Theo hãng tin Tân Hoa xã (Trung Quốc), một lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn kinh doanh dầu mỏ khổng lồ Vitol Group (Hà Lan) ngày 5/6 tiết lộ, Chính phủ Mỹ có thể âm thầm cho phép Iran xuất khẩu nhiều dầu hơn ra thị trường toàn cầu trong khi vẫn đang chịu các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ.
Thật trùng hợp, theo nhiều nguồn tin, Bộ Ngoại giao Mỹ vào tháng 5 đã gửi một lá thư tới hai công ty năng lượng châu Âu để cho phép họ nhập khẩu dầu của Venezuela. Đây là lần đầu tiên sau hai năm, Venezuela có thể xuất khẩu dầu sang châu Âu.
Phó giáo sư Hàn Kiến Vĩ của Viện nghiên cứu Trung Đông thuộc Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải (Trung Quốc) cho biết, Mỹ hiện tại không có được sự đảm bảo về sản lượng dầu từ các quốc gia như Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), và buộc phải chấp nhận cho các nước Iran và Venezuela tăng cường xuất khẩu dầu, nhưng điều này không có nghĩa là quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và hai nước này đã được cải thiện đáng kể.
"Nhắm mắt làm ngơ" cho Iran
Mike Miller - người đứng đầu bộ phận châu Á của Vitol Group – ngày 5/6 tiết lộ: "Chú Sam (Mỹ) có thể cho phép một chút dầu đang chịu trừng phạt (của Iran) chảy ra ngoài."
Ông Miller phân tích thêm rằng, nếu việc bình ổn giá xăng dầu trở thành vấn đề nổi cộm trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 năm nay tại Mỹ, thì "mọi người đều có thể đoán trước được rằng, Mỹ sẽ nhắm mắt làm ngơ trước việc xuất khẩu một lượng nhất định dầu thô đang chịu trừng phạt."
Phó giáo sư Hàn Kiến Vĩ cho biết: "Trên thực tế, việc gia tăng xuất khẩu dầu của Iran không có gì mới, và xuất khẩu của nước này đã bắt đầu tăng đáng kể từ năm ngoái."
Theo dữ liệu chính thức của tờ Báo Iran, trong vài tháng nay, việc gia tăng doanh số dầu thô và khí ngưng tụ của Iran cũng như giá dầu tăng đã bù đắp một phần thâm hụt ngân sách của nước này. Từ tháng 4 đến tháng 5, doanh số bán dầu của Iran tăng 40%, doanh thu tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phó giáo sư Hàn cũng chỉ ra rằng, việc Mỹ nới lỏng lệnh cấm vận đối với dầu mỏ Iran là một biểu hiện khác của phong cách làm việc thực dụng của Mỹ.
Kể từ đầu năm nay, do các nhân tố như leo thang xung đột giữa Nga và Ukraine, giá dầu quốc tế đã tăng hơn 50%, đạt mức 120 USD/thùng. Trong nội bộ, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chịu áp lực từ dư luận trong việc giảm giá xăng dầu.
Thị trường đã đặt nhiều kỳ vọng vào thỏa thuận hạt nhân Iran vào tháng 3. Nếu đạt được thỏa thuận này, Iran có thể tăng nguồn cung dầu thô ra thị trường quốc tế thêm 500.000 đến 1 triệu thùng/ngày. Nhưng tin vui vẫn chưa đến, việc Mỹ có loại bỏ Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran khỏi cái gọi là "Danh sách tổ chức khủng bố" hay không đang là vấn đề gai góc nhất hiện nay, cản trở bước đột phá cuối cùng trong đàm phán.
Đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn gặp nhiều trở ngại. Ảnh: Tehran Times
Trong bối cảnh giá dầu quốc tế tăng vọt, Iran đã có được nhiều quyền chủ động hơn và không vội vàng đạt thỏa thuận với các nước phương Tây.
Jihad Azour - Giám đốc Vụ Trung Đông và Trung Á của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) – cho biết, nền kinh tế Iran trong vài năm qua đã thích nghi được với các lệnh trừng phạt; đồng thời, giá dầu quốc tế tăng cũng như sản lượng dầu của Iran tăng đã tạo thêm thu nhập cho nước này.
"Bật đèn xanh" cho Venezuela
Trang tin tài chính Yicai (Trung Quốc) dẫn lời một số nguồn tin cho biết, hai công ty dầu mỏ ENI của Ý và Repsol của Tây Ban Nha đã nhận được thư từ Bộ Ngoại giao Mỹ vào tháng 5 cho phép họ nhập khẩu dầu từ Venezuela. Ở một mức độ nhất định, động thái này sẽ lấp đầy sự thiếu hụt nguồn cung do lệnh cấm vận đối với dầu của Nga.
Những người trong cuộc cho biết, hai công ty nói trên có liên doanh với Công ty dầu mỏ Venezuela và việc Venezuela xuất khẩu dầu có thể bù đắp các khoản nợ và cổ tức của họ. Mặc dù vậy, Mỹ đã yêu cầu rằng, "dầu phải được vận chuyển đến châu Âu và không được bán lại ở nơi khác".
Phó Tổng thống Venezuela Delcy Rodriguez cũng tiết lộ trên mạng xã hội vào ngày 17/5 rằng, thông tin chính phủ Mỹ cho phép các công ty dầu mỏ của Mỹ và châu Âu khởi động lại hoạt động của họ ở Venezuela là chính xác, hy vọng rằng quyết định này sẽ mở đường cho việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đơn phương của Mỹ đối với Venezuela.
Mỹ từng trừng phạt các công ty dầu khí Venezuela. Ảnh: AFP
Venezuela từng là nhà cung cấp dầu quan trọng cho Mỹ. Nhưng chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump bắt đầu gia tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Venezuela từ năm 2017 và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ngành dầu mỏ của nước này vào năm 2019.
Tháng 3 năm nay, Mỹ đã cử một phái đoàn chính thức tới Venezuela để gặp Tổng thống Nicolas Maduro. Đây là cuộc gặp cấp cao nhất giữa hai bên kể từ khi Venezuela tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ vào năm 2019.
Giống như vấn đề hạt nhân Iran, vẫn chưa có sự đồng thuận trong chính phủ Mỹ để cải thiện quan hệ với Venezuela và chưa có đột phá nào trong quan hệ song phương tính đến nay.
Tại Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ (OAS) lần thứ 9 đang diễn ra tại Los Angeles (Mỹ) từ ngày 7-10/6, Mỹ đã quyết định không mời lãnh đạo các nước Venezuela, Cuba và Nicaragua tham dự sự kiện này. Đây là động thái gây nhiều tranh cãi, dẫn tới việc lãnh đạo nhiều quốc gia Mỹ Latinh tẩy chay hội nghị.