Đóng cửa vì giãn cách, khách khó khăn, chủ nhà thất thu nặng
Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã có những tác động vô cùng lớn tới thị trường bất động sản. Một trong những phân khúc "ngấm đòn" nặng nhất là nhà phố, mặt bằng cho thuê - những nơi vốn được cho là "đất vàng", hái ra tiền khi dịch chưa ập đến.
Ông Nguyễn Ngọc Tý - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nón Sơn - cho biết đến nay hầu hết cửa hàng đã phải đóng cửa tạm thời do giãn cách. Xưởng sản xuất của công ty ở Hóc Môn, TPHCM và một số nhà máy vệ tinh ở Long An cũng đã phải đóng cửa. Cả nước hiện chỉ còn khoảng 39 trên tổng số 207 cửa hàng còn hoạt động.
Để gỡ khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp khi phải đóng cửa hàng triền miên, ông Tý cho biết, công ty phải rất nỗ lực trong việc thuyết phục các chủ nhà san sẻ gánh nặng mặt bằng.
"Chỗ nào đã đóng thì đàm phán họ hỗ trợ số thời gian buộc phải đóng do giãn cách, chỗ nào còn đang mở thì xin giãn tiến độ đóng", ông Tý kể. Điều may mắn, dù còn nhiều ngần ngại nhưng đến nay hầu hết các chủ mặt bằng đều đồng ý với phương án Nón Sơn đưa ra.
Anh N.K. - một MC nổi tiếng kiêm chủ kinh doanh chuỗi 4 nhà hàng cũng chia sẻ trên trang cá nhân việc chủ nhà miễn toàn bộ 100% tiền thuê nhà cho một số địa điểm kinh doanh của anh tại TP.HCM thời điểm giãn cách. Đây đều là những mặt bằng có diện tích lớn đến vài trăm m2 và ở vị trí đắc địa.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm (chưa tính thời điểm giãn cách nghiêm ngặt hơn trong tháng 7 cả ở Hà Nội, TPHCM và các tỉnh phía Nam) thì mặt bằng bán lẻ nhà phố, giá cho thuê giảm khoảng 10-30% tại các thành phố lớn.
Bên cạnh đó, một số chủ nhà "mạnh tay" miễn phí toàn bộ thời gian thuê trong thời điểm giãn cách để san sẻ khó khăn với khách thuê.
Đây cũng là cách họ giữ khách thuê bởi hiện nay tỷ lệ mặt bằng trống rất lớn, mức độ cạnh tranh trong việc cho thuê là cực kỳ lớn. Các ở địa điểm "vàng", giá thuê càng cao thì việc cân nhắc, đong đếm có nên thuê hay không càng được tính kỹ trong thời buổi khủng hoảng kinh tế.
Colliers - đơn vị chuyên nghiên cứu thị trường bất động sản - cũng cho biết, diễn biến trên khiến cho thị trường bán lẻ gặp phải khó khăn lớn trong thời gian qua khi các trung tâm thương mại lớn buộc phải đóng cửa và nhà phố chịu sự đìu hiu, vắng vẻ do khách thuê không thể trụ vững trước dịch bệnh.
Giảm 50% nhưng vẫn "mỏi mắt" tìm khách thuê
Theo số liệu của Colliers, tại TP.HCM, trong khu vực trung tâm hành chính, giá thuê trung bình tại các trung tâm thương mại giảm 15% trong thời gian diễn ra dịch bệnh, từ 3,1 triệu đồng/m2/tháng còn 2,64 triệu đồng/m2/tháng, với tỷ lệ trống trung bình khoảng 1,5%.
Giá thuê trung bình ở khu vực ngoài trung tâm có mức giảm sâu hơn, khoảng 30% trong thời gian diễn ra dịch bệnh, từ 805.000 đồng/m2/tháng còn 563.000 đồng/m2/ tháng, tỷ lệ trống trung bình khoảng 14%.
Tương tự như ở TPHCM, giá thuê trung bình tại các trung tâm thương mại ở Hà Nội cũng giảm nhẹ trong giai đoạn diễn ra dịch bệnh.
Cụ thể, trong khu vực trung tâm hành chính, giá thuê được ghi nhận giảm 10%, từ gần 2,5 triệu đồng /m2/tháng còn 2,25 triệu đồng/m2/tháng, tỷ lệ trống trung bình khoảng 11%. Khu vực ngoài trung tâm giá thuê giảm với tỷ lệ trống trung bình khoảng 14.5%.
Về phân khúc nhà phố cho thuê, Colliers cho biết do tiềm lực của khách thuê nhà phố không mạnh như khách thuê tại khu trung tâm thương mại, do đó mức giảm giá thuê mặt bằng nhà phố giảm mạnh hơn so với giá thuê trung tâm thương mại.
Theo đơn vị nghiên cứu thị trường này, tại cả TPHCM và Hà Nội, giá thuê mặt bằng nhà phố giảm từ ít nhất 20-50% so với giá trước khi diễn ra dịch bệnh.
Nhận định về khó khăn chưa từng có của phân khúc nhà phố, mặt bằng bán lẻ, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Bộ phận Cho thuê Thương mại Savills Hà Nội cho biết: Ở thời điểm trước dịch, yếu tố vị trí thuận tiện và trung tâm đã giúp các chủ cửa hàng mặt phố dễ dàng hút khách, nhất là khách du lịch.
Nhờ đó có được mức kinh doanh và tăng trưởng ổn định. Giai đoạn trong dịch Covid-19, các đợt giãn cách xã hội đã thúc đẩy quá trình tham gia vào thương mại điện tử của nhiều chủ kinh doanh. Do đó, nhu cầu thuê mặt bằng giảm đi đáng kể.
"Nhiều chủ mặt bằng ban đầu không giảm giá thuê, hoặc chỉ giảm rất ít, thì cuối cùng cũng phải chấp nhận xuống giá 20-30%, thậm chí 50% nhưng vẫn "mỏi mắt" tìm khách thuê. Nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, thì cảnh đìu hiu của thị trường mặt bằng nhà phố sẽ tiếp diễn", bà Minh nhận định.