về lượng và tăng 16,8% về trị giá so với tháng trước đó. Tính chung trong 10 tháng đầu năm, nhập khẩu than đạt hơn 41,3 triệu tấn với trị giá hơn 5,85 tỷ USD, tăng mạnh 53,6% về lượng nhưng giảm 6,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.
Giá nhập khẩu bình quân ghi nhận giảm kỷ lục, đạt 141,6 USD/tấn, giảm 38,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Xét về thị trường, Úc là nhà cung cấp than lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm với 16,6 triệu tấn, đạt trị giá hơn 2,72 tỷ USD. Tuy nhiên xét về mức tăng trưởng, Việt Nam đang tăng mạnh nhập khẩu mặt hàng này từ Indonesia với giá rẻ nhất trong tất cả các thị trường.
Cụ thể, trong tháng 10/2023, nhập khẩu than từ quốc gia Đông Nam Á đạt hơn 1,4 triệu tấn với trị giá hơn 141,8 triệu USD, tăng 170% về lượng và tăng 159,2% về kim ngạch so với tháng 10/2022. Tính chung trong 10 tháng đầu năm, Việt Nam chi hơn 1,71 tỷ USD để nhập khẩu 15,4 triệu tấn than từ Indonesia, tăng 76,3% về sản lượng và tăng 27% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Giá xuất khẩu bình quân đạt 111 USD/tấn, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022. Indonesia là thị trường lớn thứ 2 cung cấp than cho Việt Nam, chiếm tỷ trọng 37,2% về lượng và 29,2% về kim ngạch.
Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá nhiên liệu các tháng vừa qua của năm 2023 mặc dù có giảm so với năm 2022, tuy nhiên vẫn ở mức cao so với các năm 2020-2021.
Trong đó, giá than cao vẫn đang đè nặng lên chi phí mua điện của tập đoàn này. Giá than nhập gbNewC tăng 2,97 lần so với năm 2020, tăng 1,3 lần so với năm 2021.
Còn than mua của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc cũng tăng từ 29,6% đến 49% (tùy từng chủng loại than) so với giá than áp dụng năm 2021.
Việc giá than liên tục giữ ở mức cao trong khi sản lượng phát thực tế của thủy điện suy giảm và lượng điện phát của các nhà máy điện năng lượng tái tạo gia tăng càng khiến giá thành sản xuất điện tăng mạnh.
Đáng lưu ý, tỷ trọng than nhập khẩu giá cao ngày càng tăng. Hiện nay, than trong nước được khai thác ở mức 43-45 triệu tấn/năm, chỉ đáp ứng khoảng một nửa lượng than cho các nhà máy điện than. Với quy mô điện than như hiện tại, ước tính than trong nước chỉ đảm bảo cho sản xuất dưới 20% tổng sản lượng điện; các nhà máy còn lại phải nhập khẩu than, hoặc sử dụng than trộn.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng than nhập khẩu của Việt Nam tăng nhanh, từ mức 6,9 triệu tấn của năm 2015 đã tăng lên mức “đỉnh” trên 54 triệu tấn vào năm 2020. Chỉ riêng 10 tháng năm 2023, nhập khẩu than đã vượt 40 triệu tấn.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, khai thác than toàn ngành giai đoạn 2021-2025 dự kiến đạt 40-44 triệu tấn/năm than thương phẩm. Còn tổng nhu cầu than giai đoạn này khoảng 108-110 triệu tấn. Trong đó, nhu cầu than cho sản xuất điện chiếm trên 70% so với tổng nhu cầu trong nước (khoảng 78-79 triệu tấn, bao gồm 38-39 triệu tấn than nhập khẩu).
"Để đáp ứng nhu cầu sử dụng than trong nước, ngoài khối lượng than sản xuất trong nước (khoảng 44 triệu tấn), Việt Nam dự kiến phải nhập khẩu khoảng 66-68 triệu tấn”, Bộ Công Thương tính toán.
Ngày 9/11, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết đã có quyết định về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 4,5%. Theo đó, giá điện bán lẻ bình quân tăng thêm hơn 86,4168 đồng/kWh, từ 1.920,3732 đồng/kWh lên 2.006,79 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Với lần tăng giá điện này, cộng với mức tăng giá hơn 55,9 đồng/kWh (tăng 3%) của ngày 4/5/2023, giá điện bán lẻ đã tăng thêm hơn 142,35 đồng/kWh từ đầu năm. Có thể thấy, chi phí nhiên liệu than dự kiến còn tạo ra áp lực rất lớn đến giá điện thời gian tới.