Anh Trần Vũ Bình tâm sự: "Nghe tin Tổng Bí thư từ trần, vgia đình tôi như mất đi một người thân. Các gia đình Biệt động Sài Gòn khác cũng vậy". Để tỏ lòng tưởng nhớ Tổng Bí thưu, các địa điểm di tích lịch sử của Biệt động Sài Gòn như: Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định; Hầm chứa vũ khí bí mật đánh trận Dinh Độc Lập (Hội trường Thống Nhất ngày nay); Quán cà phê - cơm tấm Đỗ Phủ... đã treo cờ rủ trước cổng.
Anh Trần Vũ Bình kể: Sáng ngày 31/1/2018, sau khi dự Lễ kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, gia đình đã rất vinh dự được đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm.
"Đang dự lễ kỷ niệm thì gia đình được báo sẽ có một vị khách đặc biệt đến thăm, nhưng không biết đó là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bác đến thăm gia đình và thăm quan hầm chứa vũ khí phục vụ cuộc tấn công vào Dinh Độc Lập của chiến sĩ Biệt động Sài Gòn Trần Văn Lai (Năm Lai) trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Chuyến thăm thể hiện tình cảm, sự trân trọng của Tổng Bí thư đối với lịch sử, với những cống hiến, hy sinh của nhân dân cho cách mạng và để lại trong lòng các gia đình thế hệ sau của lực lượng Biệt động Sài Gòn sự yêu mến, kính trọng", anh Trần Vũ Bình cho biết.
Anh Trần Vũ Bình nhớ lại: “Bác hiểu rất sâu, nắm rất rõ về lực lượng Biệt động Sài Gòn. Tôi chưa kịp giới thiệu gì, bác đã hỏi rồi. Bác cũng biết về những cống hiến của gia đình tôi, đã hy sinh với bao nhiêu tài sản. Bác nói, đây là cơ sở tiêu biểu. Điều đó khiến tôi rất xúc động. Đến tận bây giờ, tôi vẫn như đang nghe bác hỏi nhỏ bên tai tôi, rằng hiện vật này như thế nào, nó là gốc hay là phục dựng lại?”.
"Với cương vị Tổng Bí thư, bác bận trăm công nghìn việc, thời gian rất eo hẹp và có rất nhiều việc phải quan tâm, tuy nhiên, bác đã đến thăm và trò chuyện thân mật, gần gũi với nhân chứng lịch sử là các chiến sỹ Biệt động Sài Gòn. Đây là điều đáng trân quý và trân trọng đối với các nhân chứng lịch sử Biệt động Sài Gòn năm xưa và thế hệ con cháu Biệt động Sài Gòn hôm nay", anh Trần Vũ Bình nói.
"Tại cuộc gặp gỡ này, Tổng Bí thư đã ghi nhận sự gian khổ của gia đình chiến sĩ Biệt động Sài Gòn Trần Văn Lai khi xây dựng, giữ gìn hầm vũ khí. Bác cũng cặn kẽ thăm hỏi các nhân chứng lịch sử về quá trình đào hầm, cất giấu vũ khí để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công nửa thế kỷ trước. Điều đặc biệt là, chưa cần gia đình giới thiệu, bác dường như đã biết khá nhiều về gia đình ông Năm Lai, về căn hầm này", anh Trần Vũ Bình nói thêm.
Anh Trần Vũ Bình cũng cho biết, trong buổi gặp hôm đó, còn có những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn là đồng đội của ông Trần Văn Lai, giờ đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm” như bà Vũ Minh Nghĩa, ông Phan Văn Hôn (Bảy Hôn)… Tổng Bí thư đã thăm hỏi ân cần với từng người. Tổng Bí thư đã trò chuyện với ông Bảy Hôn từ chuyện chiến tranh, súng đạn, đến chuyện lưu giữ lịch sử Biệt động cho thế hệ sau.
"Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói chuyện với chú Bảy Hôn rất cởi mở, như một người lính cùng đơn vị, chứ không phải là một người lãnh đạo. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng giao nhiệm vụ cho gia đình chúng tôi cần tiếp tục phát huy, tìm tòi những kỉ vật của các chiến sỹ Biệt động Sài Gòn năm xưa để giữ gìn, bảo quản cho con cháu đời sau hiểu hơn về lực lượng đặc biệt này. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn căn dặn, những chiến sỹ biệt động như ông Trần Văn Lai, chú Bảy Hôn, cô Minh Hạnh... đã có nhiều hy sinh, cống hiến cho Tổ quốc, cho Thành phố vì vậy con cháu sau này cần biết ơn và tri ân họ nhiều hơn”, anh Trần Vũ Bình nhớ lại.
Khi đến thăm căn hầm bí mật trong gia đình Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Văn Lai, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gặp cả cháu nội của ông Năm Lai là cháu Trần Trọng Nhân (lúc đó 8 tuổi). Tại buổi gặp, Tổng Bí thư cũng rất quan tâm, hỏi han cháu Nhân. Cho nên, dù chỉ được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần duy nhất, nhưng đến tận bây giờ, sau 6 năm, cháu Nhân vẫn nhớ như in từng chi tiết.
Cháu Nhân cho biết: “Lúc đó con còn nhỏ, chưa biết ông là ai. Khi con đi ra và đứng kế bên ông, ông khoác vai con, ông hỏi: "Cháu học lớp mấy, cháu có ở cùng với bà không?". Lúc này, con cảm thấy ông rất gần gũi, giản dị. Giờ nghe tin ông mất, con rất bàng hoàng, buồn, tiếc nuối. Ông không còn nữa nhưng con cảm thấy con vinh dự, may mắn vì đã được gặp một vị lãnh đạo gần dân, mến dân".