Giá như người Việt học được tất cả những điều này từ bóng đá!

Bùi Hải |

Người Việt vẫn đang lâng lâng trong men say của niềm tự hào chiến thắng. Nhưng bóng đá không chỉ khiến chúng ta biết tự hào, mà còn chỉ ra bài về nỗi nhục nhược tiểu, về tầm nhìn trong phát triển đất nước, về trọng dụng nhân tài.

1. Thủ tướng nước nghèo và cú run chân của cầu thủ

Mấy mươi năm qua, tuyển Việt Nam đều run chân khi đá với ông kẹ Thái Lan, chứ chưa nói đến các cường quốc bóng đá Châu Á và thế giới. Chưa đá đã thấy thua. Vì vậy, chúng ta không chỉ thua trong từng trận bóng, mà thua run rẩy từ não trạng đến đẳng cấp.

Đó là trận thua của người thấy rõ mình yếu đuối, không cùng đẳng cấp với đối phương. Và vì thế, dù đầu tư rất nhiều cho bóng đá, nhưng thứ mà chúng ta nhận lại trong suốt mấy chục năm, chủ yếu là nuối tiếc và đau đớn.

Hồi còn tại vị, Thủ tướng Phan Văn Khải, một kiến trúc sư trưởng của hội nhập và cải cách kinh tế đã phải thốt lên: "Chả ai muốn mình mãi là công dân của một quốc gia nghèo và mình càng không muốn là Thủ tướng của một nước nghèo".

Có một hình ảnh mà người ta còn nhắc mãi tới sau này: Ông Sáu Khải cầm mảnh giấy đọc khi ngồi tiếp chuyện với Tổng thống Bush. Có rất nhiều lý giải về chuyện đó, nhưng việc một Thủ tướng nước nghèo, lần đầu tiên xuất hiện tại cường quốc số 1 thế giới, lại không thạo tiếng Anh, chắc chắn khó có tâm lý vững tin như lãnh đạo nước lớn gặp nhau.

Khi thầy Park giúp các tuyển thủ Việt Nam nhận ra sức mạnh vật chất và tinh thần của mình, rũ bỏ não trạng nhược tiểu khi thi đấu, chúng ta đã liên tiếp gặt hái những thành tựu không tin nổi.

Nhìn các tuyển thủ Việt Nam áp chế đội bóng được đánh giá trên cơ Triều Tiên, dù chỉ là trận giao hữu, chúng ta thấy rất rõ một điều: Dù chưa đạt đẳng cấp châu lục, nhưng đội bóng của chúng ta không nhược tiểu và ngay cả các ông lớn cũng không dễ bắt nạt. Sự tự tin đó không chỉ thể hiện trong sân cỏ, mà còn thể hiện ở những màn bắn tiếng Anh đĩnh đạc của Xuân Trường, Công Phượng… khi đối mặt với phóng viên nước ngoài.

Theo lẽ thường, một người thất nghiệp không bao giờ có được thái độ đĩnh đạc, đường hoàng trước người trợ giúp họ. Một người dốt tiếng Anh sẽ rất rúm ró khi đi sang Âu, Mỹ, gặp đối tác. Một nước chậm phát triển, nghèo đói làm sao có thể ngồi ở vị trí tốt trên bàn cờ quốc tế?

2. Trọng dụng người tài: Bất kể nguồn gốc, sắc tộc, xuất xứ

Đội tuyển Việt Nam chính là minh chứng sinh động nhất của việc sử dụng có hiệu quả nhân tài. Ngài Park và trợ lý đến từ Hàn Quốc. Lâm Tây (thủ môn Văn Lâm) đến từ Nga. Anh Đức có gia thế tỉ phú. Công Phượng và nhiều cầu thủ khác xuất thân từ gia đình nông dân.

Ai có tài thì đều được trọng dụng nhờ tài năng, khát khao cống hiến, chứ không vì thành phần, ngôn ngữ, sắc tộc; không vì lý lịch, vì chạy chọt; cũng không vì hậu duệ, đồ đệ, tiền tệ, quan hệ. Những công thần trận trước như Công Phượng, trận sau chẳng được tung vào sân phút nào, nếu thấy không phù hợp với chiến thuật.

