Với ước mơ sở hữu căn nhà ở thành phố lớn, nhiều gia đình trẻ chọn lối sống thắt lưng buộc bụng. Việc tiết kiệm một cách tối đa không còn là lối sống nhất thời. Giờ đây điều đó đã trở thành một niềm vui đối với họ.
Trong ngôi nhà ở Thông Châu, thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, gia đình Li Duo và Lin Hua có chủ trương càng tiêu ít, càng tốt. Lin Hua làm việc trong lĩnh vực truyền thông còn Li Duo làm việc ở công ty phần mềm trên Internet. Lương cả 2 vợ chồng không quá cao vào khoảng 8.000 NDT/tháng (26 triệu đồng). Để dành tiền mua nhà, họ chỉ chi tiêu 1/10 thu nhập.
Vợ chồng Li Duo và Lin Hua
Trong thùng rác của cặp vợ chồng này không có gì ngoài lá rau hỏng và khăn giấy đã qua sử dụng. Ngoài ban công, túi nhựa bên trong chứa đồ dùng cũ do người thân và bạn bè tặng lại được chất cao thành đống. Hộp carton xuất hiện ở khắp mọi nơi trong nhà nhằm sử dụng vào các mục đích khác nhau như đựng quần áo trẻ em, nhu yếu phẩm. Một số hộp quá nhỏ không thể sử dụng sẽ được gấp gọn gàng nhằm bán lại khi đã đủ số lượng.
Để duy trì chế độ ăn uống cơ bản, Li Duo và chồng chỉ cần đến 3 cái nồi: nồi cơm kiểu cũ, chảo và xửng hấp bánh đã ố vàng sau nhiều năm sử dụng. Cô cho biết nồi hấp của nhà được đổi bằng thẻ tín dụng với giá 0 đồng; trứng được đổi từ trò chơi nông trại trực tuyến; bột mì đổi từ điểm thẻ ngân hàng; thậm chí đến giấy lót bánh cũng có giá 0 đồng vì được quy đổi khi đăng nhập trên nền tảng mua sắm trực tuyến. Họ đã quá quen với việc quy đổi điểm thưởng để lấy những vật dụng cần thiết trong gia đình.
Cặp đôi này có thể sử dụng một nền tảng nhất định và đăng nhập 28 ngày liên tục để đổi lấy 12 cuộn giấy vệ sinh. Họ thậm chí còn bán lại những món đồ 0 đồng không sử dụng cho người cần.
Thứ xa xỉ nhất trong gia đình là đôi giày thể thao của Lin Hua được mua lại từ một người đồng nghiệp. Dẫu cho đôi giày này nhỏ hơn chân mình song anh vẫn lấy sử dụng để làm dép đi trong nhà.
Đôi giày mua của đồng nghiệp là đồ vật giá trị nhất trong gia đình
Với lối sống tằn tiện này, nhiều người nghĩ rằng đó là gia cảnh của một cặp vợ chồng đang đi thuê nhà. Thực tế, Li Duo, Lin Hua đang sống trong ngôi nhà của chính mình với khoản tiền đã đặt cọc là 2 triệu NDT (6,5 tỷ đồng).
Không phải là keo kiệt, chỉ là đang tận dụng mọi thứ một cách tốt nhất
Năm 2016, khi giá nhà đất tăng chóng mặt, Lin Hua, 36 tuổi đã mua căn nhà 2 phòng ngủ, rộng 100m2 với phần lớn số tiền là vay ngân hàng. Khi mua, anh cũng không chi quá nhiều tiền cho nội thất. Để tiết kiệm, anh đến các chợ đồ cũ để tìm mua, với tổng chi phí chưa đến 10.000 NDT (32 triệu đồng).
Trên bàn ăn, một chiếc ấm màu trắng đã được đôi vợ chồng này mua cách đây nhiều năm. Hiện họ vẫn đun nước sôi để uống thay vì mua nước đóng chai. Năm 2022, Li Duo và Lin Hua sinh con. Trong thời gian mang thai, cặp vợ chồng này cũng không chi tiêu một cách mù quáng. Họ đánh giá, so sánh kỹ nhằm mua được món hàng có chất lượng tốt nhất với giá thành rẻ nhất.
