Cả trăm triệu đồng/m2
Từ đầu năm tới nay, trong khi cơn sốt đất nền lan rộng nhiều tỉnh thành, thu hút nhiều nhà đầu tư chạy theo, phân khúc chung cư tại các thành phố lớn lại được cho hướng tới người mua để ở thật. Tuy nhiên, thực tế nhiều người có nhu cầu lại không hề dễ mua chung cư.
Chiều 6/5, Bộ Xây dựng đã công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý I/2021. Bộ Xây dựng cho biết, giá căn hộ chung cư tại các địa phương có xu hướng tăng đều theo tháng. Nguyên nhân do khan hiếm nguồn cung và các dự án mới được mở bán. Mỗi địa phương có mức tăng khác nhau.
Báo cáo của Công ty CBRE cho thấy, giá chào bán các dự án chung cư mới trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong các tháng đầu năm 2021 đã tăng ở tất cả phân khúc. Mức giá trung bình khoảng 51 triệu đồng/1 m2, cao hơn cùng kỳ năm trước 14,6%. Cá biệt, một số dự án chào bán với mức hàng trăm triệu đồng/m2.
Nguồn cung khan hiếm, giá căn hộ chung cư tăng theo từng tháng. Ảnh minh họa.
Tại trung tâm TP Hồ Chí Minh, một dự án vừa qua gây sốc trên thị trường với mức giá giới thiệu lên tới hơn 400 triệu đồng/m2. Cách đây 5 năm, giá chung cư ở TP Hồ Chí Minh được đánh giá là thấp hơn ở Hà Nội thì nay theo các đơn vị nghiên cứu, giá chung cư tại TP Hồ Chí Minh đã đắt hơn Hà Nội gấp 1,5 lần.
Theo thống kê của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, trong số căn hộ đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai được xét duyệt trong tháng 2 vừa qua, 100% căn nhà có giá bán trên 40 triệu đồng/m2. Như vậy, 1 căn hộ 50m2, giá tiền hầu như không dưới 2 tỷ đồng.
Tại Hà Nội, chung cư cũng tăng giá 5 - 10%. Một số dự án chung cư ở Gia Lâm, Hoài Đức, Nam Từ Liêm cũng đạt mức giá trên dưới 40 triệu đồng/m2.
"Đỏ mắt" tìm căn hộ giá rẻ
Với mức giá cao như vậy, việc có một căn nhà tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để an cư lạc nghiệp dường như đang dần trở nên xa vời đối với người thu nhập trung bình và thấp, thậm chí cả thu nhập khá. Những căn hộ giá tầm 1 - 2 tỷ đồng gần như vắng bóng hoàn toàn trên thị trường.
Gia đình chị Hạnh (thành phố Hà Nội) gồm 3 người, sống trong căn nhà vẻn vẹn 30m2, cách trung tâm thành phố hơn 20km. Mấy năm trở lại đây, chị làm lụng tiết kiệm muốn mua một căn hộ chung cư rộng hơn, để cả nhà có thể sống thoải mái. Tuy nhiên, theo chị Hạnh, tiền thì có hạn, mà giá chung cư ngày một tăng nhanh.
"Tôi cũng hai lần có ý định mua chung cư nhưng không đủ khả năng nên đã chuyển về chỗ ở hiện nay. Trong tương lại tôi cũng có ý định mua chung cư, tiền không đủ nên tôi muốn mua cách nội thành hơn 10km, khoảng 1 tỷ trở về", chị Hạnh nói.
Việc có một căn nhà tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để an cư lạc nghiệp dường như đang dần trở nên xa vời đối với người thu nhập trung bình và thấp. Ảnh minh họa.
Hiện nay giá mặt bằng căn hộ bình dân đã tăng lên và cao ngang bằng với các phân khúc trung cấp. Cụ thể, giá các căn hộ bình dân hiện nay khoảng 30 triệu đồng/m2, trong khi trước kia khoảng 20 triệu đồng/m2. Ở Hà Nội, các dự án tại các 4 quận nội thành, hầu như các chung cư chào bán mới đều có giá từ 60 - 100 triệu đồng/m2.