Thầy Park được bầu Đức mời về và trả lương, nhưng trong các đội hình xuất phát AFF cup, HLV này gần như không sử dụng cầu thủ nào của HAGL. Tất cả được sử dụng đúng theo tài năng và chiến thuật để đạt mục tiêu cuối cùng là chiến thắng.

Tinh thần ấy, rất giống với tinh thần kiến tạo phát triển đất nước của người đứng đầu Chính phủ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có lần nói: Để có bộ máy đủ sức đưa đất nước đi lên thì phải chọn lựa được cán bộ giỏi. Vì nhân tài là nguyên khí quốc gia, do vậy dù nhân tài ở bìa rừng, góc núi cũng phải được trân trọng với tinh thần cầu hiền. "Tìm người tài chứ không phải tìm người nhà".

Có lẽ cũng từ tinh thần không bỏ quên người tài – người cống hiến, mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không quên ngay một chi tiết rất nhỏ đã bị VFF quên mất, khi ông hỏi: Sao không thấy bầu Đức tại cuộc tuyên dương?

Giá như người Việt học được tất cả những điều này từ bóng đá! - Ảnh 3.

TBT một tờ báo lớn gọi bức ảnh này là: Tầm nhìn. Theo ông, đây chính là một trong những khoảnh khắc xúc động nhất xuất bóng đá Việt Nam!

Tổ chức một đất nước, cũng giống như tổ chức một đội bóng khổng lồ. Nếu nhân tài không bị quên lãng và được trọng dụng một cách minh bạch, không định kiến, không thiên vị, không nghi ngại, như chúng ta tin tưởng ngài Park, như ngài Park tin tưởng cầu thủ, chắc chắn họ sẽ tỏa sáng trên sân bóng rộng lớn của đất nước.

3. Tấm ảnh xúc động nhất của bóng đá Việt và câu chuyện tầm nhìn

Việt Nam vô địch, trong thời khắc mọi người đều sung sướng đến phát điên, anh bình luận viên lỡ miệng hô lên: "Đây là dấu mốc lịch sử đất nước", "lịch sử dân tộc đã sang trang".

Một người bình thường bốc đồng cả tiếng, chả ai để ý. Một anh bình luận viên nói trước hàng triệu người mà bốc đồng, dù là 1 phút, chắc chắn sẽ bị mổ xẻ. Nếu cả triệu người bốc đồng, ảo tưởng rằng lịch sử dân tộc sang trang thật chỉ sau một vài trận thắng, thì đất nước làm sao phát triển.

Một đất nước muốn cất cánh, chắc chắn những kiến trúc sư trưởng phải có tầm nhìn xa, rộng. Khi bóng đá Việt Nam lên ngôi vương Đông Nam Á, cư dân mạng chia sẻ rất nhiều bức hình bầu Đức ngồi trên ghế, phía dưới là những cầu thủ nhí Hoàng Anh Gia Lai gầy gò, đen nhẻm. Trong bức hình ấy, cả bầu Đức và các cầu thủ nhí đều nhìn về một hướng.

Tổng biên tập một tờ báo điện tử lớn đã có nhận xét rất thú vị về bức ảnh này, đại ý: "Đây mới chính là hình ảnh xúc động nhất của bóng đá Việt Nam. Bức ảnh này có thể đặt tên là Tầm nhìn".

Quả thật, nếu không có tầm nhìn xa 15-20 năm của những người như bầu Đức khi lập học viện bóng đá, theo đuổi thứ bóng đá sạch và cống hiến, làm sao bóng đá Việt Nam có ngày hôm nay?

Nếu những Công Phượng, Xuân Trường, Quang Hải… không được bầu Đức và các ông bầu khác đào tạo bài bản, chuyên nghiệp ngay từ nhỏ, thì thầy Park có là phù thủy, cũng khó có thể đưa tuyển Việt Nam gặt hái liên tiếp chiến công hiển hách.

Một PGS. TS – giảng viên ĐH SP - đã đặt thành tích bóng đá Việt Nam dưới một góc nhìn tổ chức đất nước: "Bóng đá là bề nổi, là phong trào mà cũng phải đặt nền móng, xây dựng, đào tạo cả hàng chục năm mới có thành quả, vậy thì muốn đất nước cất cánh, buộc phải có những cuộc cách mạng hàng chục năm. 

Đó là cách mạng về chính phủ kiến tạo, cách mạng về khởi nghiệp, cách mạng để người Việt giỏi tiếng Anh. Đất nước sẽ sang trang nhờ các cuộc cách mạng nói trên, chứ lẽ nào lịch sử dân tộc đã sang trang nhờ 1 vài trận bón?

Thua một trận túc cầu, mất một chiếc cup, cả nước giận dữ, đau đớn, nhưng bao nhiêu năm qua, chúng ta thua xa nhiều nước về thu nhập bình quân đầu người; kém nhiều quốc gia về chỉ số minh bạch, thua xa nhiều nước về trình độ tiếng Anh (rõ nhất là công chức và hoa hậu khi ra thế giới), thì lạ thay chả mấy người thấy nhục.

Tiếc là, số đông chúng ta hiện nay nghĩ ngắn quá. Bất kỳ một chủ trương nào chứng tỏ tầm nhìn dài hạn cho phát triển đất nước, đều bị ném đá không thương tiếc.".

4. Sự khắt khe của thầy Park trong đêm vô địch và những con số tụt hậu ám ảnh

Trịnh Tuấn, người từng là kỷ lục gia thư pháp, một lương y trẻ có nhiều tìm tòi, đã rất tâm đắc với một hành động "khắt khe" của Ngài Park Hang Seo. Đó là việc ông Park không đồng ý cho cầu thủ ăn mừng sau trận chung kết lịch sử.

Theo yêu cầu của HLV Park, khi về tới khách sạn La Thành ngay sau trận chung kết, các cầu thủ không được xuất hiện trên cầu truyền hình trực tiếp để ăn như kế hoạch. Họ được lệnh phải nghỉ ngơi, ăn uống, dưỡng sức cho chặng đường thi đấu Asean cup.

Những ngày sau đó, thầy Park cũng không muốn tổ chức một cuộc mừng công nào ồn ào, mất thời gian như hồi U23 đoạt chức Á quân tại Thường Châu.

Ai cũng muốn được vinh danh, tung hô, tưởng thưởng. Nhưng là người có tầm nhìn xa, ngài Park không muốn các cầu thủ và người hâm mộ ở trên mây quá lâu. Trước mắt còn cả một chặng đường rất dài, nỗ lực rất dài, đòi hỏi sự tỉnh táo rất dài, thì bóng đá Việt Nam mới có thể đứng vững trên đỉnh Đông Nam Á và tiệm cận với tầm Châu lục.

Công cuộc Đổi mới ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn. Công cuộc xóa đói giảm nghèo, ổn định dân số của Việt Nam cũng được thế giới đánh giá cao. Trong những năm thế giới đầy biến động gần đây, Việt Nam vẫn giữ được con số tăng trưởng cao so với thế giới.

Nhưng điều đó là chưa đủ. Đừng quên rằng GDP bình quân đầu người hiện nay của Việt Nam chỉ bằng 3/5 của Indonesia; 2/5 của Thái Lan; 1/5 của Malaysia; 1/14 của Hàn Quốc và bằng 1/27 mức GDP bình quân của Singapore.

Như vậy xét về GDP bình quân đầu người, Việt Nam tụt hậu so với Hàn Quốc khoảng 30-35 năm; sau Malaysia 25 năm; Thái Lan 20 năm; sau Indonesia và Philippines 5-7 năm.

Giá như người Việt học được tất cả những điều này từ bóng đá! - Ảnh 4.

Vậy thì kể cả bóng đá Việt Nam có lật đổ Thái Lan, giữ vững ngôi đầu Đông Nam Á nhiều năm nữa, thì GDP Việt Nam vẫn bị người Thái  cho hít khói những 20 năm, bị Malaysia cho ngửi xăng những 25 năm?

Chính HLV Park, trong ánh hào quang quá lớn, cũng đã rất khiêm tốn và tỉnh táo tự đưa mình xuống đất khi nói với báo chí Hàn Quốc: "Tôi sẽ cố gắng trụ lại ở Việt Nam cho đến hết hợp đồng".