Cặp vợ chồng này cũng quy định số lượng quần áo của mỗi thành viên trong nhà. “Chúng tôi không có nhiều hơn 5 bộ quần áo mỗi mùa và chỉ gồm 4 đôi giày sử dụng quanh năm. Gia đình tôi chỉ mua quần áo mới khi đã bị sờn hoặc rất cần thiết”, Li Duo nói và cho ví dụ về bộ quần áo mới nhất của cô có giá 15 NDT đã được mua từ năm ngoái. Thậm chí, đến giờ, cô vẫn sử dụng 2 chiếc quần đã mua từ năm 2 đại học.
Quần áo của con gái hầu hết được cho. “Quần áo đủ ấm và sạch sẽ là đủ rồi. Trẻ con không biết đâu là quần áo mới, quần áo cũ. Nhiều người cứ mua cho con những thứ không cần thiết để thỏa mãn bản thân”, Li Dio nói. Chiếc chăn mà cô con gái họ đang sử dụng cũng tận dụng từ quà tặng gói sinh mổ.
Họ cũng từng được tặng miễn phí một chiếc ghế ăn trẻ em và một xe đẩy. Tuy nhiên, chiếc ghế quá dốc khiến cô bé khó ngồi yên. Sau đó chiếc xe đẩy trở thành ghế ăn và chiếc ghế ăn ban đầu được tận dụng thành nơi chứa đồ đạc. Từ cách tiết kiệm như vậy, chi phí sinh hoạt của cả gia đình 3 người chưa đến 1.000 NDT (3,2 triệu đồng).
Hộp carton được tận dụng để kệ đừng đồ
Nhiều người cho rằng nếu không có lối sống giống nhau, họ khó có thể đến và ở được với nhau cho đến hiện tại. Vì đều mong muốn tiết kiệm nên từ khi yêu nhau đến khi kết hôn, cặp đôi này chưa từng cãi nhau. Họ có thể thức khuya thảo luận mua đồ ở đâu rẻ nhất.
Cả hai cũng là thành viên tích cực của các nhóm buôn bán đồ cũ. Khi thấy ai cho món đồ nào hữu ích, Li Duo sẽ đến lấy mà không do dự. Trong nhà của họ, phần lớn đồ dùng là được cho. Cả 2 vợ chồng đều cho rằng lối sống này không phải là keo kiệt, mà chỉ là tận dụng mọi thứ một cách tốt nhất.
Quyết tâm mua nhà thành phố để thay đổi tương lai con
Hầu hết bạn bè của Li Duo đều quan niệm rằng cuộc sống vốn ngắn ngủi nên cần tận hưởng mọi khoảnh khắc. Họ không có nhu cầu tạo ra bước nhảy vọt bằng cách tiết kiệm tiền. Song xét cho cùng, mua được một căn nhà và định cư ở Bắc Kinh là điều xa xỉ với người làm công ăn lương. Tuy nhiên Lin Hua không nghĩ như vậy. Anh nhìn thấy những cơ hội tốt cho con khi sống tại đây. Vì thế, người đàn ông này đã quyết định phải mua bằng được một căn nhà ở thành phố để thay đổi tương lai cho con.
Nhằm thực hiện được điều này, cặp đôi thực hành lối sống tiết kiệm. Đôi khi họ cũng bị lung lay bởi sức hút tiêu dùng. Như Li Duo từng mê mẩn chiếc túi giá 20.000 NDT. Lúc đó có hàng trăm nghìn NDT trong tay, hoàn toàn có thể mua được, nhưng cô lựa chọn mua một chiếc túi giả chỉ với giá 80 NDT. Cô hoàn toàn tự tin khi nói với mọi người rằng mình đang sử dụng chiếc túi giả có mức giá rẻ hơn rất nhiều.
Với nhiều năm trả góp, mục tiêu sở hữu một căn hộ ở nội thành Bắc Kinh với cặp đôi sắp thành hiện thức. Dù đôi lúc họ đánh giá bản thân giống như những người cổ đại sống trong thành phố hiện đại. Tuy nhiên so với cuộc sống không có nơi ở cố định của đa số người nhập cư, cặp vợ chồng này cảm thấy hạnh phúc. “Chắc còn lâu nữa, chúng tôi mới có cuộc sống bình thường như người thành phố, nhưng nghĩ tới tương lai tươi sáng của con cái, với tôi thế là đủ, Li Duo nói.
Theo QQ