Gia Cát Lượng, biểu tự Khổng Minh, là thừa tướng, công thần khai quốc, chính trị gia, nhà ngoại giao xuất sắc, đồng thời là nhà chỉ huy quân sự, một nhà giáo dục và nhà phát minh nổi tiếng của nhà Thục Hán thời Tam Quốc. Trong thời kỳ nhiều biến động như Tam Quốc, Gia Cát Lượng được đánh giá là một kỳ tài hiếm có trong thiên hạ.
Không chỉ là chiến lược gia xuất sắc, Gia Cát Lượng còn nổi tiếng hết lòng vì Lưu Bị và nhà Thục Hán, đúng như câu nói "cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi". Sau khi Lưu Bị qua đời vào năm 223, Gia Cát Lượng hết lòng phò tá Hậu chủ Lưu Thiện, ổn định nội bộ Thục Hán, phát triển kinh tế, xây dựng lại liên minh với Đông Ngô, đồng thời phát động chiến dịch Bắc phạt tấn công Tào Ngụy.
Sau khi Lưu Bị qua đời, Gia Cát Lượng hết lòng phò tá Hậu chủ Lưu Thiện và nhà Thục Hán.
Vào năm 228, Gia Cát Lượng đã phát động chiến dịch Bắc phạt đầu tiên. Trước cuộc chiến này, Ngụy Diên, một đại tướng của nhà Thục Hán, đã đưa ra một kỳ mưu cho Gia Cát Lượng. Vào thời điểm đó, mục tiêu của chiến dịch Bắc phạt lần thứ nhất chính là từ Hán Trung tiến vào Quan Trung, sau đó đánh chiếm Lương Châu và cuối cùng tiến vào Trường An, kinh đô của Tào Ngụy.
Theo quan điểm của Gia Cát Lượng, quân Thục Hán nên đi đường dài, hướng về khu vực Lũng Tây và quan trọng nhất là chủ trương vừa đánh trận vừa trồng trọt, nhằm duy trì được lương thảo cho cuộc chiến kéo dài này.
Kỳ mưu của Ngụy Diên là gì?
Ngụy Diên hiến kỳ mưu cho Gia Cát Lượng trong chiến dịch Bắc phạt đầu tiên.
Tuy nhiên, Ngụy Diên cho rằng, trong cuộc chiến hỗn loạn, cần phải tốc chiến, không thể đi từng bước như vậy. Thay vào đó, Ngụy Diên đề xuất kế sách gọi là "kỳ binh xuất Tý Ngọ cốc". Ông đề xuất thừa tướng Gia Cát Lượng cho ông 5.000 binh lính tinh nhuệ, 5.000 quân tải lương, men theo Tần Lĩnh nhằm hướng Đông mà đến, sau lại theo hướng Tý Ngọ mà tiến về phía Bắc, bất quá chỉ khoảng 10 ngày là có thể đến được Trường An.
Lúc bấy giờ, vị tướng phòng thủ Trường An của Tào Ngụy là Hạ Hầu Mậu, con trai của Hạ Hầu Đôn, đồng thời là con rể của Tào Tháo. Ngụy Diên nghe nói Hạ Hầu Mậu còn ít tuổi, hèn nhát mà vô mưu. Nếu đánh theo cách của ông thì vị tướng của Tào Ngụy trở tay không kịp, chỉ có nước gióng ngựa, bơi thuyền bỏ chạy.
Đến lúc đó, trong thành Trường An chỉ còn lại các quan ngự sử, thái thú coi giữ. Đặc biệt, khi dân chúng tháo chạy náo loạn, quân Thục Hán còn có thể chiếm được cả lương thực, trong khi chờ viện binh của Gia Cát Lượng tới. Theo cách đánh này, Thục Hán có thể giành chiến thắng mà không tốn nhiều công sức.
Gia Cát Lượng lập tức từ chối kế sách của Ngụy Diên.
Đáng tiếc Gia Cát Lượng cho rằng kế sách của Ngụy Diên quá mạo hiểm, nóng vội, dễ làm tổn hại binh sĩ nên không nghe theo. Thay vào đó, thừa tướng của Thục Hán cho rằng đi theo đường bằng phẳng, bình định vũng Lũng Hữu sẽ an toàn hơn.
Trên thực tế, Tý Ngọ cốc chính là con đường ngắn nhất trong 5 hướng tiến quân lên phía Bắc của Thục Hán. Đây là con đường núi gập ghềnh, khúc khuỷu. Nhưng đây lại là con đường tắt dẫn thẳng đến thành Trường An mà không cần phải đi qua các địa điểm phòng thủ tại phía Tây của Tào Ngụy. Theo kế sách của Ngụy Diên, đi theo con đường này chính là cách nhanh nhất và ít hao tốn lực lượng nhất giúp Thục Hán có thể chiến thắng trong chiến dịch Bắc phạt.
Tuy nhiên, sự thận trọng của Gia Cát Lượng cũng không ngăn được thất bại của quân Thục. Theo đó, sai lầm của Mã Tắc ở Nhai Đình đã khiến chiến dịch Bắc phạt lần thứ nhất kết thúc thất bại. Nhiều người đời sau cho rằng, thất bại của cuộc Bắc phạt lần thứ nhất là do Gia Cát Lượng ngoan cố, không dùng kỳ mưu của Ngụy Diên. Mặc dù con đường này có rủi ro nhưng lợi ích rất hấp dẫn, vì sao Gia Cát Lượng lại không thử?
Tư Mã Ý được coi là kỳ phùng địch thủ của Gia Cát Lượng thời Tam Quốc.
