Báo cáo cho thấy giá đất Thủ Thiêm đã tăng khoảng 30 – 40% trong vòng ba năm trở lại đây và JLL đánh giá đây là “mức tăng kỷ lục nhưng hợp lý.
Theo nghiên cứu của công ty nghiên cứu thị trường này, hệ thống cơ sở hạ tầng trong khu vực trung tâm hiện tại đang bắt đầu quá tải dưới áp lực mở rộng nhanh chóng, khó tìm quỹ đất trống, giá trị đất đai đã đạt đến mức làm cho việc đầu tư xây dựng văn phòng cho thuê không còn khả thi và giá thuê văn phòng đã đạt đến mức đỉnh điểm kể từ năm 2008.
Tình trạng ùn tắc giao thông không ngừng tăng lên trong 5 năm gần đây với số lượng ô tô tăng 35 phần trăm mỗi năm từ năm 2012-2016, theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA).
Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Việt Nam của JLL cho biết: "Quy hoạch tổng thể Thủ Thiêm nhằm giảm bớt sự thiếu hụt nguồn cung trong khu vực trung tâm hiện tại. Khi cơ sở hạ tầng của Thủ Thiêm được cải thiện, chúng tôi dự kiến các công ty lớn sẽ bắt đầu xem Thủ Thiêm như là một giải pháp khả thi để đặt trụ sở thay cho khu trung tâm hành chính kinh tế hiện hữu".
Phần lớn quỹ đất ở Thủ Thiêm đã có nhà đầu tư thông qua rất nhiều hình thức giao đất/hợp tác khác nhau. Điều này đồng nghĩa với thực trạng khan hiếm quỹ đất sạch còn lại để phát triển dự án ở Thủ Thiêm trong khi nhu cầu đầu tư vẫn đang tăng cao. Quy mô toàn khu bao gồm 176 lô đất với khoảng 3,2 triệu m2 sàn nhà ở, và 3,4 triệu m2 sàn thương mại, Thủ Thiêm sẽ là nơi sinh sống và làm việc của 145.000 cư dân và 217.000 nhân viên.
JLL đánh giá Thủ Thiêm là quỹ đất cuối cùng còn lại của TP. HCM với quy hoạch tổng thể tốt, vị trí vô cùng đắc địa bên sông Sài Gòn và tiếp giáp trực tiếp quận 1.
Nhìn chung, giá đất Thủ Thiêm hiện ở mức khoảng 1/3 so với giá đất ở quận 1 và tương đối thấp hơn giá đất ở các quận liền kề quận 1 như quận 3 và quận 4. Ngoài sự tăng trưởng của giá đất Thủ Thiêm, các khu vực liền kề Thủ Thiêm ở quận 2 như Đồng Văn Cống, An Phú, Thảo Điền cũng có sự gia tăng.
Với tầm nhìn chiến lược lên khu đô thị mới Thủ Thiêm, các nhà đầu tư lớn, điển hình là Keppel Land đã liên doanh với các đối tác Việt Nam trong năm 2016 để phát triển một dự án ven sông, chủ yếu là căn hộ cao cấp, văn phòng và thương mại.
Cách thức phổ biến nhất để tiếp cận quỹ đất tại Thủ Thiêm là thông qua hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT). Các lô đất được cấp cho các nhà đầu tư để đổi lấy việc xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu đô thị mới, trong đó 45% tổng diện tích có thể phát triển đã được chính thức phê duyệt thông qua hợp đồng BT.
Đại Quang Minh là nhà đầu tư tiên phong vào Thủ Thiêm, với một loạt những dự án lớn đang triển khai cả về hạ tầng lẫn khu dân cư thông qua hình thức BT. Về đầu tư hạ tầng, Đại Quang Minh sẽ chịu trách nhiệm xây dựng 4 tuyến đường chính, gồm đại lộ vòng cung, đường ven hồ trung tâm, đường ven sông Sài Gòn và đường châu thổ qua khu lâm viên sinh thái phía nam, cầu Thủ Thiêm 2 và cầu đi bộ.
Dự án đầu tư xây dựng quảng trường trung tâm quy mô khoảng 20ha và công viên bờ sông khoảng 9ha hiện đang được nhà đầu tư triển khai lập đồ án quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1:500.
Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ Tầng Kỹ Thuật TP.HCM (CII) đã được nhận khoảng 90.000 m2 đất sử dụng ổn định lâu dài để xây dựng nhà ở và 6.000 m2 đất sử dụng 50 năm để xây dựng văn phòng cho thuê, trả tiền thuê đất một lần cho toàn thời gian thuê.
Đổi lại, CII sẽ đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam đoạn từ chân cầu Thủ Thiêm 1 đến đường Mai Chí Thọ trong khu đô thị Thủ Thiêm.
Ông Wyatt cho biết thêm các nhà đầu tư phải hết sức quan tâm đến tình hình thị trường và sự thay đổi cung và cầu để hạn chế nguy cơ dư nguồn cung trong tương lai. Với một dự án phát triển phức hợp lớn như Thủ Thiêm, việc khu vực này trở thành công trường xây dựng trong vòng nhiều năm là không thể tránh khỏi. Các nhà đầu tư và người mua bất động sản nhà ở cần phải lưu tâm đến điều này khi đầu tư vào Thủ Thiêm.
Theo thông báo từ Ban quản lý Thủ Thiêm, 16% trong tổng diện tích có thể phát triển sẽ được mời thầu trong thời gian tới đây, đáng chú ý nhất trong kế hoạch mời thầu này là 5 lô trong khu chức năng số 2a.
Ước tính khoảng 62% trên tổng diện tích sàn (GFA trên mặt đất) vẫn chưa được tiến hành xây dựng do nhiều chủ đầu tư đang gặp vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính xin giấy phép đầu tư.
Tuy nhiên, nghiên cứu của đơn vị này cũng chỉ ra những thách thức trước mắt mà khu đô thị hiện đại này sẽ phải đối mặt. Theo quy hoạch tổng thể, 10 lô đất được dành riêng để phát triển trường học phục vụ cho nhu cầu học tập của cư dân Thủ Thiêm và các khu vực lân cận. Do cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và cộng đồng dân cư ít nên thị trường này vẫn chưa thu hút được sự quan tâm lớn.
Không giống như các dự án phát triển đô thị mới ở các quốc gia khác, việc thiếu các chính sách ưu đãi là một trong những trở ngại lớn nhất cho tốc độ phát triển của khu đô thị này. Các nhà đầu tư/chủ đầu tư sẽ luôn cần được chính phủ hỗ trợ về các vấn đề liên quan đến pháp luật và thuế. Việc tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch hơn sẽ đóng vai trò như một chất xúc tác để thúc đẩy nhanh tiến độ phát triển của Thủ Thiêm.