Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu sắt thép về Việt Nam trong tháng 6 đạt hơn 1,2 triệu tấn với trị giá hơn 934 triệu USD, giảm 17% về lượng và giảm 17,3% về trị giá so với tháng trước đó. Lũy kế 6 tháng đầu năm nước ta nhập khẩu hơn 8,2 triệu tấn sắt thép, tương đương hơn 5,9 tỷ USD, tăng mạnh 48% về lượng và tăng 25% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Giá nhập khẩu trong tháng 6 đạt 727 USD/tấn, giảm 17% so với tháng 6/2023.
Xét về thị trường nhập khẩu, nước ta nhập khẩu nhiều nhất sắt thép từ Trung Quốc với 5,7 triệu tấn trong 6 tháng đầu năm, tương đương kim ngạch hơn 366 triệu USD, tăng mạnh 86% về lượng và tăng 59% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá nhập khẩu cũng ghi nhận mức giảm 14% so với cùng kỳ, đạt hơn 641 USD/tấn.
Đứng thứ 2 trong số các nhà cung cấp sắp thép cho Việt Nam là Nhật Bản với 878.851 tấn sắt thép, tương đương hơn 878 triệu USD, giảm 2% về lượng nhưng tăng mạnh 24% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá nhập khẩu bình quân đạt 1.000 USD/tấn, tăng mạnh 27% so với năm trước.
Hàn Quốc là nhà cung cấp sắt thép lớn thứ 3 của Việt Nam với 568.335 tấn, kim ngạch đạt hơn 540 triệu USD, tăng 11% về lượng nhưng trị giá chỉ tăng gần 1% so với cùng kỳ năm trước. Giá nhập khẩu đạt 951 USD/tấn, giảm 9% so với 6T/2023.
Về tình hình sản xuất trong nước, năm 2020, sản lượng thép thô của Việt Nam đạt 19,9 triệu tấn, giúp Việt Nam vươn lên vị trí thứ 14 trên thế giới và đứng đầu ASEAN về tiêu thụ thép thành phẩm với 23,3 triệu tấn. Đến năm 2023, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 12 thế giới về sản xuất thép thô với sản lượng đạt 20 triệu tấn.
Thép ngoại gây sức ép lên thép nội địa
Theo dữ liệu Hải quan, tính riêng tháng 6, Việt Nam nhập khẩu 886.000 tấn thép cuộn cán nóng (HRC), bằng 151% sản xuất trong nước. Đáng chú ý lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 77%. Tính chung trong nửa đầu năm, sản lượng thép cán nóng nhập khẩu lên đến gần 6 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ 2023. Lượng nhập khẩu này bằng 173% so với sản xuất trong nước, trong đó lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 74%, còn lại là từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản...
Giá trị kim ngạch nhập khẩu HRC 6 tháng đạt 3,46 tỷ USD, riêng Trung Quốc chiếm 2,5 tỷ USD. Về giá HRC nhập khẩu, sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc rất thấp, bình quân 560 USD/tấn, thấp hơn mức giá chào hàng trong nước khoảng 15-20 USD/tấn và thấp hơn các quốc gia khác từ 45- 108 USD/tấn.
Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay, nhu cầu thép cán nóng tại Việt Nam khoảng 12-13 triệu tấn/năm. Công suất của các nhà máy sản xuất trong nước hiện khoảng 9 triệu tấn. Việc thép nhập khẩu ồ ạt tràn vào Việt Nam, sản lượng nhập có thời điểm gấp gần 200% sản xuất trong nước khiến thị phần bán hàng thép cán nóng của doanh nghiệp mất vào tay hàng nhập khẩu.
Thị phần bán hàng HRC của doanh nghiệp trong nước như Hòa Phát và Formosa giảm từ mức 42% năm 2021 xuống 30% vào 2023 và hiện đang tiếp tục suy giảm.
Các chuyên gia ngành thép cũng cho hay, ngành thép Việt Nam, đặc biệt là sản xuất thép chất lượng cao và thép HRC khá thiệt thòi, do bối cảnh trước đây trong nước chưa sản xuất được, nên các hiệp định, cam kết quốc tế đều có mức thuế nhập khẩu bằng 0%.
Trước tình trạng nhập khẩu thép cuộn cán nóng ồ ạt với giá rẻ, các doanh nghiệp và chuyên gia cũng cho rằng các cơ quan liên quan tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quản lý kỹ thuật, quản lý chất lượng, hàng rào kỹ thuật, đồng thời có biện pháp phòng vệ hợp lý, từ đó, ngăn ngừa các sản phẩm thép không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn và môi trường tràn vào thị trường Việt Nam.
Về vấn đề này, Bộ Công Thương cho hay đang thẩm định hồ sơ của các doanh nghiệp trong nước đề nghị điều tra áp thuế chống bán phá giá với thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ. Thời gian thẩm định theo quy định là 45 ngày kể từ ngày chính thức tiếp nhận hồ sơ đầy đủ (14/6/2024).
Bộ Công Thương đang xây dựng và dự kiến sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ cũng đang hoàn tất dự thảo để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Phát triển công nghiệp trọng điểm. Mục tiêu dài hạn là phát triển ngành công nghiệp thép trở thành ngành công nghiệp nền tảng quốc gia, đáp ứng được nhu cầu trong nước và tăng nhanh xuất khẩu.