Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, ngành chăn nuôi đang rơi vào tình cảnh khó khăn toàn diện chưa từng có.
Theo ông Trọng, thống kê sơ bộ của các tỉnh đến cuối tháng 8, cả nước có khoảng 26,6 triệu con lợn, khoảng 518 triệu con gia cầm, 6,3 triệu con bò… Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm giảm rất mạnh, nhất là khối khu công nghiệp, trường học, bếp ăn tập thể, khách sạn, nhà hàng. Bên cạnh đó, một số nhà máy giết mổ, chế biến có người mắc COVID-19 phải đóng cửa..., khiến sản phẩm chăn nuôi ứ đọng.
Đáng chú ý, tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam, hiện có khoảng 9,3 triệu con gà công nghiệp đã đến tuổi xuất chuồng, trong đó hơn 4 triệu con đã quá tuổi, khối lượng trên 3,8kg (bình thường xuất chuồng 1,8 - 2,5kg) nhưng vẫn chưa tiêu thụ được. Lượng tiêu thụ gà công nghiệp của DN chỉ đạt 5-10% so với trước.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, thị trường tiêu thụ chính gia cầm ở các tỉnh phía Nam là TPHCM. Trước đây, mỗi ngày TPHCM tiêu thụ khoảng 1.600 tấn thịt gia cầm, nhưng hiện tại, lượng tiêu thụ chỉ còn chưa đầy 50%, dù trong mấy tuần gần đây, nhu cầu tăng hơn nhiều so với giai đoạn đầu giãn cách xã hội.
Theo ông Đoán, nhu cầu giảm mạnh đang đẩy giá nhiều loại gia cầm xuống mức thấp kỷ lục. Chẳng hạn, giá gà công nghiệp lông trắng có nơi chỉ còn 6.000 - 10.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất trong lịch sử ngành chăn nuôi Việt Nam. Còn giá lợn hơi trung bình đang giảm 20.000 - 25.000 đồng/kg so với đầu năm, dao động trung bình ở mức 50.000 đồng/kg thấp nhất trong 2 năm gần đây.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi cho biết, Bộ NN&PTNT đã đưa ra dự báo: Nếu dịch bệnh được kiểm soát và kinh tế khôi phục vào cuối tháng 9, ngành chăn nuôi có thể hồi phục trong tháng tiếp theo và đáp ứng nhu cầu dịp Tết Nguyên đán 2022; Trường hợp dịch bệnh kéo dài hơn, nguồn cung sẽ giảm khoảng 20% tính đến Tết Nguyên đán. Khi đó, người chăn nuôi thua lỗ nặng, nhiều nhà máy sản xuất thức ăn vừa và nhỏ có thể bị phá sản, mất cân đối cung cầu và chuỗi cung ứng sẽ đứt gãy.
Ông Nguyễn Kim Đoán cho biết, giá bán giảm thấp trong khi giá thức ăn chăn nuôi không ngừng tăng khiến các trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang thiệt hại rất nặng nề. Đơn cử, đối với gà lông trắng, cứ 1kg thịt, nông dân phải tiêu tốn 2,5 kg cám.
Với mức giá như hiện nay, người nuôi gà đang lỗ khoảng 20-25 nghìn đồng/kg. Nếu những khó khăn này tiếp tục kéo dài, các trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có thể dần bị “xóa sổ”, vì không còn vốn để duy trì hoạt động chăn nuôi, đầu tư tái đàn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trước tình hình đầu ra chăn nuôi gặp khó, bộ đang đề nghị các tỉnh quan tâm và ưu tiên tiêm vắc-xin cho người lao động ngành chăn nuôi và chế biến thực phẩm nói chung. Bởi, đứng sau ngành chăn nuôi là hàng chục triệu hộ nông dân, lao động ảnh hưởng đến an sinh xã hội.