Tư Mã Ý, chính trị gia, nhà quân sự nổi tiếng phục vụ Tào Ngụy, từng nhận xét rằng Gia Cát Lượng tuy có chí lớn mà không thấy thời cơ. Việc mưu sĩ hay tướng lĩnh quá thận trọng, không nắm được thời cơ để đưa ra quyết sách kịp thời thì kết cục của trận đánh khó tránh khỏi thất bại.
Ngược lại với Gia Cát Lượng, theo tính cách của Tư Mã Ý, ông có thể đã áp dụng kỳ mưu của Ngụy Diên từ lâu.
Kỳ mưu của Ngụy Diên khiến các sử gia tranh cãi. Một số bày tỏ sự khó hiểu vì sao Gia Cát Lượng lại không làm theo kế sách của Ngụy Diên để nhanh chóng đạt được thành quả trong chiến dịch Bắc phạt. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến đồng tình với Gia Cát Lượng vì cho rằng kế của Ngụy Diên là quá khinh địch, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Sự thật về kỳ mưu của Ngụy Diên sau hơn 1.400 năm?
Kỳ mưu của Ngụy Diên tuy tốc chiến nhưng lại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Tính khả thi của các kế sách quân sự phải xuất phát từ thực tiễn. Trải qua nhiều triều đại, các nhà chiến lược quân sự xuất quân từ Tý Ngọ cốc đều thất bại. Kỳ mưu của Ngụy Diên không chỉ tiềm ẩn rủi ro cao mà đơn giản là không thể thực hiện được.
Trên thực tế, vào năm 230, Tào Chân, một đại tướng của Tào Ngụy, quyết định sử dụng con đường hiểm trở trên để tấn công Thục Hán trên quy mô lớn. Thế nhưng, do thời tiết xấu và địa hình không thuận lợi nên quân Ngụy dù mất một tháng cũng chưa đi được nửa quãng đường. Theo Ngụy Diên, men theo Tý Ngọ cốc, khoảng 10 ngày là quân Thục tới được Trường An. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm thực tế của Tào Chân, việc này là không thể.
Vào tháng 2/354, đại tướng của Đông Tấn là Hoàn Ôn sai thứ sử Lương Châu là Tư Mã Huân từ Hán Trung ra đường hang Tý Ngọ để đánh quân Tiền Tần từ phía sau. Tuy nhiên, khi Tư Mã Huân chưa ra khỏi Tý Ngọ cốc thì đã bị 7.000 kỵ binh của quân Tần tấn công và chịu kết cục thất bại. Theo đó, thất bại này không chỉ vì kẻ địch phát hiện ra ý định của quân Tấn mà còn vì Tý Ngọ cốc là con đường quá hiểm trở trong khi quân lương không đủ.
Hơn 1.400 năm sau, Sấm vương Cao Nghênh Tường học theo cách của Ngụy Diên, kết cục chịu thất bại nặng nề.
Năm 1636, vào cuối thời nhà Minh, Sấm vương Cao Nghênh Tường từ Hồ Quảng lại ra, đi đến Thiểm Tây và muốn đi từ Hán Trung để tiến đánh Tây An. Kết quả, chiến lược của ông nhanh chóng bị vị tướng thời nhà Minh là Tôn Truyền Đình phát hiện ra. Tôn Truyền Đình lui về thung lũng của sông Hắc Thủy ở Tý Ngọ cốc để mai phục. Kết quả, sau 4 ngày chiến đấu ác liệt, đội quân của Cao Nghênh Tường bị đánh bại. Cao Nghênh Tường thua trận bị bắt và giải về kinh thành để xử tử.
Có thể nói rằng Sấm vương Cao Nghênh Tường áp dụng theo kế sách của Ngụy Diên cách đây hơn 1.400 năm. Tuy nhiên, kết quả là chịu thất bại nặng nề.
Theo kế sách của Ngụy Diên, dù quân Thục có vượt qua Tý Ngọ cốc và đến Trường An sau 10 ngày thì cũng không thể tấn công được kinh thành này, với một đội quân kiệt quệ về quân lương và sức lực chiến đấu.
Từ chối kỳ mưu của Ngụy Diên là quyết định vô cùng sáng suốt của Gia Cát Lượng.
Rõ ràng sau hơn 1.400 năm, hậu thế mới nhận ra việc Gia Cát Lượng lập tức từ chối nghe theo kỳ mưu của Ngụy Diên là hoàn toàn đúng đắn. Bởi kế sách của Ngụy Diên không chỉ tiềm ẩn rủi ro cực cao mà còn bất khả thi. Kỳ mưu của Ngụy Diên là bộc phát nên việc hành quân cấp tốc cũng sẽ chuẩn bị không được kỹ càng. Hơn nữa, dù Trường An bị động thì việc Ngụy Diên hạ thành với 5.000 tinh binh trong 10 ngày là điều thiếu thực tế.
Với tư cách là tổng chỉ huy của chiến dịch Bắc phạt, đồng thời là người phò tá quan trọng cho đại nghiệp của Thục Hán, Gia Cát Lượng không được phép đánh cược tính mạng và tài sản của quân dân nước Thục vào một kế sách mạo hiểm như vậy.
Vào bối cảnh lúc bấy giờ, Gia Cát Lượng không chỉ phải tập trung vào chiến trường mà còn phải quan tâm tới sự tồn vong của đất nước. Gia Cát Lượng quả thật sáng suốt và có tầm nhìn xa trộng rộng khi nhất quyết từ chối kỳ mưu của Ngụy Diên.
Bài viết tham khảo nguồn: Sohu, Sina, 163, Baidu