Hà Nội
Theo Cục Thống kê Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2022 giảm 0,46% so với tháng trước, tăng 2,99% so với tháng 12/2021 và tăng 2,77% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2022, CPI bình quân tăng 3,45% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Theo đó, trong tháng 11 có 2/11 nhóm hàng có CPI giảm so với tháng trước. Cụ thể, nhóm giáo dục giảm mạnh 8,72% (tác động làm giảm CPI chung 0,69%) do các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập trên địa bàn Hà Nội tiếp tục thực hiện giảm học phí năm học 2022 - 2023. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,28% (tác động làm giảm CPI chung 0,09%) do giá các mặt hàng thực phẩm giảm 0,5%, các loại rau tươi, khô và chế biến đang vào mùa thu hoạch nên giá giảm 3,27%.
Cũng trong tháng, 9/11 nhóm hàng CPI tăng so với tháng trước: Nhóm giao thông tăng 2,44% (tác động làm tăng CPI chung 0,24%) do giá xăng, dầu điều chỉnh tăng 2 kỳ vào ngày 1/11 và ngày 11/11/2022. Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,29% (tác động làm tăng CPI chung 0,06%) do giá gas tăng 4,67%, giá dầu hỏa tăng 7%. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép và nhóm thiết bị, đồ dùng gia đình cùng tăng 0,23%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,21%; văn hóa, giải trí, du lịch tăng 0,2%; các nhóm còn lại có CPI tăng nhẹ từ 0,04% - 0,05%.
TP.HCM
Theo dữ liệu tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng 2022 của Cục Thống kê TPHCM, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2022 của thành phố tăng 0,82% so với tháng trước, tăng 4,99% so với tháng 12/2021 và tăng 4,67% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2022, CPI bình quân của TPHCM tăng 2,54% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Trong mức tăng 0,82% của chỉ số giá tiêu dùng so với tháng trước có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chỉ số giá tăng; 2/11 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. Cụ thể, nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước gồm: giáo dục tăng 4,5%; giao thông tăng 2,05%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,05%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,33%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,09%; nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 0,89%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%.
Ở chiều ngược lại, chỉ số giá tiêu dùng nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm bưu chính viễn thông giảm lần lượt 0,01% và 0,36% so với tháng trước.
Đà Nẵng
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng 2022 của Cục Thống kê Đà Nẵng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tháng 11/2022 tăng 0,43% so tháng trước, tăng 8,04% so với cùng kỳ năm trước và tăng 8,39% so với tháng 12 năm 2021. CPI bình quân 11 tháng năm 2022 tăng 3,95% so với bình quân cùng kỳ năm 2021, mức tăng này cao hơn mức tăng bình quân cùng kỳ năm 2021.
Cục Thống kê Đà Nẵng đánh giá, trong nhiều yếu tố tác động thì giá xăng dầu tăng trong tháng chính là yếu tố chủ yếu làm cho CPI trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tháng 11 năm 2022 tăng.
Trong mức tăng 0,43% của chỉ số giá tiêu dùng so với tháng trước có 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chỉ số giá tăng; 2/11 nhóm hàng có chỉ số giá giảm và 1 nhóm có giá bình ổn so với tháng trước. Cụ thể, nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước gồm: giao thông tăng 2,5%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,84%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,39%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,38%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,33%; bưu chính viễn thông tăng 0,06%; nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 0,03%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%.
Tháng 11/2022, chỉ số giá tiêu dùng nhóm văn hóa, giải trí, du lịch và nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm lần lượt là 0,15% và 0,01% so với tháng trước. Trong tháng 11/2022, chỉ duy nhất nhóm giáo dục có chỉ số giá tiêu dùng không biến động so với tháng trước.
Hải Phòng
Cục Thống kê Hải Phòng cho biết, giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới; nhu cầu thuê nhà của công nhân tăng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2022 tăng 0,05% so với tháng trước; tăng 3,96% so với tháng 12/2021 và tăng 3,90% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 11 tháng năm 2022, CPI tăng 3,44% so với cùng kỳ năm trước.
So với tháng trước, CPI thành phố Hải Phòng tháng 11/2022 tăng 0,05% (khu vực thành thị giảm 0,34%; khu vực nông thôn tăng 0,55%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 7 nhóm hàng có chỉ số giá tăng so với tháng trước và 3 nhóm có chỉ số giá tiêu dùng giảm.
Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 11/2022 giảm 1,29% so với tháng trước, tác động làm CPI chung giảm 0,46 điểm phần trăm, trong đó lương thực tăng 0,27%; thực phẩm giảm 1,93% tác động làm CPI chung giảm 0,47 điểm phần trăm; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,01%.
Cần Thơ
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng của Cục Thống kê Cần Thơ cho biết, CPI tháng 11/2022 của địa phương tăng 0,22% so với tháng trước; tăng 1,51% so với cùng kỳ năm trước, tăng 1,64% so với tháng 12 năm trước. Chỉ số giá bình quân 11 tháng/2022 tăng 2,40% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, các nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước, gồm: Đồ uống và thuốc lá tăng 0,21%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,19%; giao thông tăng 2,58%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,09%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,05%.
Các nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá giảm so với tháng trước, gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,08%; may mặc, mũ nón, giầy dép giảm 0,24%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,20%; Bưu chính viễn thông giảm 0,15%. Riêng 2 nhóm Thuốc và dịch vụ y tế và nhóm Giáo dục có chỉ số giá ổn định so với tháng trước.
Cục Thống kê Cần Thơ nhận định, do trong tháng có nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi được triển khai ở các cửa hàng, các siêu thị lớn nhỏ trên địa bàn thành phố đặc biệt là các nhóm hàng lương thực thực phẩm, đồ dùng gia đình… được giảm giá mạnh nhân các ngày 11/11, ngày 20/11 và các ngày cuối tuần nhằm thu hút nhu cầu mua sắm của người dân. Điều này đã làm chỉ số giá một số mặt hàng giảm như: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống; may mặc, mũ nón, giầy dép; thiết bị, đồ dùng gia đình và bưu chính viễn thông.
Bên cạnh đó, một phần do tác động của giá xăng dầu được điều chỉnh tăng trong tháng đã làm một số nhóm hàng bị ảnh hưởng tăng nhẹ như: Đồ uống và thuốc lá tăng; xăng dầu; văn hóa, giải trí và du lịch; hàng hóa và dịch vụ khác…