Chúng tôi vẫn chờ đợi!
Những ngày qua khi dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát tại nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam, mọi người lại nhớ tới "đại dịch" SARS năm 2003. Đại dịch năm đó có 6 y bác sĩ Bệnh viện Việt Pháp đã ra đi mãi mãi do lây bệnh từ bệnh nhân. Tuy nhiên, sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ y bác sĩ Việt Pháp năm đó vẫn chưa được ghi nhận.
Khi báo chí đưa thông tin nhiều về dịch bệnh Covid-19, chị Huỳnh Thị Liên Hương (vợ bác sĩ Nguyễn Thế Phương) lại hồi tưởng về những hồi ức đau buồn năm xưa.
"Lần cuối chồng tôi gọi điện về nhà nói tình trạng sức khỏe ổn, nhưng có sốt. Tôi cũng nghĩ chồng bị cúm bình thường, sức khỏe trước nay vốn rất rốt nên sẽ khỏi. Lúc đó, tôi có nói với chồng tôi một câu: "Có muốn em đưa các con lên thăm hay không?, Chồng tôi dặn: "Đừng đưa con lên, vì bệnh viện không cho vào. Một vài hôm anh khỏe sẽ ra viện rồi về".
Tôi không ngờ cuộc nói chuyện điện thoại đó lại là câu chuyện cuối cùng tôi nói với chồng", chị Hương tâm sự.
Bản thân chị Hương làm trong ngành y từng đi học ở Pháp khi nghe tin bệnh viện đóng cửa, chị cũng nghĩ người Pháp họ cẩn thận nên làm vậy. Chị Hương không nghĩ được rằng chồng mình đã ra đi mãi mãi trong vụ dịch bệnh năm đó.
Miếu thờ 6 y bác sĩ hy sinh năm 2003.
"Tôi cứ nghĩ 17 năm trôi qua tôi có thể quên đi, nhưng khi hồi ức quay về lại ám ảnh và cảm thấy xót xa. Chồng tôi ra đi quá nhanh khiến cả gia đình sốc. Cả gia đình tôi chỉ kịp xuống Hà Nội chứng kiến lúc thiêu xác tại Văn Điển lúc gần nửa đêm.
Sau khi chồng tôi mất, giấy chứng tử chỉ ghi mất do tai nạn lao động. Các con tôi được chế độ hơn 100 nghìn đồng/tháng tới khi các cháu đủ 18 tuổi (từ năm 2003-2009). Chồng tôi cũng không được bất cứ bằng khen hay danh hiệu liệt sĩ. Bao năm nay tôi vẫn mong chờ những đóng góp của chồng tôi được nhìn nhận".
Sau khi anh Phương mất, chị Hương đã một mình nuôi dạy hai con gái với sự trợ giúp của ông bà và anh em họ hàng. Theo chị Hương 2 cháu rất nghị lực, bố mất sớm biết thương mẹ đã cố gắng học tập tốt sau đó.
Động viên cho người sống và an ủi người đã chết
17 năm qua ông Nguyễn Thế Vĩnh (71 tuổi, chồng điều dưỡng Nguyễn Thị Lượng) đã một mình "gà trống" nuôi con sau khi vợ qua đời. Ông Vĩnh cho hay, bà Lượng ra đi quá đột ngột để lại khoảng trống quá lớn cho ông và con.
Dù 17 năm đã trôi qua nỗi đau nguôi ngoai, nhưng mỗi khi nhớ về người vợ của mình vẫn rất thương vợ. Ông Vĩnh tâm sự: "Chỉ trong nửa tháng tôi đã mất đi vợ, con tôi mất mẹ, mọi thứ trong gia đình đều đảo lộn. 17 năm qua tôi đã cố gắng giữ đúng lời hứa với vợ nuôi dạy con lên người".
Ông Vĩnh vẫn mong muốn vợ mình sẽ được ghi nhận.
Tuy nhiên, điều ông Vĩnh cắn dứt nhất có lẽ là sau khi bà Lượng không nhận được bất cứ bằng khen hay danh hiệu liệt sĩ.
"Tôi rất muốn cho con tôi được tự hào về cái chết của mẹ cháu. Vì mẹ cháu mất do nhiễm bệnh khi chăm sóc bệnh nhân. Ngày đó, khi vợ tôi mất bệnh viện có đề cập tới việc trao bằng khen liệt sĩ cho vợ tôi. Tuy nhiên, sau đó tôi chờ rất lâu vẫn không nhận được thông tin gì cả.
Không phải gia đình tôi mà rất nhiều gia đình y bác sĩ mất năm đó đều mong muốn sự hy sinh đó được xã hội ghi nhận. Đây cũng chỉ là một cách để động viên tinh thần cho các người thân còn sống và an ủi người đã mất", ông Vĩnh chia sẻ.
Tôi muốn được tự hào về sự hy sinh thầm nặng của mẹ!
Khi Điều dưỡng trưởng Phạm Thị Uyên, Bệnh viện Việt Pháp qua đời (24/3/2003) chị Nguyễn Tú Quyên (con gái chị Uyên) rất sợ, hoang mang. Thời điểm điều dưỡng Uyên mất chị Quyên mới 13 tuổi, một đứa trẻ mất mẹ, phải nghỉ học, bị kỳ thị của cộng đồng.
Khi mẹ chị Quyên ốm nặng, chị chỉ biết mẹ mắc bệnh nguy hiểm. Mẹ chị Quyên đi làm mệt nên đã ở lại viện ngay hôm ca trực và mất sau đó.
"Tôi còn nhờ căn bệnh SARS năm đó quá kinh khủng nên khi mẹ tôi tổ chức đám tang không một ai trong khu phố dám đến tham dự. Tôi phải nghỉ học một thời gian. Gia đình đưa tôi và anh trai đi khám sức khoẻ, có kết quả bình thường hai anh em tôi mới được đi học trở lại.
Khi đi học bạn bè trong lớp cũng không ai dám chơi cùng, tôi đi tới đâu cũng bị mọi người chỉ trỏ, xa lánh. Mất mẹ, bị mọi người kỳ thị, xa lánh tôi cảm thấy "sốc" vô cùng", chị Quyên chia sẻ.
Chị Quyên tâm sự, mẹ mất đã được 17 chưng chưa có một sự ghi nhận gì dành cho mẹ: "Nếu giờ mẹ tôi được xã hội ghi nhận là điều an ủi với mẹ và gia đình. Tôi rất muốn mình được tự hào về sự hy sinh thầm nặng của mẹ trong lần đại dịch năm 2003", chị Quyên nói.