Hà Nội
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội mới đây của Cục Thống kê TP. Hà Nội cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 của Hà Nội tăng 0,54% so với tháng trước, tăng 4,24% so với tháng 12/2021 và tăng 4,47% so với cùng kỳ năm trước.
CPI bình quân 9 tháng năm 2022 tăng 3,49% so với bình quân cùng kỳ năm 2021. Trong đó, nhóm giao thông tăng 14,16%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 5,04%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 3,77%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,01%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,25%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,01%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,8%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,44%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2%.
Có 2/11 nhóm hàng khiến CPI bình quân 9 tháng giảm so với bình quân cùng kỳ gồm bưu chính viễn thông giảm 0,36%; giáo dục giảm 0,13%.
Quảng Ninh
Theo Cục Thống kê Quảng Ninh, bình quân 9 tháng đầu năm 2022, CPI của tỉnh tăng 3,16% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm giao thông tăng 13,67%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,16%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,9%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,72%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,71%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,48%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,43%.
Ở chiều ngược lại, có 2/11 nhóm hàng khiến CPI bình quân 9 tháng giảm so với bình quân cùng kỳ gồm bưu chính viễn thông giảm 0,21%; giáo dục giảm 2,88%.
TP. HCM
Theo Cục Thống kê TP. HCM, sau khi giảm ở tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng trở lại, với mức tăng đạt 0,3% so với tháng 8/2022. So với cùng kỳ, CPI TP. HCM tháng 9 tăng 2,8% với 11/11 nhóm hàng tăng giá, nhóm giao thông tăng cao nhất với mức tăng là 7,22%.
Bình quân 9 tháng đầu năm 2022, CPI của TP.HCM tăng 2,18% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm giao thông tăng 15,5%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 3,19%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2%; đồ uống và thuốc lá tăng 3,22%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,03%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,78%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,11%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,56%.
Ở chiều ngược lại, có 3/11 nhóm hàng khiến CPI bình quân 9 tháng giảm so với bình quân cùng kỳ gồm bưu chính viễn thông giảm 1,21%; giáo dục giảm 2,9%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,4%.
Đà Nẵng
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Cục Thống kê Đà Nẵng chỉ ra rằng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn thành phố trong tháng 9/2022 tăng 0,77% so tháng trước, tăng 7,24% so với cùng kỳ năm trước, tăng 7,63% so với tháng 12 năm 2021. CPI bình quân quý 3/2022 tăng 5,46% so với bình quân cùng kỳ năm 2021.
CPI bình quân 9 tháng năm 2022 tăng 3,08% so với bình quân cùng kỳ năm 2021, mức tăng này cao hơn mức tăng bình quân cùng kỳ năm 2021. Có 8/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng, 3/11 nhóm hàng có chỉ số giá giảm so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, những nhóm hàng có mức tăng cao hơn so với mức tăng chung bao gồm: giao thông (+17,66%); đồ uống và thuốc lá (+6,60%); thiết bị và đồ dùng gia đình (+4,00%); may mặc, mũ nón và giày dép (+3,58%).
Bên cạnh đó, nhóm hàng có mức tăng thấp hơn so với mức tăng chung gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+2,91%); hàng hóa và dịch vụ khác (+2,55%); văn hóa, giải trí và du lịch (+2,08%); thuốc và dịch vụ y tế (+0,64%). Ngoài ra, có 3 nhóm hàng giảm giá so với bình quân cùng kỳ gồm: bưu chính, viễn thông (-2,35%); giáo dục (-0,83%); nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (-0,98%).
Hải Phòng
Theo Cục Thống kê Hải Phòng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 giảm 0,13% so với tháng trước, tăng 4,02% so với tháng 12/2021 và tăng 4,64% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý 3/2022 CPI tăng 4,34%.
Tính chung 9 tháng năm 2022, CPI Hải Phòng tăng 3,26% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 0,9% của 9 tháng năm 2021. Theo Cục Thống kê Hải Phòng, một số nguyên nhân làm tăng CPI 9 tháng đầu năm 2022 phải kể đến như: Ăn uống ngoài gia đình tăng 6,21%, làm CPI chung tăng 0,54%; Giá thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 4,96%, làm CPI chung tăng 0,39.
Bên cạnh đó, trong 9 tháng năm 2022, giá xăng dầu trong nước điều chỉnh 25 đợt, làm cho giá xăng dầu tăng 38,38%, tác động CPI chung tăng 1,32 điểm phần trăm. Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, tính từ đầu năm đến nay giá gas tăng 18,17%. Ngoài ra, dịch vụ du lịch tăng 5,59% so với cùng kỳ, làm CPI chung tăng 0,06 điểm phần trăm.
Ở chiều người lại, một số nguyên nhân làm giảm CPI 9 tháng đầu năm 2022 gồm: giá một số mặt hàng thực phẩm giảm như thịt lợn giảm 19,85%; thịt chế biến giảm 2,16; mỡ động vật giảm 22,55%...