Nhà văn, nhà biên kịch Lê Phương từ trần hồi 20h45 ngày 14/5, hưởng thọ 90 tuổi. Lễ viếng nhà văn, nhà biên kịch Lê Phương diễn ra từ 7h30 sáng 20/5. Gia đình và đồng nghiệp nói lời tiễn biệt cha đẻ Biệt động Sài Gòn.
Bên cạnh gia đình, đông đảo văn nghệ sĩ đến viếng nhà văn Lê Phương như NSND, đạo diễn Đặng Nhật Minh, NSƯT Thanh Tú, PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ...
NSND đạo diễn Đặng Nhật Minh đến viếng nhà văn, nhà biên kịch Lê Phương.
Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam và gia đình phối hợp tổ chức lễ tang cho nhà văn Lê Phương. Lễ truy điệu diễn ra 8h45 sáng 20/5. Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, Ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam đọc điếu văn tiễn biệt tác giả Lê Phương.
PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ cùng các văn nghệ sĩ nghiêng mình trước nhà văn Lê Phương.
"Nhà văn Lê Phương là người ham đi. Những chuyến đi thực tế dài ngày mà ông tự gọi là những cuộc đi tìm bạn đã cho ông không chỉ những trang viết đầy cảm xúc, chính xác về tư liệu chuyên ngành ở cấp chuyên gia, hơn thế còn cho ông những người bạn chân tình thủy chung.
Không dễ dàng nói về thành tựu của nhà văn-nhà điện ảnh Lê Phương, bởi vùng hoạt động của ông rộng lớn", nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ nói.
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ đọc điếu văn tiễn biệt nhà văn Lê Phương. |
Nhà biên kịch Lê Phương tên thật Nguyễn Văn Tiến, sinh năm 1933 tại Đông Anh. Ông thường được đóng đinh là cha đẻ Biệt động Sài Gòn-gồm bốn tập kịch bản viết cùng tác giả Nguyễn Thanh. Tuy thế, sự nghiệp của ông rộng mở hơn cả ở trải nghiệm chiến trường lẫn sự nghiệp văn chương và phim ảnh.
Ông từng gia khảo sát những tuyến đường tiếp tế cho trận chiến Điện Biên Phủ vào năm 1953, viết truyện đầu tay Thử lửa đăng trên báo Cứu quốc. Sau này, ông từng công tác ở Tổng công đoàn (sau là Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam), trở thành nhà báo nổi tiếng với bút danh Lê Phương-bút danh theo ông suốt sự nghiệp sau này.
Con trai nhà văn Lê Phương cảm ơn thân quyến, đồng nghiệp và các văn nghệ sĩ đến tiễn đưa tác giả "Biệt động Sài Gòn". |
"Ông là người am tường, có nhiều kiến thức chuyên môn sâu ở nhiều lĩnh vực. Là người đọc nhiều và có ý thức thu nạp kiến thức rất nghiêm túc, chính nhờ sự dày công thu thập tư liệu và đời sống thực tế để đưa vào tác phẩm nên ông có nhiều tác phẩm nổi trội trong các lĩnh vực khác nhau", ông Nguyễn Văn Tân, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nhận định.
Năm 1963, Lê Phương viết tiểu thuyết đầu tay Bất khuất-sau được chuyển thể thành phim điện ảnh Cơn lốc biển. Từ 1963-1978, tài năng văn học nở rộ với bảy tiểu thuyết ở các đề tài khác nhau với dấu ấn đáng kể ở nhiều dạng đề tài và lĩnh vực đòi hỏi kiến thức chuyên ngành sâu: Pháo đài 44 (pháo binh bảo vệ cầu Hàm Rồng), Thung lũng Cô-tan (nổi tiếng nhất về địa chất), Bạch đàn (lĩnh vực lâm nghiệp) hay Ngã ba thời gian (về ngành thủy lợi), Vết xích đường mòn.
NSƯT Thanh Tú nghẹn ngào tiễn biệt nhà văn, nhà biên kịch Lê Phương. |
Từ năm 1977 ông rẽ sang sự nghiệp biên kịch điện ảnh. Tác phẩm để lại dấu ấn ở điện ảnh như Nơi gặp của tình yêu, Biệt động Sài Gòn, Câu lạc bộ không tên. Sau này, nhà biên kịch Lê Phương cũng đóng góp nhiều tác phẩm nổi bật như Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ, Sống mãi với Thủ đô, Con nhện xanh, Ngã ba thời gian…
NSND Khải Hưng đánh giá, Lê Phương là người cộng tác từ những ngày đầu thành lập hãng phim truyền hình Việt Nam, luôn "chữa cháy" cho mọi người khi cần. Nhà văn Lê Phương đông bạn bè, được nhiều người yêu quý ở sự phóng khoáng, sự khiêm nhường khi nói về bản thân dù thực tế ông được đánh giá là người đọc rộng biết nhiều và am tường nhiều lĩnh vực.
Ảnh: Tổng hợp