Giá căn hộ tăng cao, người muốn mua căn hộ dưới 2 tỷ đồng dường như chỉ có 2 lựa chọn: Một là tìm mua nhà ở xã hội với các tiêu chí ngặt nghèo và số lương cực kỳ ít ỏi; Hai là mua lại các dự án người dân đã vào ở từ cách đây 3 - 5 năm, nằm ở cách xa trung tâm thành phố.
Giải pháp bình ổn giá chung cư
Theo nhận định của giới quan sát trên thị trường, giá chào bán chung cư tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã xuất hiện những mức giá cao nhất trên thị trường từ trước đến nay. Lượng giao dịch, tiêu thụ các căn hộ này như thế nào sẽ do thị trường tự điều chỉnh, tự quyết định.
Tuy nhiên, để bình ổn giá chung cư trên thị trường, cũng như hướng các doanh nghiệp xây dựng nhà thương mại giá rẻ, phù hợp với túi tiền của người dân lại cần những giải pháp đồng bộ.
Do khan hiếm quỹ đất, cùng với việc kiểm soát tầng cao tại nội đô, cho nên số lượng dự án chung cư được cấp phép mới tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh giảm dần. Ngoài ra, thủ tục pháp lý để thực hiện dự án cũng gặp nhiều khó khăn trong suốt 2 năm qua, cũng khiến giá bán bị đội lên.
Ngoài ra, một mối lo khác cũng đang có nguy cơ tác động đến giá chung cư đó là việc giá thép xây dựng đang ở mức cao hơn trên 40% so với thời điểm cuối quý III/2020. Giá xi măng, vật liệu xây dựng cũng tăng.
Nếu tình trạng này tiếp tục duy trì trong vài tháng tới, khi lượng nguyên vật liệu mua từ trước cạn kiệt, nhà thầu sẽ phải mua vật liệu xây dựng với giá cao. Khi đó, các chủ đầu tư có thể tăng giá nhà.
Ông Nguyễn Thế Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư Hưng Thịnh Phát cho biết: "Các nhà chung cư sắt thép chiếm tỉ trọng trong giá thành tương đối là lớn, cho nên trong các tháng, các năm tiếp theo giá nhà cấu thành sẽ cao hơn".
Để bình ổn giá chung cư trên thị trường cần những giải pháp đồng bộ. Ảnh minh họa.
Bình ổn giá vật liệu xây dựng, giải quyết vướng mắc về pháp lý để tăng nguồn cung trên thị trường, đang là những giải pháp cần thiết đặt ra lúc này.
Thực tế, có nhiều doanh nghiệp mong muốn xây dựng nhà thương mại giá hợp túi tiền bởi đây là loại nhà làm đến đâu, bán hết đến đó. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn đang chờ đợi các giải pháp, hướng dẫn cụ thể, chi tiết từ phía các cơ quan chức năng, để có thể phát triển trở lại loại hình nhà ở đang có nhu cầu lớn này trên thị trường.
Mới đây, tại hội nghị làm việc đầu tiên của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị với ngành, Bộ trưởng cho biết, sẽ tập trung xây dựng mới Chiến lược nhà ở quốc gia, phát triển nhà phù hợp với khả năng chi trả của người dân.
Bộ trưởng yêu cầu tập trung thay đổi căn bản tư duy về đề xuất pháp luật, cơ chế chính sách, các giải pháp về phát triển nhà ở và thị trường bất động sản. Đặc biệt là tháo gỡ khó khăn cho việc phát triển nhà ở xã hội, nhà thương mại có giá phù hợp. Những giải pháp này được kỳ vọng sẽ giúp thị trường căn hộ chung cư hạn chế cảnh lệch pha cung - cầu như hiện nay.