Đối với người dân phum sóc ấp Trà Khao (xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh), Thạch Sớt chỉ là một thanh niên nghèo khổ.
Vậy nhưng, sau khi hoàn tục rồi bôn ba trên đất Sài thành, Thạch Sớt bỗng trở nên nổi tiếng với giải thưởng Quán quân Tuyệt đỉnh song ca mùa đầu tiên.
Vượt qua hàng trăm thí sinh dự thi trên khắp các vùng miền, cái tên "Soái ca thợ hồ" hiện đang "nóng" hơn bao giờ hết, nhất là trên quê nghèo nơi Thạch Sớt đã trải qua suốt tuổi ấu thơ.
Tuổi thơ cơ cực
Vừa đăng quang ngôi Quán quân cùng với giải thưởng cao nhất lên đến 500 triệu đồng, Thạch Sớt vẫn chưa kịp về lại quê để chia vui cùng người thân.
Nhưng tại quê nhà ấp Trà Khao, cái tên "Soái ca nhạc sến" đang trở thành đề tài được mọi người xôn xao, bàn tán.
Tìm về ngôi nhà của Sớt, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi gia cảnh quá khốn khó. Đó là một căn nhà tình thương nằm hun hút trong con hẻm nhỏ, nơi Thạch Sớt đã trải qua một tuổi thơ cơ cực cùng với gia đình.
Ngôi nhà tình thương của Quán quân Tuyệt đỉnh song ca.
Gia tài của gia đình Thạch Sớt không có gì ngoài cái tivi và cái đài cũ.
Gặp chúng tôi, ông Thạch Miên (sinh năm 1952, cha Thạch Sớt) mừng rỡ và bảo rằng, trước giờ chưa từng có ai đến đây hỏi thăm về Thạch Sớt. Cuộc sống của gia đình ông quanh năm bấu víu vào miếng ruộng chưa đầy 2 công, ít khi giao du với chòm xóm.
Những ngày này, không khí ở nhà ông bỗng trở nên nhộn nhịp, người cha già cảm thấy hạnh phúc tột cùng vì đứa con trai đã có được thành công vượt bậc như ngày hôm nay.
"Hôm xem con tôi thi đêm chung kết, tôi mừng đến mức không nhận ra mình là ai. Đó là lần hiếm hoi tôi lên Sài Gòn và khi được nhìn thấy con tôi đăng quang, tôi chỉ biết khóc vì sung sướng.
Thạch Sớt có được thành quả đó là do sự kiên trì, nỗ lực của bản thân chứ gia đình tôi không giúp gì được cho nó cả", ông Miên nói.
Ông Miên cho biết, Thạch Sớt bộc lộ năng khiếu ca hát từ rất sớm. Sớt thường hát vu vơ mỗi khi được rảnh tay. Những ngày đi học, khi cô giáo giảng bài, cậu bé Sớt cứ dùng tay đánh gầm bàn rồi ngân nga thì thầm những giai điệu.
Biết con ham hát hơn ham học nên khi Sớt đề nghị được nghỉ học, người cha này gật đầu đồng ý vì biết con chẳng thể nào có thể mưu sinh bằng việc học hành.
Theo phong tục tập quán của đồng bào, khi thôi học Sớt phải vào chùa Cành Đa (gần nhà Sớt) để tu. Trong khoảng thời gian ở chùa, Thạch Sớt chăm chỉ hết lòng cung phụng nhà chùa.
Sau 3 năm, Sớt hoàn tục và trở lại nhà để cùng cha mẹ lo lắng cho cuộc sống của các em. Nói về khoảng thời gian đó, ông Miên ngậm ngùi:
"Chúng tôi nghèo quá không thể lo cho con tôi ăn học nên Sớt phải ra đời làm thuê kiếm sống từ rất sớm. Sớt làm đủ mọi việc từ đồng áng đến phụ hồ, bốc vác miễn sao có được tiền".
Sau khi nghỉ học, Thạch Sớt vào chùa để tu.
Theo chia sẻ của bà con, ngoài những giờ đi làm thêm, Sớt còn đi hát nhạc sống, hội chợ để kiếm thêm thu nhập. Thời đó, mỗi lần hát, Sớt chỉ được trả vài chục ngàn thậm chí là "hát cho vui" vì ở cái xã này ai ai cũng nghèo hết cả.
Có lẽ, cuộc sống khắc nghiệt tuổi ấu thơ đã làm nên một Thạch Sớt có ý chí kiên cường, không lùi bước trước bất cứ thử thách nào của cuộc sống.
Khi nghe con nói lên thành phố để đi hát thuê kiếm sống, chờ đợi cơ hội để có thể kiếm tiền bằng chính đam mê này:
"Tôi hết sức phân vân khi con tôi quyết định đi hát, bởi ngoài cái năng khiếu hát xướng, trong tay Sớt giờ chẳng có một thứ gì.
Mặt khác, ở quê không ai mặn mòi đến chuyện làm ca sĩ cả nên có một thời gian bà con không thích gia đình tôi, bởi vì con tôi quyết định chọn cái nghề này", ông Miên nói tiếp.
Biết không thể ngăn cản được con trai, ông Miên đồng ý cho con được thỏa mãn đam mê bằng cái nghề mà đối với ông hoàn toàn xa lạ. Người cha trải lòng:
"Biết nó đi hát vậy thôi chứ tôi không hề biết nó hát như thế nào và hát ở đâu. Tôi chẳng bao giờ nghĩ con tôi sẽ nổi tiếng, tôi chỉ nghĩ cứ cho Sớt đi đâu đó đến khi nào chán nản rồi về quê lấy vợ lập gia đình.
Cho đến khi con tôi về nhà khoe với cha mẹ là có thể đi kiếm tiền bằng việc hát kẹo kéo, tôi cảm thấy xót xa".
Do không tìm được chỗ hát ổn định để sống bằng nghề, nhờ sự giúp đỡ của một người thân, Sớt mua thùng kẹo kéo rồi rong ruổi đi hát bán kẹo kéo ở khắp mọi ngã đường.
Mặc cho người đời dè bỉu, Sớt đẩy thùng kẹo kéo, cất lên giọng hát đặc trưng của đồng bào Sớt, kiếm miếng cơm nhờ lòng thương hại của khách vãng lai.
4 năm trời làm "ca sĩ kẹo kéo", chàng trai trẻ đã nếm trải được hết những nỗi cực nhọc chỉ với ước vọng được đứng hát và kiếm được tiền. Công việc bận rộn là vậy nhưng Sớt cũng tranh thủ về thăm quê khi đã tích cóp được vài trăm nghìn gửi cho cha mẹ.
Ông Thạch Miên - cha Thạch Sớt.
Niềm tự hào của đồng bào Phum sóc
Nhận xét về đứa con trai, ông Miên nói: "Sớt không biết hút thuốc, không có bạn gái nhưng cái khoản nhậu nhẹt là Sớt chẳng thua ai. Tôi có khuyên nó đừng uống rượu nhiều nhưng nó giải thích rằng, chỉ uống những khi có tiệc tùng hoặc bạn bè lâu ngày gặp lại.
Nó sống tình nghĩa đúng với phẩm chất của một người dân tộc chúng tôi. Khi con xa nhà, tôi chỉ khuyên con hãy sống đạo đức, ân nghĩa thì mới có thể thành công được".
Trong suy nghĩ của ông Miên nói riêng và bà con ở ấp Trà Kháo nói chung, Sài Gòn là một nơi xa hoa và lạ lẫm. Nhận được lời mời từ Ban tổ chức cuộc thi Tuyệt đỉnh song ca, vợ chồng ông Miên mất ngủ mấy đêm liền.
Để chuẩn bị cho chuyến đi xa, ông Miên mang theo 2 quả dừa dứa để tặng cho "sư phụ" Đàm Vĩnh Hưng của Thạch Sớt.
Lúc mới bước xuống xe, lần đầu tiên trong đời lão nông này chứng kiến một không khí náo nhiệt chưa từng có nơi chốn quê nghèo.
Cũng lần đầu tiên, ông nhìn thấy những người nổi tiếng hiển hiện ngay trước mắt mà trước giờ ông chỉ được xem họ trên ti vi.
Ngồi nghe con hát mà nước mắt lưng tròng, người cha lộ vẻ tự hào vì bài hát đặc trưng Sabai chanti của người dân tộc cũng được cất lên từ giọng hát của đứa con trai yêu quý.
"Tôi chỉ biết ngồi rồi khóc, cứ thẩn người ra mà không tin được những điều đang xảy ra trước mắt mình. Tôi chỉ biết con tôi đạt giải nhất khi Đàm Vĩnh Hưng quăng áo xuống sân khấu, thời khắc thật đặc biệt", ông Miên nhớ lại phút giây Thạch Sớt đăng quang.
Giây phúc đăng quang hạnh phúc của Thạch Sớt.
Clip phần biểu diễn của Thạch Sớt - Minh Thảo trong đêm chung kết Tuyệt đỉnh song ca.
Trong ngày vui đặc biệt của Thạch Sớt, bà Sô Phưa chỉ biết khóc, những giọt nước mắt cứ chực sẵn rồi lã chã rơi vì quá hạnh phúc.
Sau ngày đó, Sớt bận bịu, vợ chồng lại khăn gói trở lại quê nghèo trước sự chào đón nồng nhiệt của bà con phum sóc.
Đúng lúc này, cái tên "Soái ca thợ hồ" được mọi người biết đến, cuộc sống của vợ chồng lão nông nhộn nhịp hơn xưa.
Đi đâu bà con cũng hỏi về Thạch Sớt, về quá trình tham dự cuộc thi hát của con trai tôi, trả lời không kịp luôn đó, tôi tự hào về con trai mình", ông Miên sung sướng nói.
Việc Thạch Sớt nổi tiếng đối với bà con địa phương là một chuyện quá bất ngờ, bởi vì không ai tin được một thầy tu người dân tộc lại có thể đứng cùng sân khấu với những tên tuổi hàng đầu showbiz hiện tại.
Đi đến đâu bà con cũng nhắc đến cậu bé Sớt, người đầu tiên mang giọng hát người dân tộc đến tham dự một cuộc thi.