Sự khắt khe, tỉnh táo của ngài Park gợi ý cho chúng ra một điều rất cần thiết trong phát triển đất nước: Đừng ngửa mặt lên trời, hãy nhìn xuống mặt đất dưới chân mình để bước tiếp, bước nhanh, không bị dẫm phải đinh hay sa xuống hố.

5. Những danh thủ bị lãng quên và nhà báo chấp nhận "đi bão" một mình

Năm 2008, lần đầu tiên chúng ta bước lên ngôi vô địch AFF cup. Nếu như lúc ấy chúng ta cũng gào lên "Đây là dấu mốc lịch sử đất nước", "lịch sử dân tộc đã sang trang", thì chúng ta thật bẽ bàng, vì 9 năm sau, tuyển Việt Nam đều thụt lùi cay đắng.

Hãy nhớ, dù có là Manchester United, dù có là sir Alex Ferguson, thì đội bóng cũng không thể thắng 100% các trận đấu và cũng không thể vô địch mãi. Đừng nghĩ rằng trong 1-2 năm tới, ngài Park cùng đội tuyển không thể không thua. Thắng thua là lẽ thường và điều đó mới làm nên sự hấp dẫn của túc cầu. Khi thua, lẽ nào chúng ta lại kêu lên: "Lịch sử dân tộc đã tụt lùi", "ngày đen tối của lịch sử đất nước đã bắt đầu".

Có một phát hiện rất hay: 10 năm chưa phải quãng thời gian quá lâu, nhưng thử hỏi bao nhiêu người (không thuộc giới chuyên môn) còn nhớ những tên tuổi cầu thủ đã từng góp công lớn cho chức vô địch – những cái tên đã khiến chúng ta gào lên trong sung sướng ngày ấy: tiền vệ Nguyễn Minh Phương, Trung vệ Lê Phước Tứ, trung vệ Vũ Như Thành, hậu vệ Lê Quang Cường, hậu vệ Huỳnh Quang Thanh, hậu vệ Đoàn Việt Cường, tiền vệ Nguyễn Minh Châu, tiền vệ Phan Văn Tài Em, tiền vệ Lê Tấn Tài, tiền vệ Nguyễn Vũ Phong, tiền vệ Phạm Thành Lương, tiền đạo Nguyễn Việt Thắng. Trong số ấy, có chăng mỗi Công Vinh là còn được nhắc đến nhiều hơn cả.

Như vậy, ở một nền bóng đá kém phát triển, thì ngay cả những cầu thủ giỏi nhất, cũng dễ bị lãng quên. Đâu có dễ quên các danh thủ ở những nền bóng đá hàng đầu thế giới.

Nếu kinh tế đất nước dậm chân tại vùng trũng của thế giới, thì kể cả đội tuyển bóng đá có vô địch châu Á, lọt vào VCK world cup, thì cái tên Việt Nam vẫn rất khó được ghi nhớ trong đầu bè bạn quốc tế.

Một nhà báo đã phải kêu lên để cảnh báo cơn mê của không ít người: "Khi nào Việt Nam tăng trưởng GDP 10% hoặc khi đất nước công bố thành công chống tham nhũng, gã sẽ "đi bão" dù chỉ một mình".

Đất nước giàu có, phát triển, có rất nhiều điều kiện để giúp nền bóng đá phát triển. Nhưng đội tuyển bóng đá, dù mạnh đến đâu, cũng rất khó trở thành động lực chính để đất nước cất cánh. La Liga là giải bóng đá số 1 thế giới, với những tên tuổi khủng khiếp như Real Madrid, Bacelona…, nhưng đất nước Tây Ban Nha vẫn vật vã trong vùng trũng của Châu Âu…

Một nước giàu chưa chắc đã có nền bóng đá đỉnh cao, nhưng chắc chắc chẳng có một nước nghèo nào lại có thể có nền bóng đá đạt tầm hàng đầu thế giới.

Người Việt muốn thế giới nhớ đến và nể phục, không thể chỉ nhờ vài trận thắng trên sân cỏ, vài chiếc cup bóng đá. Người ta chỉ cúi đầu trước những quốc gia hùng mạnh kinh tế và trong sạch xã hội. Khi một chiếc bánh mỳ cũng không có mà ăn như Venezuela, thì bóng đá hay hoa hậu, cũng chỉ là những thứ gây nên so sánh và nuối tiếc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại