Gia đình 3 thế hệ mắc ung thư gan và lời cảnh báo "khẩn thiết" từ bác sĩ

Ngọc Minh |

Một gia đình có tới 3 thế hệ bị mắc ung thư gan hoặc nhiều người cùng phải đi điều trị ung thư gan không phải là hiếm gặp tại Trung tâm Y học hạt nhân và ung thư - BV Bạch Mai.

Mắc ung thư gan do cùng một nguyên nhân

Bệnh nhân Nguyễn Đ.T (53 tuổi, Hà Nội) được chẩn đoán ung thư gan từ năm 2017.

Ông T cho hay năm 30 tuổi ông được chẩn đoán viêm gan virút B. Thời gian đầu ông T uống thuốc định kỳ nên kiểm soát rất tốt viêm gan. Thấy sức khỏe ổn định, không có vấn đề gì, ông T đã dừng uống thuốc.

Ông T lao đầu vào làm ăn, không có thời gian nghĩ tới bệnh tật. Tới năm 50 tuổi ông T cảm thấy đau vùng gan đi khám thì đã bị xơ gan.

Đến tháng 4/2017, ông T cảm thấy đau tức nhiều hạ sườn đi khám bác sĩ kết luận ung thư gan. Khối u phát triển chèn ép vào vùng xung quanh và gây đau. Bác sĩ đã phẫu thuật cắt bỏ 40% gan phải.

Gia đình 3 thế hệ mắc ung thư gan và lời cảnh báo khẩn thiết từ bác sĩ - Ảnh 1.

Chủ quan với căn bệnh viêm gan vi rút ông T. đã bị mắc ung thư gan.

"Sau khi phẫu thuật cắt một phần gan phải, tới tháng 11/2017, tôi đi tái khám lại thì  xuất hiện hạch bất thường trong ổ bụng và có nhiều khối u phát triển ở gan trái", ông T nói.

Ông T cho biết thêm, trong gia đình 5 người thì có tới 4 thành viên bị nhiễm viêm gan virút B (vợ và hai con). Riêng cậu con út thời gian mang thai vợ ông biết bị viêm gan B nên đã được hướng dẫn ngăn ngừa phòng lây cho con.

Theo TS.BS Phạm Văn Thái, Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung thư - Bệnh viện Bạch Mai,  bệnh nhân Nguyễn Đ.T vào viện trong tình trạng đau tức vùng hạ sườn phải, người mệt mỏi, chán ăn. Kết quả siêu âm bệnh nhân có tổn thương và bất thường trong gan. 

Qua thăm khám chuyên sâu kết luận bệnh nhân bị ung thư gan giai đoạn 2, trên nền xơ gan có viêm gan B. Bệnh nhân đã được phẫu thuật tại một bệnh viện x. Tuy nhiên, sau hơn một năm, bệnh tiến triển nhanh di căn nhiều nơi (gan, ổ bụng).  

Bệnh nhân đã được chỉ định điều trị toàn thân bằng thuốc trúng đích đường uống. Đây là loại thuốc mới, có tác dụng theo theo cơ chế ức chế quá trình tăng sinh mạch máu, làm giảm mạch máu nuôi dưỡng khối u. Khiến cho khối u bị cắt đứt nguồn nuôi dưỡng và tự thoái triển.

Hiện nay, sau 11 tháng các triệu chứng của bệnh nhân được cải thiện rất tốt: không còn đau vùng hạ sườn phải và tăng cân trở lại, bệnh nhân sinh hoạt bình thường. Trên hình ảnh chụp CT, một số tổn thương tại gan và tổn thương di căn trong ổ bụng đã biến mất, còn một khối u tại gan nhưng đã thu nhỏ lại so với trước khi điều trị

"Trường hợp gia đình bệnh nhân T có tới 4/5 người bị viêm gan virút. Bệnh nhân đã bị xơ gan, ung thư gan. 3 thành viên còn lại trong gia đình bệnh nhân nếu không được điều trị thì nguy cơ bị xơ gan và ung thư gan là rất cao. 

Tại Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai đã từng điều trị cho gia đình có 3 thế hệ (ông, bố và con) đều bị ung thư gan, nguyên nhân là do bị viêm gan virut mãn tính dẫn tới xơ gan, ung thư gan", TS Thái nói.

TS Thái cho biết, hơn 70% số bệnh nhân ung thư gan tới Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai có viêm gan virút mãn tính.

Những xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán ung gan

TS Thái cho hay:"Để phát hiện ra ung thư gan sẽ phải dựa vào thăm khám bệnh của bác sĩ. Bệnh nhân sau khi được khám lâm sàng, sẽ được chỉ định làm  một số xét nghiệm quan trọng, trong đó có xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ,…) để đánh giá các tổn thương tại gan và ngoài gan.

Khi bệnh nhân nghi ngờ có sự bất thường sẽ được làm thêm các xét nghiệm chất chỉ điểm khối u (AFP, AFP- L3). Trong trường hợp AFP, AFP-L3 không tăng cao sẽ phải làm xét nghiệm sinh thiết gan để có kết quả chẩn đoán mô bệnh học".

Gia đình 3 thế hệ mắc ung thư gan và lời cảnh báo khẩn thiết từ bác sĩ - Ảnh 2.

Theo bác sĩ Thái để ngăn ngừa ung thư gan cần phải tiêm phòng vắc xin viêm gan B.

Nguyên nhân gây ung thư gan ở Việt Nam chủ yếu là do viêm gan virút (Viêm gan B virút, viêm gan C virút).  Hiện nay tỷ lệ viêm gan B ở Việt Nam khá cao. Để phòng ngừa ung thư gan hiệu quả nhất là tiêm phòng viêm gan B. Trẻ sơ sinh cần tiêm phòng viêm gan B ngay từ khi mới sinh ra.

Viêm gan B virút lây qua 3 con đường: máu, tình dục, tiết xúc trực tiếp dịch tiết của cơ thể. Người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm viêm gan virút và điều trị kịp thời căn bệnh.

Ung thư gan còn có nguyên nhân khác do lạm dụng rượu, bia, gây ra xơ gan, dẫn đến ung thư gan. Để phòng tránh ung thư gan, ngoài tiêm phòng viêm gan B, cần phải  hạn chế uống rượu bia.

Nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/ lần ngay cả khi sức khỏe vẫn đang bình thường để phát hiện sớm những bất thường của gan. Đặc biệt ở những người có nguy cơ cao như viêm gan virut B,C, nghiện rượu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại